Hội nông dân tiếp thêm nguồn lực cho người nuôi ong

Thứ ba, ngày 08/05/2012 08:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ chỗ làm ăn riêng lẻ, các hộ nuôi ong lớn trên địa bàn thị xã Cao Bằng đã tập hợp nhau lại dưới hình thức câu lạc bộ nông dân.
Bình luận 0

Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) với lãi suất vay ưu đãi là động lực để các thành viên trong câu lạc bộ (CLB) quyết tâm xây dựng thương hiệu mật ong Cao Bằng.

Quỹ HTND T.Ư Hội NDVN và Hội ND tỉnh Cao Bằng vừa giải ngân 450 triệu đồng cho các thành viên CLB nuôi ong vay thông qua dự án nhân nuôi đàn ong mật.

img
Bà Nguyễn Thị Má- Trưởng ban Điều hành Quỹ HTND T.Ư thăm mô hình nuôi ong của hộ ông Bế Xuân Mai.

Liên kết nuôi ong

Ông Bế Xuân Mai (tổ 2, phường Đề Thám) - một trong những người đầu tiên ở thị xã Cao Bằng nuôi ong, lý giải: “Với kinh nghiệm và điều kiện miền núi, tôi thấy tuy cho sản lượng mật thấp hơn, nhưng ong nội khoẻ, dai sức nên bay xa hơn, địa bàn kiếm phấn hoa mở rộng hơn ong Ý”.

Hiện nay, ông Mai đang có 60 thùng ong. Niên vụ 2011, ông thu hơn 700 chai mật ong. “Cũng như nhiều nông sản khác, giá mật ong có lúc cao lúc thấp, nhưng tôi vẫn giữ nghề. Xét cho cùng, nuôi ong là một trong những mô hình phù hợp nhất đối với ND miền núi. Con ong chỉ phải nuôi mấy tháng mùa đông, còn vào vụ hoa nó tự đi kiếm ăn. Miền núi từ mùa xuân trở đi, nguồn phấn hoa rất dồi dào, trong đó có hoa rừng. Có con ong, nguồn phấn hoa rừng biến thành mật ngọt, cải thiện sinh kế cho đồng bào miền núi...”.

Theo anh Hoàng Văn Nguyện - Phó Chủ nhiệm CLB ND nuôi ong mật, ban đầu các thành viên chủ yếu đến từ phường Đề Thám. Về sau, CLB mở rộng, kết nạp thêm các hộ nuôi ong ở các xã, phường khác trên địa bàn thị xã Cao Bằng.

“Hơn 15 năm từ khi thành lập, anh em trong CLB sinh hoạt thành nền nếp. Mọi khó khăn, thiếu thốn về kiến thức, vốn, giống, các thành viên trong CLB chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau để duy trì và phát triển nghề” - anh Nguyện thổ lộ.

Vốn đến đúng lúc

Với các thành viên CLB ND nuôi ong ở thị xã Cao Bằng, năm 2011 là năm khó khăn. Do tiêu thụ chậm, lượng mật ong làm ra còn tồn sang năm 2012 khá nhiều khiến một số hộ thiếu vốn đầu tư cho niên vụ mới. Khó khăn này đã được giải toả khi nguồn vốn Quỹ HTND đến với các hộ thành viên trong CLB.

Anh Phương Quốc Khánh (tổ 1 phường Sông Hiến) chia sẻ: “Sau nhiều năm nuôi, các thùng gỗ làm tổ cho ong đã hoai mục đi nhiều. Đóng 1 thùng gỗ mới hoàn chỉnh bây giờ giá không dưới 400.000 đồng. Hộ nào muốn nhân, cấy thêm đàn thì vốn đầu tư còn lớn hơn. Cũng may dịp này, chúng tôi tiếp cận được nguồn vốn Quỹ HTND với lãi suất ưu đãi. Mức vay 30 triệu đồng/hộ đủ để các hộ đầu tư đóng mới thùng và nhân cấy đàn ong...”.

Không chỉ được tiếp thêm vốn để duy trì, phát triển nghề nuôi ong mật, các hộ thành viên trong CLB còn có thêm nguồn lực để chuyển đổi mô hình hợp tác.

Nguồn vốn 450 triệu đồng cho 15 hộ thành viên CLB ND nuôi ong vay nằm trong nguồn 300 tỷ đồng Chính phủ cấp bổ sung Quỹ HTND năm 2011 theo Quyết định 673.

Ông Đoàn Ngọc Lâm-Chủ tịch Hội ND phường Đề Thám cho biết, khi đủ điều kiện về số lượng thành viên, quy mô đàn, sản lượng mật cung cấp ra thị trường thì CLB sẽ chuyển lên thành hợp tác xã hoạt động theo quy chế, theo luật...

Với những người có thâm niên trong nghề và có tâm huyết với nuôi ong mật như ông Mai thì CLB còn hướng tới việc xây dựng thương hiệu mật ong Cao Bằng.

“Những tháng đầu năm, đàn ong lấy phấn hoa nhãn, hoa vải. Có khi tôi phải đưa ong đi ăn phấn hoa cách xa nhà cả trăm cây số. Từ rằm tháng 7 trở đi, tôi đưa đàn ong lên các huyện miền Đông như Quảng Uyên, Phục Hoà, Trùng Khánh đi ăn phấn hoa dâu díu. Loài hoa này có rất nhiều điểm ưu việt như mật rất nhiều, mật không bao giờ đông. Đây là một trong những điểm khác biệt để chúng tôi xây dựng thương hiệu mật ong Cao Bằng...” - ông Mai cho hay.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem