Khám phá “vũ khí kinh khủng” của những kiều nữ banh nỉ

Chủ nhật, ngày 02/06/2013 13:49 PM (GMT+7)
Dân Việt – Với nhiều tay vợt nữ, tiếng thét khi thi đấu chính là một vũ khí rất hiệu quả. Nó giúp họ tự tin, khiến đối thủ phân tâm và từ đó đi đến chiến thắng.
Bình luận 0

Trước khi Pháp Mở rộng 2013 khởi tranh, tay vợt nữ người Đan Mạch Caroline Wozniacki gợi lại một vấn đề cũ: Tiếng la hét của các đồng nghiệp khi đánh bóng trên sân. “Tôi nghĩ một số tay vợt la hét có mục đích. Họ không la hét khi tập luyện nhưng lại la hét khi vào trận. Tôi nghĩ các quan chức cần ngăn chặn điều này”.

img
Maria Sharapova là tay vợt hét to nhất làng banh nỉ nữ hiện nay

Wozniacki không dùng tự “gian lận” để nói về chuyện các đồng nghiệp nữ dùng "sư tử hống" trên sân nhưng rõ ràng cô cho rằng tiếng la hét của một số tay vợt ảnh hưởng đến lối chơi của người khác: “Nếu họ hét quá to thì đối thủ không thể nghe thấy tiếng bóng. Nhiều lúc, bạn cứ tưởng bóng đi thật nhanh, nhưng thực tế đi chậm. Như vậy bạn bị đánh lừa”.

Những tay vợt hét to nhất làng quần vợt hiện nay có chị em nhà Williams, Franchesca Schiavone, Maria Sharapova, Victoria Azarenka, De Brito... Tất nhiên, các Ban tổ chức chẳng thể quy kết họ la hét có chủ đích và cấm họ làm điều đó. Nhưng những đồng nghiệp “yên tĩnh” như Li Na, Stosur ắt hẳn không vui mỗi khi chạm chán những Serena Williams, Sharapova hay Azarenka. Họ không nói ra, vì các tay vợt hàng đầu thường không buông lời chỉ trích lẫn nhau. Việc Wozniacki kêu than những tiếng thét chứng tỏ cô bức xúc lắm rồi.

Vụ việc la hét gây chú ý nhất trong làng quần vợt từ trước tới nay xảy ra tại Pháp Mở rộng 2009, khi tay vợt người Pháp Aravane Rezai phàn nàn với trọng tài về việc đối thủ trẻ người Bồ Đào Nha Michelle Larcher De Brito hét quá lớn khi đánh bóng. Nhưng De Brito không nhận bất kỳ hình thức trừng phạt nào. “Nếu họ không thích tiếng thét của tôi. Họ có thể rời sân”, De Brito thách thức”.

Trong một cuộc phỏng vấn khác, De Brito nói: “Không ai có thể bảo tôi ngừng hét được. Quần vợt là môn thể thao cá nhân và tôi là một VĐV cá nhân. Nếu họ phạt thì cứ việc. Tôi thà bị phạt còn hơn phải ngừng hét và thua trận”.

Sharapova, chủ nhân của tiếng hét hơn 100 decibel, phụ họa: “Tôi đã hét từ khi tập chơi quần vợt và sẽ không thay đổi”. Serena thì nói tiếng thét của đối thủ không ảnh hưởng tới cô, cũng phải thôi, vì tay vợt số 1 thế giới người Mỹ cũng là người hét rất to. “Đôi khi tôi la hét, đôi khi không. Tôi không nhận thức được khi tôi làm điều đó”.

Người mở màn cho việc sử dụng "sư tử hống" là Monica Seles. Ngoài những cú bạt bóng rất mạnh bằng cả hai tay, tiếng hét cũng là một vũ khí quan trọng giúp cô tước quyền thống trị của Steffi Graf trong những năm đầu thập niên 1990. Trước giải Wimbledon 1992, cô bị báo chí Anh chỉ trích vì tiếng la hét quá to nên khi bước vào trận chung kết gặp Graf, cô chủ động “ngậm chặt miệng”.

img
Caroline Wozniacki bức xúc vì nhiều tay vợt hét quá to

Vì “ngậm chặt miệng” mà trận đó Seles chơi như người mất hồn, thua đối thủ 2-6, 1-6. Đến giải Mỹ Mở rộng cùng năm, Seles không gò miệng mình lại nữa và cô giành chức vô địch giải này một cách thuyết phục. Năm 1992, Seles còn lên ngôi ở Úc Mở rộng và Pháp Mở rộng. Nếu để mồm miệng thoải mái, rất có thể Seles đã lập kỳ tích giành cả 4 giải Grand Slam trong cùng 1 năm...

Từ những dẫn chứng trên để thấy, tiếng thét luôn là một phần quan trọng với những tay vợt, đặc biệt là những “kiều nữ”. Với nó, họ sẽ tự tin hơn, khiến đối thủ phân tâm và từ đó đi đến chiến thắng.

Có lẽ Wozniacki nên học cách la hét để tránh thất thế mỗi khi phải đối đầu với những kẻ “ồn ào”, chứ không nên chỉ biết bóng gió chỉ trích. Chẳng giải quyết vấn đề gì cả. Vì tiếng hét mang tính chủ quan cá nhân và WTA hay ATP đều ủng hộ điều đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem