Đem nước về cho vùng cao

Thứ tư, ngày 04/12/2013 09:53 AM (GMT+7)
Với chất lượng nước đạt quy chuẩn, phù hợp với tập quán sử dụng của đồng bào vùng cao, chi phí chỉ bằng 50 - 60%, mô hình làm tường hào thu nước mái đồi tại Lai Châu đáp ứng được nước sinh hoạt cho người dân vùng núi.
Bình luận 0
Thiếu nước quanh năm

Xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ có hơn 3.000 người sinh sống (90% là đồng bào Thái) ở 18 bản, trong đó có 7 bản mới di dân ra khỏi lòng hồ Thủy điện Sơn La. Ở đây thiếu nước sinh hoạt cả mùa mưa và mùa khô. Nhất là vào mùa khô, các khe, mó nước cạn kiệt, người dân phải mang can nhựa đi khắp nơi tìm nguồn nước.

Ông Lò Văn Dán - Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây gia đình ông và nhiều hộ dân phải khoan giếng sâu hơn 28m, nhưng khi có nước thì lại bị nhiễm đá vôi nặng, không nấu ăn được. Bà con phải băng rừng tìm đến những khe, mó sâu có nước để lấy về uống.

Làm hào, lắp đặt ống thu nước ở xã Chăn Nưa (Sìn Hồ) Lai Châu.
Làm hào, lắp đặt ống thu nước ở xã Chăn Nưa (Sìn Hồ) Lai Châu.

Ông Dán nhớ lại: “Thực tế, xã cũng được đầu tư một công trình nước sạch cho người dân tái định cư với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng nhưng chỉ được vài tháng thì đã hỏng. Chúng tôi đã nhiều lần làm tờ trình lên cấp trên để xin kinh phí sửa chữa, khắc phục nhưng chưa được”.

Theo Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường tỉnh Lai Châu, là tỉnh miền núi đặc thù, chủ yếu là huyện nghèo, nên trên địa bàn có nhiều công trình cấp nước của nhiều dự án khác nhau như dự án tái định cư, 134, 135 và 30a. Nhiều công trình có số vốn đầu tư hơn chục tỷ đồng đã “chết hẳn”, trong khi các huyện Sìn Hồ, Phong Thổ vào mùa khô người dân rất thiếu nước, còn mùa mưa nước lại rất đục, họ phải đi xa hàng chục cây số để lấy nước.

Làm tường hào thu nước

Xuất phát từ thực tế trên, Viện Thủy công (Viện Khoa học- Thủy lợi Việt Nam) đã được giao tìm giải pháp để có nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho các điểm di dân tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn tỉnh Lai Châu, trong đó có xã Chăn Nưa. Qua một thời gian khảo sát thực địa, viện đã quyết định làm mô hình tường hào thu nước mái đồi tại xã Chăn Nưa.

Mô hình là hệ thống tường ngầm cắt ngang lòng khe nước để giữ dòng chảy. Tầng cát sỏi lọc tự nhiên đặt ở phía thượng lưu tường hào và bên trong các hào thu nước dưới chân mái dốc. Hệ thống lọc và thu nước được chế tạo từ các dải băng thu nước có các rãnh nhỏ, qua đó đấu nối các ống thu nước dẫn ra bể chứa tập trung. Mô hình này có thể cấp nước ổn định với dung lượng khoảng 23m3/ngày đêm vào mùa mưa và trên 12m3/ngày đêm mùa khô.

Theo báo cáo của Sở NNPTNT Lai Châu, năm 2012, chỉ có gần 20% số người dân nông thôn tỉnh Lai Châu được sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt do Bộ Y tế bàn hành.

Đến nay, công trình cấp nước theo mô hình này đã đáp ứng nhu cầu dùng nước của 49 hộ dân trong xã. Bà Điêu Thị Lam ở bản Chiềng Chăn 3, xã Chăn Nưa cho hay: “Trước kia ăn nước trong khe có con tắc te nên rất sợ.

Từ khi có công trình nước mới đưa về, gia đình tôi cũng như mấy chục hộ dân khác không phải dùng nước bẩn, đục mùa mưa cũng như không thiếu nước vào mùa khô nữa”. Còn Chủ tịch xã Lò Văn Dán phấn khởi nói: “Nước sạch của công trình có thể về đến tận bể từng hộ mà không cần phải bơm. Do công trình được đặt chìm trong lòng suối nên không bị dòng chảy lũ hay đất đá sạt lở phá hoại”.

Đánh giá chất lượng của công trình, ông Nguyễn Ngọc Miến – Giám đốc Trung tâm NS&VSMTNT Lai Châu cho biết: “Hiện nay, mô hình cấp nước bằng tường hào ở Chăn Nưa đã cung cấp nước sạch cho 49 hộ dân đủ dùng trong 3 tháng mùa khô đầu năm 2012. Còn vào mùa lũ vừa qua, dòng nước chảy tràn trên suối rất đục nhưng nước thu được ở hệ thống cấp nước này vẫn trong vắt như nước đóng chai”.
Đoàn Lê (Đoàn Lê)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem