Những kịch bản tận thế lạnh người

Chủ nhật, ngày 22/01/2012 06:14 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đầu năm 2012, những người theo chủ nghĩa hoài nghi bắt đầu truyền tai nhau lời "sấm truyền" của người Maya cổ đại về một thảm họa diệt vong. Tuy nhiên dưới con mắt của các nhà khoa học, ngày tận thế không thể xảy ra.
Bình luận 0

Tộc người Maya sống tại Mexico vào khoảng năm 250-900 sau Công nguyên được xem là nổi tiếng trong lĩnh vực toán học và thiên văn cổ đại, đã dựng lên một cột lịch có khởi đầu là năm 3.114 trước Công nguyên và kéo dài trong chu kỳ 5.126 năm. Các nhà khoa học giả tưởng Mỹ và những người theo chủ nghĩa hoài nghi đã dự đoán số phận trái đất dựa trên kết quả nghiên cứu cột lịch này, khi họ làm một phép tính đơn giản: 5.126 - 3.114 = 2012. Như vậy, theo lịch của người Maya thì ngày cuối cùng sẽ là 21.12.2012.

img
Giới khoa học đã bác bỏ khả nặng tận thế vào ngày 21.12.2012.

Loạn các... dự báo

Trong số những kịch bản về sự diệt vong của Trái đất thì nổi hơn cả là dự báo của ông Joseph Lawrence - tác giả cuốn sách "Thảm họa diệt vong 2012", từng khơi nguồn cảm hứng cho bộ phim khoa học giả tưởng ăn khách có tên "2012" của Hollywood. Các tài liệu ghi nhận, địa cầu từng hứng chịu một trận bão Mặt trời siêu mạnh vào năm 1859 và khiến một số thành phố lớn bị mất điện tạm thời.

Theo đó, ông Lawrence cho rằng, một trận bão Mặt trời siêu mạnh sẽ tấn công Trái đất vào tháng 12 tới và gây ra hậu quả thảm khốc. Nhiều người cũng lo ngại một trận bão Mặt trời như thế sẽ hủy diệt các mạng lưới điện và hệ thống điện tử toàn cầu, khiến nền văn minh của loài người dần bị diệt vong.

Nỗi lo về sự dịch chuyển giữa hai cực Trái đất cũng gây nỗi hoang mang lo sợ trong cộng đồng những người hoài nghi. Giống như trong bộ phim "2012", họ đặt giả thuyết rằng hai cực của địa cầu sẽ đổi chỗ cho nhau, gây ra những vết đứt gãy lớn trên bề mặt và trong lòng đất, khiến hàng trăm núi lửa thức giấc và tạo nên những cơn sóng thần khổng lồ tràn vào các thành phố. Những cơn sóng thần cao hàng trăm mét sẽ tấn công các quốc gia ven Đại Tây Dương và nhấn chìm toàn bộ khu vực phía Đông của nước Mỹ trong biển nước.

Một kịch bản tận thế khác cũng được quan tâm chính là khả năng xuất hiện một tiểu hành tinh có tên Nubiru và nó sẽ lao xuống Trái đất vào ngày 21.12 năm nay. Người Sumer (sống ở thiên niên kỷ thứ 4 trước Công nguyên và đạt tới trình độ thiên văn học khá cao trước khi diệt vong) đã dự báo về "khách không mời" Nubiru, rồi sau đó họ xác định được năm nó sẽ va chạm với địa cầu.

Kịch bản thứ hai mô tả các trận mưa thiên thạch bất ngờ diễn ra ở khu vực Trung Đông rồi sau đó hủy diệt toàn bộ châu Âu bởi những viên "đá trời" có kích thước lớn. Quân đội các nước vội vã bắn tên lửa hòng ngăn chặn cơn mưa thiên thạch này nhưng vô hiệu. Thủ đô Berlin của Đức sẽ là thành phố đầu tiên của châu Âu bị huỷ diệt.

Một dự báo khác cũng không kém phần lạnh gáy là máy gia tốc hạt khổng lồ (LHC) được lắp đặt ở khu vực biên giới Pháp - Thụy Sĩ sẽ gặp trục trặc và trở nên mất kiểm soát. Cỗ máy dài 29km này sẽ sinh ra một "lỗ đen" nuốt chửng tất cả vật chất trên Trái đất vào bên trong nó, hoặc sinh ra một loại vật chất lạ có khả năng hủy diệt mọi sự sống.

Ngoài ra, đại dịch toàn cầu, Trái đất bị người ngoài tinh tấn công, các hành tinh xếp thẳng hàng khiến Mặt trời xả xuống Trái đất một trận bão có sức nóng khủng khiếp tiêu diệt sự sống… cũng là những kịch bản được lan truyền trên mạng Internet trong những ngày đầu năm 2012.

Giới khoa học lên tiếng

Giáo sư Bruce Love thuộc Viện Khảo cổ học của Mỹ khẳng định, đến nay chưa có bất kỳ một nhà thiên văn hay toán học nào có thể tính ra thời điểm diệt vọng của địa cầu. "Chu kỳ kết thúc cột lịch của người Maya chỉ có thể tuân theo cách tính của tộc người cổ xưa này, chứ không thể áp dụng vào lịch của loài người hiện nay". Tuy nhiên, giáo sư Love thừa nhận những thiên tai thảm khốc hoàn toàn có thể xảy ra, tương tự như động đất lớn hay sóng thần mạnh, nhưng không thể đủ sức hủy diệt toàn bộ nền văn minh của loài người.

Các chuyên gia nghiên cứu về người Maya cho biết, tộc người này dự báo ngày tận thế vào một thời điểm nào đó trong tương lai xa chứ không phải bây giờ. Hiện tại, ngành du lịch Mexico đang hy vọng sẽ hưởng lợi từ lượng du khách tăng đột biến tới khu di tích của người Maya tại phía Nam Mexico và không hề lo lắng về ngày tận thế xa xôi nào đó.

Ông Don Yeomans - Giám đốc Chương trình giám sát các vật thể gần Trái đất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thì cho rằng, kịch bản Trái đất bị một thiên thạch khổng lồ hay mưa thiên thạch tấn công là vô lý, bởi dựa trên hệ thống kính thiên văn hiện đại hiện nay, NASA có thể phát hiện đường đi của một hành tinh nhỏ cỡ chiếc xe tải từ nhiều tháng trước khi nó tiến tới gần địa cầu. Ông Yeomans cũng tuyên bố, không hề có bằng chứng nào cho thấy hai cực của Trái đất sẽ hoán đổi vị trí. "Trong trường hợp đó thì chúng ta chỉ cần đổi lại hướng của la bàn" - vị giám đốc này khẳng định.

Trong khi đó, nhà vật lý O'Neill thường xuyên cộng tác với kênh truyền hình khoa học nổi tiếng Discovery lại đổ lỗi cho các chiến dịch quảng bá rầm rộ cho bộ phim bom tấn "2012". Ông cho biết: "Khán giả đổ xô đến rạp để xem điều gì sẽ xảy ra trong năm 2012 dù họ biết rằng đó chỉ là những cảnh tượng được dàn dựng bằng kỹ xảo. Tuy nhiên bộ phim đã tác động tiêu cực tới suy nghĩ của không ít người".

Bắt đầu từ ngày 1.1.2012, những hậu duệ còn sót lại của người Maya cổ xưa đã bắt đầu quá trình đếm ngược tới ngày 21.12. Họ nhảy múa và cầu nguyện xung quanh những đống lửa lớn, nhưng đó lại là những nghi lễ truyền thống chủ yếu dành cho du khách chiêm ngưỡng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem