Giúp hội viên chuyển đổi nhận thức

Kiều Thiện Thứ ba, ngày 31/03/2015 09:18 AM (GMT+7)
“Nguồn thu thì nhà nào cũng có, nhưng muốn thu nhập tăng lên nhiều hơn, ổn định hơn thì không phải ai cũng đã làm được. Cán bộ hội phải giúp hội viên nhận thức ra điều ấy và chuyển đổi cách làm” – ông Mùa A Tu- Chủ tịch Hội Nông dân (ND) huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, nói.
Bình luận 0

Vào cuộc với nông dân

Hội ND huyện Tuần Giáo có tới 19 cơ sở hội và 229 chi hội, nhiều địa bàn đặc biệt khó khăn. Với những bản xa, từ trung tâm huyện muốn đến được với dân phải đi mất cả ngày đường. Bà con các dân tộc ở đây chủ yếu sống bằng nghề nông nhưng trình độ canh tác còn lạc hậu và điều kiện thời tiết rất khó khăn. Bởi thế, tỷ lệ hộ nghèo ở Tuần Giáo vẫn cao và mục tiêu xóa nghèo luôn là thách thức. Ông Mùa A Tu tâm sự: Hơn 30 năm liên tục làm công tác hội, đến nay tôi đã đi hầu hết các bản làng, đã cùng nhiều ND tâm sự trắng đêm bên bếp lửa về cái đói, cái nghèo, về cách thức xóa nghèo. Tôi biết ND muốn xóa nghèo lắm nhưng bản thân họ cũng bí về phương pháp, thiếu về giống, vốn nên đành chịu.

img
Nông dân Tuần Giáo trồng sắn hàng hóa vừa để tăng thu nhập vừa làm thức ăn chăn nuôi gia súc.         K.T
Sau mỗi chuyến đến với cơ sở về, ông Tu lại dành thời gian để tư duy, trao đổi, tìm cách phối hợp với các đoàn thể, đơn vị khác để tìm ra một giải pháp thiết thực về xóa nghèo cho các địa bàn. Ông động viên các cán bộ hội tích cực bám sát ND, thường xuyên thông tin về tam nông ở cơ sở để giúp Hội và cấp trên có cái nhìn toàn diện hơn. “Khi một cán bộ hội đến với cơ sở, đến với ND thường xuyên thì nhận thức của họ và vai trò của Hội cũng được cải thiện rất nhiều. Tuy điều kiện, khả năng vật chất của Hội có hạn nhưng thực ra vẫn có nhiều cách để giúp ND hiệu quả. Một trong những cách ấy là giúp bà con chuyển đổi nhận thức, nâng cao năng lực sản xuất, đưa ý chí thi đua làm giàu vào trong người dân. Với những việc Hội chưa đủ điều kiện thực hiện thì phối hợp trạm khuyến nông, phòng nông nghiệp, hội phụ nữ, trung tâm dạy nghề, doanh nghiệp… Nói tóm lại là phải bám ND thì mới chỉ đạo được ND. Cán bộ nào ít đi cơ sở thì không thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của người nông vận” - ông Tu nói.

 

Nông dân chuyển đổi theo phong trào

Từ thực tiễn cơ sở và nhiệm vụ trên giao, Hội ND huyện Tuần Giáo đã đưa ra nhiều mục tiêu thi đua lao động sản xuất gắn với những giải pháp cụ thể, lợi thế cụ thể của mỗi cơ sở. “Cuộc chạy đua xóa đói nghèo, làm giàu chính đáng thì đã rõ rồi. Cái khó nhất là mình phải chỉ cho dân là xóa bằng cách nào, chuyển đổi bằng cách nào. Khi họ gặp khó khăn thì gỡ rối ra sao, huy động ai, nguồn vốn nào để gỡ cái khó ấy” – ông Tu tâm sự.

Từ sự chân thành và nhiệt tình ấy, những cán bộ Hội ND ở Tuần Giáo đã từng bước làm thay đổi nhận thức của không ít ND. Chị Mùa Thị Rùa - ND giỏi ở bản Lồng B, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tâm sự: Trước đây nhà em cũng nghèo lắm, đói ăn thường xuyên, chữ cũng không biết. Nghe lời cán bộ bảo “muốn hết đói thì phải làm nhiều hơn, muốn nhanh giàu thì phải học cái chữ”, thế là em làm theo. Lúc đầu chỉ là làm thêm nương lúa, nương ngô, tự học tiếng phổ thông qua dân bản. Sau đó em đã học thêm những kinh nghiệm làm ăn mới. Cứ khó khăn ở đâu là em hỏi cán bộ. Bây giờ em biết cả chữ viết, biết tính toán khi đi chợ. Kinh tế gia đình thì 5 năm nay đã thuộc hộ giàu rồi, mỗi năm thu hơn 200 triệu đồng nhờ trồng dưa mèo, sa nhân, nếp thơm và chăn nuôi gà, lợn...

 Già bản Mùa A Nính ở xã Tỏa Tình bảo: Nhiều người nghe theo cán bộ nên đã giàu hơn rồi đấy. Như anh Dua ở bản này, trước đây chỉ trồng mỗi lúa nương nên cứ đói mãi. Bây giờ thì Dua thành chủ trang trại lớn rồi, có tiền tỷ nhờ vào rừng thông và đàn gia súc đấy. Dân bây giờ không chỉ biết làm giỏi mà còn biết buôn bán. Cái chợ trên đỉnh đèo Pha Đin này là do dân Tỏa Tình tự lập ra đấy”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem