Học sử trên biển đường: Thông tin... "tiết kiệm"

Thứ hai, ngày 06/02/2012 18:25 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Những ngày đầu xuân Nhâm Thìn, người tham gia giao thông trên các tuyến phố lớn thuộc quận Hoàn Kiếm thích thú khi thấy một số biển đường, phố có chú thích vắn tiểu sử, công trạng của danh nhân được đặt làm tên đường.
Bình luận 0

Chị Bùi Thanh Hằng (nhân viên Ngân hàng Techcombank trên đường Trần Hưng Đạo) cho biết: “Sau khi khám phá ra biển mới, chị đã dẫn ngay đứa con 10 tuổi của mình đi dạo một vòng quanh Bờ Hồ để con “chiêm ngưỡng”. Theo chị, biển có chú thích ngắn gọn, thường đặt ngay ngã tư dừng đèn đỏ nên rất nhiều người để ý. Người đi bộ cũng nán lại đọc rồi mới đi tiếp.

img
Những biển đường nhiều thông tin tạo diện mạo mới cho phố phường Hà Nội.

Học sinh những trường học xung quanh hồ Gươm tỏ ra hứng thú. Em Phương Uyên – học sinh lớp 11 Trường THPT Việt Đức chia sẻ: “Em đã được học qua về hai Bà Trưng, về Bà Triệu trong sách lịch sử, nhưng theo thời gian, kiến thức phai nhạt dần. Nay, qua đường đọc lại, em có cơ hội củng cố kiến thức mình đã học”.

Theo PGS - TSKH Nguyễn Hải Kế - Chủ nhiệm khoa Lịch sử (ĐH KHXHNV, ĐHQG Hà Nội), đây là một cách tuyên truyền lịch sử mới. Tuy nhiên, vì biển đường phải cô đọng, nên thông tin “khuyến mãi” đi kèm cũng ngắn gọn quá. Nhiều chuyên gia khác thì cho rằng chữ trên biển còn nhỏ, nội dung chưa thật sự đầy đủ, hình thức lại thiếu hấp dẫn với giới trẻ.

Việc thông tin “tiết kiệm” khiến nhiều học sinh hiểu lầm rằng Trần Hưng Đạo là danh nhân họ Trần, đệm Hưng, tên Đạo. Ngoài tiểu sử tóm tắt và công trạng danh nhân, biển đường cũng cần có những câu nói bất hủ của danh nhân lịch sử được nhắc đi nhắc lại trong môn sử của học sinh.

Ví dụ Quang Trung có câu “...nước Nam ta có chủ”, Lý Thường Kiệt bất hủ với bài thơ thần “Nam quốc sơn hà”… Bên cạnh đó, danh nhân văn hóa, khoa học cũng cần được giải thích về cuộc đời, sự nghiệp, thành tựu.

Giáo sư sử học Lê Văn Lan đề xuất, để thông tin về danh nhân được trọn vẹn thì nên tách riêng biển tên đường và biển giới thiệu, có thể đặt hai biển trên cùng một cột. Như thế, người đi đường dễ nhìn tên đường hơn. Thông tin về chiến công, về tiểu sử cũng được hoàn chỉnh hơn để không chỉ giới trẻ mà mọi tầng lớp thủ đô cùng “tỏ tường” về lịch sử nước nhà.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem