Khám phá tục tiễn nghinh "Vua bếp chầu Trời" của người Việt

Thứ tư, ngày 22/01/2014 15:04 PM (GMT+7)
Theo phong tục Việt, "ông Táo - Thần bếp" quản nhà sẽ cưỡi cá chép chầu Trời vào đúng 23 tháng Chạp để bẩm báo Ngọc Hoàng về mọi việc ác, thiện mà gia chủ đã làm trong một năm.
Bình luận 0
Theo tục lệ cổ, người Việt tin rằng "Táo Quân" vừa là người cai quản bếp trong ngôi nhà, vừa là người thay Trời ghi chép mọi việc mà gia chủ đã làm trong suốt một năm.

Vì thế hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, mọi gia đình người Việt đều làm Lễ tiễn ông Táo. Táo Quân sẽ cưỡi cá chép bay về trời để trình báo với Ngọc Hoàng mọi việc xảy ra dưới hạ giới trong một năm vừa qua.
Táo Quân
Táo Quân "cưỡi" cá chép về chầu Trời (Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet)

Táo Quân cưỡi cá chép về chầu trời bắt đầu từ 12 giờ, ngày 23 tháng Chạp, đến trước Giao thừa mới trở lại trần gian để tiếp tục công việc cho năm mới. Theo quan niệm xưa, người Việt cho rằng trong những ngày này, “vua bếp” lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm cũ.

Ngày nay, cũng có nhiều gia đình chuẩn bị và làm Lễ tiễn đưa Ông Táo chầu Trời từ tối ngày 22 tháng Chạp, vì cho rằng đầu ngày 23 tháng Chạp Ông Táo đã chầu Trời. Nếu để sang ngày 23 tháng Chạp mới cáo lễ tiễn đưa Ông Táo về Trời, e rằng Ông Táo sẽ không nhận được lễ vật tâm thành của gia chủ. Trước đó, gia chủ phải thắp hương xin phép tỉa bớt chân nhang, bao sái (lau dọn), bài trí ban thờ.
Và báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu, những việc mà Ông Táo “tai nghe mắt thấy”.
Táo Quân báo cáo với Ngọc Hoàng những vấn đề tốt xấu, những việc mà Ông Táo “tai nghe mắt thấy”. (Tranh minh hoạ - Nguồn: Phong tục Việt)

Theo tập tục này, mọi gia đình người Việt Nam đều làm mâm cơm, lễ vật mã... tiễn đưa “Ông Táo". Lễ cúng tiễn Táo Quân về trời gồm 2 mũ Táo ông (có cánh chuồn), 1 mũ Táo bà (không có cánh chuồn), tiền vàng, hia... (làm bằng đồ giấy mã) và 3 con cá chép cùng đặt trên mâm Lễ (để làm phương tiện di chuyển) dâng lên Táo quân.

Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông công (có hai cánh chuồn) cùng một đôi hia, kèm theo một bộ quần áo, ba con cá chép... đều bằng giấy.

Tùy theo từng gia cảnh, ngoài các lễ vật chính kể trên, người ta hoặc làm lễ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, xôi, chè, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân.

Sau Lễ cúng, gia chủ làm thủ tục hoá mã và cá chép được thả nơi ao, hồ, sông… Tất cả đều phải xong trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp.

Trong thực tế của đời sống xã hội hiện nay, ngày ông Táo về chầu trời cũng được xem như ngày bắt đầu đón Tết Nguyên đán. Sau khi tiễn đưa ông Táo chầu Trời, các gia đình bắt đầu dọn dẹp, trang trí nhà cửa, cắm hoa ở những nơi trang trọng để chuẩn bị đón tết.
Huyền Phương (Huyền Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem