Nghỉ làm vì dịch Covid 19, tính tiền lương thế nào?

Yến Linh Thứ sáu, ngày 20/03/2020 10:20 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm hoặc cho lao động tạm nghỉ việc. Tiền lương của lao động tạm nghỉ việc hoặc làm việc bán thời gian trong giai đoạn dịch Covid-19 được tính như thế nào?
Bình luận 0

Dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp, để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và cộng động, nhiều lao động đã làm việc ở nhà, xin nghỉ phép….Vậy việc tính lương cho người lao động giữa dịch Covid sẽ như thế nào?

Về vấn đề tính tiền lương của người lao động, trao đổi với Dân Việt, luật sư Trịnh Thị Khánh Ly – Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết: Tiền lương của người lao động trong dịch  Covid 19 sẽ tùy thuộc vào việc nghỉ của lao động, có thể chia thành 3 trường hợp.

Nghỉ do ngừng việc, tính tiền lương thế nào?

Theo Khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012 có quy định: “Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế, thì tiền lương ngừng việc do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.”

img

Luật sư Trịnh Thị Khánh Ly - Công ty Luật TNHH Everest, Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Như vậy, tuy doanh nghiệp có ngừng việc sử dụng lao động nhưng quyền lợi của người lao động vẫn được đảm bảo khi được hưởng lương theo thỏa thuận với người sử dụng lao động. Đặc biệt, mức lương thỏa thuận đó không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.

Điều 3 Nghị định số 90/2019/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu theo từng vùng hiện nay như sau:

Vùng I: Mức 4.420.000 đồng/tháng;

Vùng II: Mức 3.920.000 đồng/tháng;

Vùng III: Mức 3.430.000 đồng/tháng;

Vùng IV: Mức 3.070.000 đồng/tháng.

Nghỉ phép năm, tính tiền lương thế nào?

Theo Khoản 1 Điều 111 Bộ luật Lao động năm 2012, nêu rõ: “Người lao động có đủ 12 tháng làm việc cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau:

img

Ảnh minh họa.

a) 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường;

b) 14 ngày làm việc đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có có điều kiện sinh sống khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành hoặc lao động chưa thành niên hoặc lao động là người khuyết tật;

c) 16 ngày làm việc đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc người làm việc ở những nơi có điều kiện sinh sống đặc biệt khắc nghiệt theo danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với Bộ Y tế ban hành.”

Thời gian nghỉ phép năm được tính vào ngày làm việc.

Nếu trường hợp người lao động làm việc dưới 12 tháng thì thời gian nghỉ phép năm sẽ tính theo tỷ lệ tương ứng thời gian làm việc hoặc theo thỏa thuận khác với người sử dụng lao động.

Vì vậy, nếu trường hợp người lao động có nhu cầu dùng ngày nghỉ phép năm để phòng dịch, đảm bảo sức khỏe thì cho dù không phải làm việc, người lao động vẫn sẽ được hưởng 100% lương của ngày làm việc bình thường.

 Nghỉ theo thỏa thuận, tính tiền lương thế nào?

Trong trường hợp người lao động đã nghỉ hết thời gian nghỉ phép năm, doanh nghiệp cũng không cho ngừng việc và người lao động nếu có nhu cầu nghỉ việc để đảm bảo sức khỏe cho mình thì có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động.

Theo đó, người lao động sẽ thỏa thuận với người sử dụng lao động về nhu cầu, thời gian nghỉ việc. Nếu người sử dụng lao động đồng ý, người lao động sẽ được nghỉ nhưng không được hưởng lương.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem