Nâng tầm tiếng nói nông dân

Đình Thắng Chủ nhật, ngày 22/06/2014 07:52 AM (GMT+7)
Sau gần 30 năm đổi mới, tiếng nói của người nông dân đã khá lên nhưng vẫn còn yếu thế. Đời sống của ở nông thôn còn nhiều bất cập. Các chuyên gia cho rằng, báo chí cần phản biện nhiều hơn nữa để nâng tầm tiếng nói, lợi ích của nông dân.
Bình luận 0

Bớt “thấp cổ bé họng”

Đánh giá về vai trò của báo chí trong việc phản biện các chính sách, các vấn đề về tam nông nhằm nâng cao tiếng nói của nông dân, ông Tăng Minh Lộc – nguyên Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) cho rằng:

“Trong nhiều năm qua báo chí đã có những đóng góp rất tích cực. Nếu không có sự tuyên truyền, vận động của báo chí, trong đó có Báo NTNN thì không thể có những chuyển động xã hội tốt trong lĩnh vực tam nông nói chung và nông thôn mới nói riêng”.

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển NNNT cũng chia sẻ: “Với những người làm nông nghiệp như chúng tôi thì Báo NTNN là một trong những tờ báo chúng tôi rất yêu quý. Báo có những bài phản ánh rất sắc sảo, đưa đến cho độc giả và giới chuyên gia, nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách những góc nhìn đa chiều”.

Bên cạnh những mặt tích cực, ông Tăng Minh Lộc cũng cho rằng: “Các cơ quan thông tấn báo chí nói chung, Báo NTNN nói riêng cần có nhiều hơn nữa những bài phản biện của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, tiếng nói đa chiều hơn về hiện trạng triển khai nông thôn mới. Chúng tôi những người làm nông nghiệp mong rằng tới đây báo chí sẽ đưa ra nhiều hơn ý kiến của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, của người nông dân hiểu biết, tâm huyết để phản biện lại các chính sách nông nghiệp, đó là những gợi ý để các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách sửa đổi cho phù hợp hơn”.

Theo đánh giá của Viện sĩ, Giáo sư Trần Đình Long – Chủ tịch Hội Giống cây trồng Việt Nam: “Hiện nay báo chí đang minh chứng, minh họa cho chính sách là nhiều, còn phản biện chính sách thì còn ít báo làm được. Còn khi phản biện thì để làm thay đổi chủ trương của các bộ ngành thì không nhiều.

Vấn đề chính sách ruộng đất chẳng hạn, hiện nay trong quá trình đô thị hóa, đất ruộng bị cắt xén cho các dự án, và việc bồi thường đền bù cho nông dân không thỏa đáng, nông dân vừa mất ruộng, vừa mất nghề, tiền đến bù thì không đáng là bao và như thế họ bị thiệt thòi rất lớn. Báo chí phải làm thế nào để thay đổi tình trạng này”.

Gia tăng kết nối

Để việc phản biện về tam nông tốt hơn, Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn – Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách phát triển NNNT cho hay:

“Báo chí phải kết nối và tập hợp được ý kiến góp ý của nhiều đối tượng từ nông dân tâm huyết cho đến các chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu thành một khối để phản biện. Ví dụ như chiến lược phát triển nông nghiệp Việt Nam, thì ít nhất phải tập hợp được lực lượng có hiểu biết chuyên sâu về chiến lược đó thì mới có thể phản biện được. Báo giữ vai trò kết nối, tạo diễn đàn để các lực lượng sản xuất, quản lý, khoa học cùng ngồi lại trao đổi phản biện lẫn nhau”.

Đi sâu vào vấn đề này ông Tăng Minh lộc đưa ra góc nhìn cụ thể hơn: “Hiện nay báo chí có thể đề cập sâu đến việc thực hiện nghị định liên kết - vốn đang đầy “khuyết tật”, hay như nghị định cá tra, nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào phát triển nông nghiệp nông thôn. Các nghị định này đang tồn tại nhiều bất cập, không sát với đời sống cần được xã hội quan tâm phản biện để hoàn thiện hơn”.

"Trong nhiều năm qua, người nông dân là đối tượng được Báo NTNN đề cập nhiều nhất. Hầu như các trang báo đều thấm đẫm từng giọt mồ hôi nước mắt của người nông dân. Tôi đánh giá cao hướng đi đó, cách tiếp cận đó của tờ báo này, các bạn đang đi rất đúng hướng”.
TS Đặng Kim Sơn

Để có thể phản biện tốt hơn nữa nhằm nâng tầm tiếng nói, lợi ích nông dân theo ông Tăng Minh Lộc:

“Báo chí phải bám sát mục tiêu, nội dung của các chương trình trong tam nông, hay trong nông thôn mới. Để hiểu và làm phản biện tốt, nhà báo cần hiểu rõ và bám sát các mục tiêu, nội dung, phương pháp, nguyên tắc của các chính sách đã và đang soạn thảo hay đã và đang áp dụng trong cuộc sống. Đồng thời nhà báo phải bám sát sự vận động của cuộc sống, bắt nhịp được từng sự thay đổi của cuộc sống, có như thế nhà báo mới nhận thực rõ được chính sách đúng sai chỗ nào, đã sát thực tế chưa, có như thế thì mới phản biện chính sách được”.


Nhà báo Quang Duẩn - Phó Trưởng văn phòng đại diện Bắc miền Trung Báo Thanh Niên: Cần sự nghiêm túc

img 

Tôi khâm phục cách tìm kiếm, phát hiện đề tài, tiếp cận đề tài của các đồng nghiệp cũng như tính phản biện sâu sắc của Báo NTNN đối với hiện thực cuộc sống ở làng quê, với những chủ trương, chính sách trong lĩnh vực “Tam nông”.

Các loạt bài ấn tượng như “Một hạt thóc, 40 khoản đóng góp”, “20 năm khoán 10: Khi ruộng đồng thức dậy”... là kết quả từ cách làm nghiêm túc, từ sự tâm huyết đối với lĩnh vực “tam nông” của phóng viên Báo NTNN.

Những tác phẩm chất lượng đó đã giúp người quản lý, hoạch định chính sách có góc nhìn đa chiều, có cách tiếp cận hợp lý hơn trong việc đưa ra những quyết sách quan trọng đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Nhà báo Lê Bình - Đài Tiếng nói VN:Kim chỉ nam của người nông dân
img 

NTNN là một tờ báo có rất nhiều tác phẩm bám sát thực tiễn sinh động của nông thôn Việt Nam. Với trách nhiệm to lớn là tiếng nói của một lực lượng nông dân đông đảo, Báo NTNN đã luôn đảm bảo cập nhật và phản ánh những tâm tư, nguyện vọng cũng như những mong muốn, kỳ vọng của nông dân đối với các cơ quan quản lý về các chính sách, chế độ liên quan trực tiếp đến họ.

Tôi mong tờ báo sẽ là kim chỉ nam cho người nông dân trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hy vọng thời gian tới các đồng nghiệp của tôi sẽ tiếp tục cho ra lò nhiều loạt bài phản biện sắc bén về lĩnh vực nông nghiệp nông thôn nông dân.
Thắng Đình (ghi)

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem