Khi tìm được tiếng nói chung, ngân hàng sẽ chữa được bệnh thừa tiền, doanh nghiệp không còn "đói vốn"

Minh Huệ - Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 16/09/2023 07:45 AM (GMT+7)
Doanh nghiệp thu mua nông sản thì có thời vụ, còn ngân hàng thì lại thiếu sự linh hoạt trong chính sách tín dụng. Khi cả hai bên tìm thấy tiếng nói chung thì bệnh "thừa tiền" của ngân hàng, "đói vốn" của doanh nghiệp thu mua nông sản sẽ sớm được giải quyết.
Bình luận 0

Doanh nghiệp "tố" ngân hàng thiếu linh hoạt trong cho vay

Tại Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại TP. Cần Thơ chiều qua (15/9), nhiều doanh nghiệp cho rằng đang "khát" vốn, và "tố" do ngân hàng thiếu linh hoạt trong cho vay.

Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau) cho biết, việc triển khai gói tín dụng 15.000 tỷ đồng với lĩnh vực lâm, thủy sản chậm, bởi mới chỉ có 5.000 tỷ được cho vay, tức là mức hỗ trợ mới đạt 30%.

Doanh nghiệp ở ĐBSCL "khát" vốn, cho rằng ngân hàng thiếu linh hoạt trong cho vay - Ảnh 1.

Ông Ngô Minh Hiển, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau) phát biểu tại đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản vùng ĐBSCL do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại TP. Cần Thơ. Ảnh: Huỳnh Xây

Ngoài ra, các ngân hàng thiếu linh hoạt trong việc cấp hạn mức. Theo ông Hiển, tôm tự nhiên ở tỉnh Cà Mau khai thác từ tháng 3 tới tháng 6 hàng năm, doanh nghiệp rất cần vốn để thu mua tôm của dân nhưng không được cấp hạn mức tín dụng kịp thời khiến dân bị thương lái ép giá, đến khi doanh nghiệp vay được vốn thì phải quay lại mua tôm với giá cao bởi trái vụ.

Do đó, ông Hiển mong muốn ngân hàng cần linh hoạt cấp hạn mức tùy theo thời điểm, tránh khi doanh nghiệp cần thì không vay được, khi muốn cho vay thì doanh nghiệp lại không cần nữa.

Ông Lê Thanh Hạo Nhiên, Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) cho hay, do doanh nghiệp tham gia sản xuất từ khâu giống đến khâu tiêu thụ ra nước ngoài, tổng cộng thời gian quay vòng vốn là 18 tháng. Mặc dù vậy, ngân hàng chỉ cho vay chủ yếu ngắn hạn 6 tháng, không đủ để doanh nghiệp quay vòng vốn.

"Chúng tôi đang có đơn hàng xuất khẩu gạo lớn bằng doanh số cả năm 2022. Tuy nhiên, điều cần nhất là vốn với số tiền lên tới 15 - 16 ngàn tỷ, mong được có cơ chế hỗ trợ", đại diện Tập đoàn Lộc Trời bày tỏ.

Doanh nghiệp ở ĐBSCL "khát" vốn, cho rằng ngân hàng thiếu linh hoạt trong cho vay - Ảnh 2.

Ông Lê Thanh Hạo Nhiên - Giám đốc Tài chính của Tập đoàn Lộc Trời. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo đại diện Công ty TNHH Lộc Vân (Đồng Tháp), hiện đang vay vốn từ ngân hàng với lãi suất dao động từ 7,3%-9%/năm với kỳ hạn 6 tháng, mặc dù lãi suất đã giảm so với đầu năm 2023 nhưng vẫn cao so với năm 2021.

Do đó, công ty đề nghị NHNN cần có giải pháp chỉ đạo các ngân hàng thương mại hạ thêm lãi suất cho vay để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, cần linh hoạt cơ chế cho vay theo thời vụ phù hợp.

Ông Nguyễn Tấn Viễn, Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Long và cũng đại diện cho Công ty TNHH Putin ở tỉnh Vĩnh Long đề nghị NHNN triển khai các chính sách tín dụng cho doanh nghiệp. Đặc biệt là cho vay cần nhanh trong việc thẩm định, xét duyệt, giải ngân vốn, nhất là vốn lưu động cho các doanh nghiệp.

Cũng như các doanh nghiệp khác, ông Viễn mong muốn NHNN tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay trong thời gian tới.

Nghiêm cấm tình trạng giải ngân tín dụng kèm bán bảo hiểm

Trước phản ánh của doanh nghiệp, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, mới đây, NHNN đã có văn bản gửi lãnh đạo các địa phương chỉ đạo các Hiệp hội cùng ngân hàng nhà nước chi nhánh, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm tháo gỡ, đẩy mạnh tín dụng.

Doanh nghiệp ở ĐBSCL "khát" vốn, cho rằng ngân hàng thiếu linh hoạt trong cho vay - Ảnh 3.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú yêu cầu các ngân hàng phải tháo gỡ, linh hoạt hơn trong cấp hạn mức tín dụng. Ảnh: Huỳnh Xây

"Thời gian qua, tín dụng tăng chậm cũng có lý do doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm chậm, thị trường giảm, đơn hàng thiếu vắng. Do đó, các địa phương cũng như các ngành chức năng có liên quan cần tìm giải pháp tháo gỡ cho doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ được hàng hóa, nếu không tiêu thụ được thì có lộ trình tạm trữ", Phó Thống đốc Đào Minh Tú yêu cầu.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú cũng yêu cầu các địa phương phải kiểm tra ngay tiến độ triển khai gói tín dụng hỗ trợ lâm, thủy sản 15.000 tỷ đồng. Đồng thời, yêu cầu các ngân hàng thương mại phải linh hoạt hơn trong cấp hạn mức tín dụng từng thời điểm, gắn với mùa vụ cho người dân, doanh nghiệp nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn. Trong trường hợp, hạn mức vượt quá quy định phải trình lên cấp trên với cơ chế nhanh để xử lý.

Thêm vào đó, Phó Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại cần giảm thêm lãi vay và đơn giản hóa thủ tục để hỗ trợ khách hàng, nghiêm cấm tình trạng giải ngân tín dụng kèm bán bảo hiểm. "Dứt khoát không có chuyện kèm bảo hiểm mới giải ngân vốn. Việc mua hay không là quyền của người dân, doanh nghiệp", ông Tú nói.

"Ngân hàng hiện nay đang dư thừa, nói cách khác ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền. Chữa bệnh thiếu tiền đã khó nhưng chữa bệnh thừa tiền còn khó hơn. Nếu thiếu tiền, NHNN có thể cho vay tái cấp vốn, nhưng thừa tiền thì NHNN cũng không cứu được", ông Tú thông tin.

Trong khi ngân hàng thừa tiền thì doanh nghiệp cần vay nhưng không cho vay được. Điều này làm ảnh hưởng vấn đề sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đến nguồn lực cho đầu tư phát triển và mục tiêu tăng trưởng của năm nay.

"Vấn đề này Chính phủ rất quan tâm, quyết liệt làm sao đẩy mạnh tín dụng, tăng cường tín dụng hơn nữa. Chủ trương của chúng tôi vẫn tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, mong muốn có sự phối hợp", ông Tú nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem