Đăk Hà: Hướng tới nền nông nghiệp công nghệ cao, bền vững

Thứ sáu, ngày 13/12/2013 10:36 AM (GMT+7)
Xác định nông nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua huyện Đăk Hà (Kon Tum) đã mạnh dạn đưa các loại giống mới, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh; tạo bước đột phá để phát triển nông nghiệp...
Bình luận 0
Cuộc “cách mạng” trên đất

Ông Phạm Đức Hạnh- Bí thư Huyện ủy Đăk Hà tâm sự, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất là một bước đi đúng nhằm tạo ra sản lượng, chất lượng sản phẩm tốt nhất. Song nếu việc làm này không được tính toán một cách kỹ lưỡng rất có thể sẽ cho kết quả ngược. Trước khi thực hiện cuộc “cách mạng” này, huyện đã khảo sát, lựa chọn một cách cẩn thận các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp. Từ đó, huyện đã mạnh dạn dùng các biện pháp tăng năng suất, bằng việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đưa giống mới vào sản xuất nông nghiệp.

Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã đem lại cho nông dân Đăk Hà mùa màng bội thu.
Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã đem lại cho nông dân Đăk Hà mùa màng bội thu.

Năm 2012, công việc này được tiến hành, Dự án “Xây dựng mô hình cải tạo, thâm canh để nâng cao hiệu quả và kéo dài chu kỳ kinh doanh cây cà phê tại huyện Đăk Hà” được thực hiện. Hơn 100ha cà phê già cỗi đã được chọn để vào thực hiện dự án. Ngoài quy trình chăm sóc khoa học, diện tích cà phê này đã được chăm sóc bằng chế phẩm sinh học.

Cùng với đó, một số loại cây trồng như lúa nước, cao su... cũng được sản xuất thí điểm bằng chế phẩm sinh học. Sau một năm thí điểm, hầu hết các loại cây trồng đều sinh trưởng phát triển tốt, đạt năng suất cao, giảm chi phí đầu tư từ 25-30%. Theo nhận định, chế phẩm sinh học tích hợp được nhiều công dụng như giúp cải tạo đất, cân bằng sinh thái môi trường, giúp cây tăng được khả năng chịu hạn, chịu rét; điều hòa sinh trưởng, loại trừ các nấm bệnh…

Từ kết quả này, năm 2013, huyện đã quyết định ứng dụng rộng rãi KHCN và vào sản xuất. Một nghị quyết về ứng dụng KHCN vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện được ra đời. Bí thư Huyện ủy chỉ đạo: Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, Thường trực Huyện ủy sẽ chỉ đạo UBND huyện, Đảng ủy các xã thị trấn, các tổ chức cơ sở đảng, các ngành các phòng ban, đơn vị, các tổ chức đoàn thể xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện NQ;

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt tuyên truyền những kết quả thực tế thông qua người dân, các hộ đã thành công trong việc ứng dụng, để cho người dân thấy việc đó là thực tế, tự mình suy nghĩ và cộng sự hỗ trợ của nhà nước để chủ động áp dụng KHCN và giống mới trong sản xuất, mang lại đời sống cao.

Thứ đến là tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh mối liên kết giữa sự thống nhất quản lý của Nhà nước. Người nông dân là chủ thể để thực hiện triển khai, có sự hỗ trợ của doanh nghiệp, đầu tư chuyển giao các chế phẩm KHCN, gắn với các cơ sở đào tạo trong và ngoài tỉnh để nâng cao trình độ của người nông dân về nghề nghiệp và sử dụng KHCN. Mục tiêu của Đăk Hà là phấn đấu xây dựng nông nghiệp, sản xuất hàng hóa bền vững trên nền hữu cơ.

Thay đổi tư duy sản xuất

Ông Nguyễn Trung Phụ, thôn 1, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, một trong những nông dân tiên phong ứng dụng KHCN để cải tạo vườn cà phê già cỗi, cho biết: “Tôi có hơn 1ha cà phê bị vàng lá do già cỗi, đang định đào bỏ để trồng lại. Thế nhưng qua 4 lần bón phân sinh học thì thấy vườn cây phục hồi rất nhanh, lá mượt, cây phát triển nhanh. Không chỉ thế niên vụ cà phê năm 2012-2013 gia đình thu được 20 tấn quả tươi trên 1 ha, tăng 7 tấn so với niên vụ cà phê trước đó”.

Ông Nguyễn Thiện Tú- Phó Chủ tịch xã Ngọc Réo, khẳng định với chúng tôi: “Tư duy sản xuất của đồng bào bây giờ đã thay đổi thực sự. Lối canh tác lạc hậu đã và đang được thay bằng việc sản xuất hiện đại. Sự đổi thay đó cũng chính là bước tiến mạnh mẽ giúp nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững”.

Tại tổ hợp tác sản xuất cà phê sạch thị trấn Đăk Hà, ông Nguyễn Văn Bằng, cũng khẳng định: “Công nghệ sinh học đã đem lại những đổi thay rất rõ rệt cho vườn cà phê. Kết quả kiểm tra vừa qua cho thấy các diện tích cà phê sử dụng chế phẩm sinh học đều phát triển rất đẹp.

Biểu hiện rất rõ ràng là cành cà phê vươn dài, các tế bào gốc dần dần bị thoái hóa và bị lột ra, nâng năng suất, trẻ hóa vườn cây, đồng thời lượng cành dự trữ cho năm sau rất lớn. Năm nay năng suất bình quân đạt từ 17-23 tấn quả tươi/ha, tăng 3 tấn so với cà phê niên vụ 2012-2013”.

Từ những kết quả thực tiễn, trong 2 năm qua, nông dân- mà đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số- cũng đã mạnh dạn ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Theo đánh giá đến nay, có rất nhiều nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số đã biết áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp.

Anh A Ngúp, thôn Kon K rớt xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà, chia sẻ: “Trước đây, bà con mình chỉ biết canh tác theo lối truyền thống năng suất đạt rất thấp. Từ khi có các chương trình tập huấn bà con mới biết đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng năng suất cây trồng lên rất đáng kể”. Không chỉ riêng A Ngúp mà rất nhiều nông dân dân tộc thiểu số khi được hỏi, họ đều kể vanh vách cho chúng tôi nghe quy trình sản xuất một cách rất khoa học.
Duy Hậu (Duy Hậu)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem