Kêu gọi chung tay tu sửa di tích

Đình Thắng (thực hiện) Thứ năm, ngày 29/01/2015 14:44 PM (GMT+7)
Trước thực trạng các di tích lịch sử của Hội xuống cấp trầm trọng, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đã chính thức phát động cán bộ, hội viên ủng hộ kinh phí tu sửa các di tích này. Thời gian phát động hội viên ND cả nước ủng hộ kinh phí tôn tạo, tu sửa các di tích từ ngày 15.1 đến 30.6.2015. 
Bình luận 0

Xung quanh vấn đề này, NTNN có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn (ảnh) -Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương Hội NDVN.

Ông Nguyễn Hồng Sơn cho biết: Di tích lịch sử của Hội NDVN là thành tố quan trọng khẳng định sự hình thành và phát triển của phong trào ND và Hội NDVN qua các thời kỳ. Đây là những bằng chứng khẳng định NDVN luôn là lực lượng đông đảo nhất, nòng cốt nhất trong các giai đoạn dựng nước và giữ nước. Di tích lịch sử Hội NDVN giúp cho cán bộ, hội viên, ND hiểu về truyền thống lịch sử phong trào ND và sự hình thành, lớn mạnh của tổ chức Hội NDVN, thấy được sự trung thành, sự gắn bó máu thịt của ND với Đảng ta trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Vừa qua, Hội ND các tỉnh đã tiến hành kiểm tra mức độ xuống cấp, hư hỏng của các di tích này. Trung ương Hội đánh giá hiện trạng xuống cấp của các di tích ở mức độ nào, thưa ông?

- Lịch sử phong trào ND và Hội NDVN hiện có 6 điểm di tích được ghi nhận ở 4 tỉnh: Tuyên Quang, Thái Nguyên, Quảng Nam và Tây Ninh. Các di tích này hầu hết nằm trong các quần thể di tích lịch sử quốc gia.

img
Tường rào, khuôn viên Bia di tích Hội Nông dân tại thôn Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, Quảng Nam đã bị mục rỉ, xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: Vĩnh Lộc
Tại Tuyên Quang có 3 điểm di tích: Di tích tại xóm 7, thôn Phong Vân, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn là nơi tổ chức hội nghị cán bộ ND toàn quốc lần thứ nhất; di tích tại thôn Đồng Quắc, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hóa là nơi tổ chức hội nghị cán bộ ND toàn quốc lần thứ hai; di tích trụ sở Ban Nông vận Trung ương (thời kỳ 1952 – 1954) tại thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương. Ở Thái Nguyên có di tích trụ sở Ban Nông vận Trung ương (thời kỳ đầu, sau khi thành lập Ban Nông vận Trung ương) tại xóm Đồng Lá 3, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa. Đây là di tích lịch sử chính của phong trào ND và Hội NDVN. Ở Quảng Nam có di tích nơi làm việc của Hội ND Giải phóng miền Trung - Tây Nguyên tại khu căn cứ Nước Oa, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My. Còn Tây Ninh có di tích nơi làm việc của Hội ND Giải phóng miền Nam tại ấp Tân Lâm, xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Hầu hết các di tích trên được xây dựng và khánh thành vào những năm 2005, 2006, hiện đều đã xuống cấp, gạch lát nền vỡ nát nhiều, tường bao nứt, bong tróc, rêu mốc, có công trình không có tường bao khuôn viên, không có cổng bảo vệ, không có nhà vệ sinh và nước sinh hoạt. Một số di tích bị hư hỏng nặng như di tích tại khu căn cứ Nước Oa (Quảng Nam), hiện tường rào, cổng ngõ bị mục nát, các khung cửa nhà bia bị mối mọt làm hư hỏng nặng, la phông, trần nhà bị thấm nước mục nát; màu sơn phai mờ và bị rêu bao phủ; hệ thống điện, nước, công trình vệ sinh chưa có. Hội ND các tỉnh, thành có di tích đều đã nhiều lần đề nghị cho tu sửa nhưng chưa có kinh phí để thực hiện.

Trước thực trạng nêu trên, Trung ương Hội đã có kế hoạch sửa chữa, tôn tạo những di tích này như thế nào?

Quan điểm
img
Ông Nguyễn Hồng Sơn
  Cuộc vận động cán bộ, hội viên ND ủng hộ kinh phí tu sửa di tích lịch sử Hội ND là hoạt động có ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc. Cán bộ, hội viên ND và các doanh nghiệp nông nghiệp hãy chia sẻ với Hội NDVN, tích cực đóng góp và tham gia thực hiện”. 
- Trung ương Hội NDVN vừa chính thức phát động cán bộ, hội viên ủng hộ kinh phí tu sửa các di tích lịch sử của Hội. Đây là hoạt động lớn nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội NDVN (14.10.1930 – 14.10.2015) và thiết thực chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Cuộc vận động này là dịp tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong cán bộ, hội viên, ND và các giai tầng trong xã hội về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và truyền thống cách mạng của giai cấp ND và Hội NDVN, nâng cao nhận thức trong cán bộ, hội viên, ND về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong bảo tồn, phát huy, phát triển các di tích lịch sử.

 

Thời gian phát động hội viên ND cả nước ủng hộ kinh phí tôn tạo, tu sửa các di tích từ ngày 15.1 đến ngày 30.6.2015. Trong thời gian này Trung ương Hội NDVN phối hợp cùng các tỉnh có di tích trên địa bàn để khảo sát tình trạng thực tế các di tích, thống nhất các hạng mục công trình cần tôn tạo, tu sửa. Các tỉnh có di tích khẩn trương khảo sát, lên phương án tôn tạo, tu sửa và hoàn thành chậm nhất trước quý II/2015.

Cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống Hội từ Trung ương tới cơ sở mỗi người đóng góp tối thiểu 1 ngày lương cơ bản. Hội viên ND (trừ hộ nghèo và cận nghèo) ủng hộ tối thiểu 1.000 đồng/hội viên. Bên cạnh đó Hội cũng sẽ vận động các hộ ND sản xuất, kinh doanh giỏi và các doanh nghiệp có liên quan đến nông nghiệp, ND trên địa bàn các tỉnh, nhất là các tỉnh có di tích lịch sử của Hội.

Kinh phí từ cuộc vận động được sử dụng để tôn tạo và tu sửa các di tích trên. Trên cơ sở số tiền vận động được, sau khi chi phí tôn tạo và tu bổ các di tích, nếu còn sẽ để lại dự phòng cho các kỳ tu bổ trong những năm tiếp theo.

Thưa ông, sau khi được tu sửa, các công trình di tích lịch sử này sẽ được quản lý, gìn giữ như thế nào cho hiệu quả?

- Sau khi được tu sửa xong, các công trình di tích lịch sử sẽ được giao cho Hội ND cơ sở bố trí cán bộ, hội viên ND trông coi, bảo vệ, hướng dẫn cán bộ, nhân dân tham quan di tích, đảm bảo tốt nhất hiệu quả tuyên truyền.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem