Học sinh lớp 7 không viết nổi tên mình: "Không thể hiểu nổi!"

Tùng Anh (thực hiện) Thứ sáu, ngày 03/04/2015 07:26 AM (GMT+7)
Đó là quan điểm của TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội xung quanh vụ việc nhiều học sinh THCS tại Hướng Hóa (Quảng Trị) phát hiện không biết đọc, biết viết.
Bình luận 0

Bệnh thành tích ăn sâu

img
TS Nguyễn Tùng Lâm.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết: Tôi thực sự không hiểu nổi tại sao các em học sinh này có thể vượt qua 7 năm học trong tình trạng không thể đọc, viết và cộng trừ cơ bản dưới sự giám sát của cả một hệ thống giáo dục từ giáo viên, hiệu trưởng, phòng giáo dục…

Để một học sinh biết đọc, biết viết chỉ cần 1 năm, thậm chí vài tháng như các khóa “bình dân học vụ, xóa mù chữ” trước đây. Còn kiểm tra việc học sinh có biết đọc, biết viết không quá dễ, tại sao lại không thể phát hiện ra?

Điều đó chỉ có thể khẳng định rằng, bệnh thành tích giáo dục vẫn còn đang ăn sâu vào một bộ phận không nhỏ những người làm giáo dục. Nhà trường thì vì danh hiệu, vì chỉ tiêu phổ cập; giáo viên thì vì thành tích, vì lương cứ “tặc lưỡi” cho qua…

Lãnh đạo các trường sau khi phát hiện học sinh “ngồi nhầm lớp” đã biện minh rằng “đó là một số em bị khuyết tật, chậm phát triển…”. Theo ông đây có phải là giải pháp cho những học sinh đặc biệt?

- Phải phân biệt rõ ràng đây có phải là những học sinh có vấn đề về nhận thức, học sinh chậm phát triển hay không? Nếu là đối tượng này thì chúng ta phải đưa ra những phương pháp giáo dục rất tỉ mỉ và khoa học, trước hết là điều trị tâm lý, sau đó mới đến giáo dục nhận thức, học chữ, học tính…

Phải có sự can thiệp của những giáo viên đặc biệt, phối hợp với gia đình chứ thầy cô bình thường không thể làm được. Vì vậy, cho lên lớp đều đều không phải là giải pháp.

img
Trường Tiểu học A Túc là nơi có nhiều học sinh không biết chữ vẫn lên lớp. Ảnh: N.Vũ

Nhưng tôi sợ rằng, đó chỉ là biện minh, còn thực sự vẫn là do chạy theo thành tích, quan liêu… Hiện nay ở nhiều thành phố lớn đã có những lớp hòa nhập dành cho trẻ chậm phát triển. Tuy nhiên, ở vùng nông thôn, miền núi hiện không có điều kiện như vậy. Ngành giáo dục cần nghĩ đến giải pháp bổ sung lực lượng giáo viên tâm lý cho các trường học vùng khó.

Nhà trường không thể “khoán trắng” cho giáo viên

Vậy theo ông để học sinh học 7 năm không biết biết đọc, biết viết, trách nhiệm thuộc về ai và nên có hướng giải quyết thế nào để chấm dứt tình trạng này?

- Lỗi trước tiên là của giáo viên. Lỗi tiếp là của nhà trường, phòng, sở giáo dục địa phương thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra để xảy ra tình trạng trên mà không hề biết gì. Theo tôi, giáo viên phải phát hiện, có trách nhiệm giáo dục, đưa học sinh tiến bộ.

Trong trường hợp học sinh không thể học được cần báo cáo lên nhà trường, đưa ra những kiến nghị về giải pháp, ví dụ như lập tổ nhóm, phân công các giáo viên chuyên trách khác cùng hỗ trợ về tâm lý, kỷ luật, rèn luyện, phối hợp với gia đình… giúp học sinh tiến bộ. Chứ không phải nhà trường cứ “khoán trắng” cho giáo viên dạy học, chấm điểm, vào sổ sách và cứ thế cho lên lớp…

Ngoài ra, gia đình, các bậc cha mẹ cũng có trách nhiệm trong việc này, nếu phát hiện con học mãi không biết đọc, biết viết cần lên tiếng sớm với nhà trường, phối hợp cùng thầy cô trong việc giáo dục con.

Xin cảm ơn Tiến sĩ.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, để xảy ra việc đi học 7 năm không viết nổi tên mình, lỗi trước tiên là của giáo viên. Giáo viên là người trực tiếp giảng dạy, biết học sinh có vấn đề nhưng không báo cáo, không có biện pháp can thiệp. Lỗi tiếp là của nhà trường, phòng, sở giáo dục địa phương thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra để xảy ra tình trạng trên mà không hề biết gì.  
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem