Phối hợp giám sát vật tư nông nghiệp: Coi trọng kênh giám sát của nông dân

Phương Đông Thứ hai, ngày 06/04/2015 07:56 AM (GMT+7)
Việc lập các đoàn liên ngành trung ương về kiểm tra giám sát vật tư nông nghiệp tại địa phương là cần thiết, nhưng phải coi trọng vai trò giám sát của người dân, để không xảy ra tình trạng đoàn vừa giám sát xong không phát hiện gì sai sót, nhưng ngay sau đó người dân lại phát hiện phân bón giả.
Bình luận 0

Ngày 3.4, tại Hà Nội, ông Nguyễn Thiện Nhân - Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN) đã có buổi làm việc với Ban chỉ đạo Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp. Tham dự buổi làm việc có Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường và đại diện lãnh đạo 4 cơ quan tham gia chương trình phối hợp (Ủy ban Trung ương MTTQ VN, T.Ư Hội NDVN, Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương). Mục đích của buổi làm việc là thảo luận, bàn giải pháp thúc đẩy tiến độ thực hiện chương trình phối hợp.

img
Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường phát biểu ý kiến tại buổi làm việc. Ảnh: Phương Đông
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Chương trình phối hợp giám sát việc thực hiện pháp luật về quản lý, sản xuất, kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp được 4 cơ quan nói trên ký kết ngày 17.7.2014 nhằm thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị ngày 12.12.2013 về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ VN và các đoàn thể chính trị-xã hội.

 

35 tỉnh, thành phố đã ký kết phối hợp

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều - Trưởng Ban chỉ đạo chương trình phối hợp cho biết, hiện có 35 tỉnh, thành phố đã ký chương trình phối hợp, 28 tỉnh, thành phố còn lại đang trong quá trình chuẩn bị và dự kiến ký kết vào quý II/2015. Một số ít địa phương đã xây dựng được kế hoạch và được phân bổ ngân sách để triển khai thực hiện. Hội ND tỉnh Lâm Đồng, Phú Thọ đã tổ chức đoàn giám sát phân bón tại một số huyện, cơ sở có sự tham gia của các cơ quan, tổ chức liên quan.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Lều Vũ Điều, trong quá trình triển khai chương trình này đã gặp không ít vướng mắc, khó khăn. Nhận thức về giám sát theo quy chế của lãnh đạo các cơ quan trong hệ thống chính trị, nhất là giữa MTTQ và các đoàn thể chính trị ở địa phương còn chưa thống nhất. Các địa phương đã ký chương trình phối hợp lại chưa thống nhất được cách thức triển khai. Phó Chủ tịch Lều Vũ Điều cho rằng, đến nay, trong việc triển khai thực hiện giám sát dựa trên quy chế của Đảng, chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể về cơ chế, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân trong thực hiện giám sát và các điều kiện đảm bảo cho MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội để tổ chức thực hiện có hiệu quả việc giám sát xã hội. Tại nhiều địa phương, tổ chức Hội ND, MTTQ không “bảo vệ” được kinh phí, do chưa có thông tư hướng dẫn nên việc phối hợp và triển khai thực hiện các hoạt động giám sát còn rất hạn chế.

Coi trọng giám sát của người dân

Trong quá trình triển khai chương trình phối hợp giám sát vật tư nông nghiệp, nhận thức của một số cán bộ, địa phương nặng về hướng thành lập đoàn giám sát. Một số tỉnh tổ chức đoàn giám sát liên ngành đến UBND huyện, xã nghe báo cáo, nắm tình hình và đi khảo sát một số hộ kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp rồi đánh giá là hoàn thành việc giám sát. “Đây chỉ là một hình thức, hoặc một khâu trong thực hiện quy trình giám sát theo quy chế của Đảng và Chương trình phối hợp 4 cơ quan đã ký…” - ông Lều Vũ Điều nêu ý kiến.

Theo ông Nguyễn Văn Hải -Phó ban Kiểm tra (T.Ư Hội NDVN), phương pháp thực hiện giám sát xã hội nói chung và giám sát về vật tư nông nghiệp nói riêng có hiệu quả thì cần phải tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn để nâng cao nhận thức, năng lực cho cán bộ cơ sở và hội viên nông dân để họ giám sát thường xuyên địa bàn, phát hiện các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu, hành vi vi phạm. Hội ND, MTTQ đại diện cho hội viên, người dân trong việc tiếp thu ý kiến phản ánh, khảo sát thực tế để có cơ sở kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức thanh- kiểm tra, ngăn chặn, xử lý theo pháp luật.

Nhấn mạnh tầm quan trọng vai trò giám sát của người dân, ông Nguyễn Văn Hải đã nêu ví dụ ở Lâm Đồng. Tại tỉnh này, đoàn liên ngành trong đó có đại diện Hội ND, MTTQ, Sở NNPTNT, Sở Công Thương hoàn thành xong việc giám sát vật tư nông nghiệp trên địa bàn huyện Di Linh với đánh giá tốt. Nhưng đoàn giám sát xong thì ngày 25.3.2015, qua tin báo của quần chúng nhân dân, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng và huyện Bảo Lâm bắt quả tang việc sản xuất phân bón giả tại Công ty TNHH Phúc Lộc. Điểm đáng chú ý là, số phân bón giả được doanh nghiệp này mua lại từ 1 đại lý cấp 1 ở huyện Di Linh-nơi đoàn vừa giám sát xong.

Tránh “đầu voi đuôi chuột”

Quan điểm

Ông Nguyễn Quốc Cường (Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN)
 Ban chỉ đạo Trung ương, các đoàn giám sát trung ương không thể làm thay cho cơ sở… Phải làm chặt chẽ, bài bản và có nghiệp vụ, chứ không họ nghe ngóng, đoàn giám sát xuống đến nơi làm việc không phát hiện gì cả và sau đó thì dân vẫn kêu; tránh tình trạng hoạt động giám sát trống dong cờ mở, đầu voi, đuôi chuột…. 
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Ban chấp hành T.Ư Hội NDVN Nguyễn Quốc Cường cho rằng, việc tổ chức thực hiện chương trình phối hợp về giám sát vật tư nông nghiệp cần được đẩy nhanh tiến độ nhưng đồng thời cũng phải cẩn trọng, triển khai có bài bản, đúng các quy định của pháp luật, coi trọng và bồi dưỡng nâng cao vai trò giám sát của người dân. Theo Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường, giám sát vật tư nông nghiệp khó khăn hơn rất nhiều so với giám sát ở các lĩnh vực khác trong hiện trạng phức tạp và diễn biến đối phó của các đối tượng sai phạm. Đối tượng sai phạm tinh vi trong hành động, không loại trừ có sự bao che, tiếp tay của công chức nhà nước. Việc phối hợp phải rõ ràng, nhịp nhàng, đều tay, không thì cách thức thực hiện sẽ vênh như thực tế đã diễn ra ở một số địa phương.

 

Nhất trí với việc thành lập các đoàn giám sát T.Ư đi xuống các địa phương, tuy nhiên, Chủ tịch Nguyễn Quốc Cường lưu ý, các đoàn giám sát T.Ư đi là để phục vụ cho hoạt động chỉ đạo của Ban chỉ đạo T.Ư: “Ban chỉ đạo T.Ư, các đoàn giám sát T.Ư không thể làm thay cho cơ sở… Phải làm chặt chẽ, bài bản và có nghiệp vụ, chứ không họ nghe ngóng, đoàn giám sát xuống đến nơi làm việc không phát hiện gì cả và sau đó thì dân vẫn kêu. Tránh tình trạng hoạt động giám sát trống dong cờ mở, đầu voi, đuôi chuột…”.

Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận các ý kiến đóng góp, nhất trí với kế hoạch tổ chức các đoàn giám sát T.Ư về các địa phương, đồng thời khẳng định, đến thời điểm hiện nay đã tương đối đủ cơ sở để MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát vật tư nông nghiệp. Nơi nào cấp ủy còn chưa “thông” về hoạt động giám sát vật tư nông nghiệp là thực hiện chưa đúng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem