Không cấp dưỡng có thể bị phạt tù

Thứ tư, ngày 11/05/2011 13:24 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Không ít ông bố, bà mẹ suốt nhiều năm nay vẫn chỉ chu cấp cho con bằng đúng số tiền mà tòa án phân xử, bất chấp giá cả leo thang.
Bình luận 0

200.000 đồng/đứa con

Thời buổi kinh tế khó khăn, số tiền cấp dưỡng nuôi con mà toà án quy định tại thời điểm ly hôn (khoảng 1/3 tổng thu nhập) chỉ như muối bỏ biển. Nhiều người vẫn “y án” sau 10-15 năm ly hôn. Đề nghị tăng tiền cấp dưỡng rất chính đáng của nhiều ông bố, bà mẹ đã vấp phải thái độ thờ ơ, thiếu trách nhiệm của “đối tác”.

img
Đừng để những đứa trẻ lớn lên với mặc cảm bị cha (mẹ) bỏ rơi.

Ly hôn cách đây 10 năm, chị Doanh (Khu tập thể Trung Tự, Kim Liên, Hà Nội) nhận nuôi cả 2 đứa trẻ vì không muốn hai chị em phải tách nhau. Toà án phân xử, người bố phải cấp dưỡng 400.000 đồng/tháng để nuôi 2 con. Hồi đó, số tiền cũng giúp chị tằn tiện nuôi con được 10 ngày. Nhưng đến giờ, so với nhu cầu ăn học của 2 con đang học cấp II, nó gần như bằng không.

Người bố khăng khăng không chịu "tăng tiền". Thi thoảng anh ta mua cho con quả bóng, cái xe đạp, nhưng lại để ở nhà mình, "bao giờ các con về thì sử dụng". Chị không muốn anh ta dùng số tiền ít ỏi đó để “mua danh” làm bố, nhưng anh ta dọa kiện chị ra tòa vì ngăn cản “quyền làm bố”.

Gần đây, luật sư Hồng Hà - Giám đốc Văn phòng Luật sư Hồng Hà (Hà Nội) có tư vấn, hỗ trợ cho một trường hợp, cả hai vợ chồng đều là cán bộ một trường đại học lớn ở Hà Nội. Năm 2007, hai người ly hôn, người vợ được tòa án giao nuôi con, còn người chồng mỗi tháng đóng góp, cấp dưỡng nuôi con 500 nghìn đồng.

Hiện nay, người mẹ đã nhiều lần đề nghị cha đứa trẻ trợ cấp thêm mỗi tháng 500 nghìn đồng nữa nhưng anh này nhất quyết không chịu. Người mẹ buộc phải khởi kiện ra tòa để yêu cầu tòa xử buộc người cha phải tăng tiền cấp dưỡng nuôi con. Tòa yêu cầu anh ta cấp dưỡng thêm 500 nghìn đồng mỗi tháng.

Giải pháp nào?

img Không thể coi việc nuôi dưỡng con chung chỉ là nghĩa vụ của người được nuôi con và cũng không thể coi việc góp tiền cấp dưỡng nuôi con chỉ đơn thuần là “nghĩa vụ thi hành án” mà người kia phải thực hiện. img

Luật sư Hồng Hà

Trách nhiệm nuôi dưỡng con sau ly hôn được quy định rõ tại Điều 92 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23.12.2000.

Theo đó, “Sau khi ly hôn, vợ, chồng vẫn có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con chưa thành niên hoặc đã thành niên bị tàn tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con".

Tuy nhiên, thực tế có rất nhiều vụ tranh chấp về tiền cấp dưỡng nuôi con. Nguyên nhân không làm tròn nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con có thể do hoàn cảnh khách quan: Người có nghĩa vụ cấp dưỡng làm ăn thua lỗ, bị mất việc làm, bị bệnh tật…

Tuy nhiên, nguyên nhân việc trốn tránh nghĩa vụ nuôi con phần đa xuất phát từ thái độ thiếu trách nhiệm, thiếu đạo đức của người có nghĩa vụ cấp dưỡng. Cũng ít đội thi hành án địa phương nào hàng tháng đi theo để cưỡng chế, xử phạt người chây ỳ, trốn cấp dưỡng nuôi con.

Theo luật sư Hồng Hà, đối với người trốn tránh trách nhiệm cấp dưỡng, cơ quan thi hành án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án phù hợp theo quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự như khấu trừ thu nhập; kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ…

Người cố ý không chấp hành bản án, quyết định của toà án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế cần thiết, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “không chấp hành án” với hình phạt phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem