Không trả lại tiền chuyển nhầm tài khoản, có thể bị xử lý hay không?

Phi Long Thứ sáu, ngày 01/12/2023 11:03 AM (GMT+7)
Dưới góc độ pháp lý, luật sư phân tích việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bình luận 0

Chuyển nhầm 270 triệu đồng

Tối 30/11, anh Hoàng Hiệp - chủ nhà hàng Lan Ngan ở phường Lam Sơn, TP.Thanh Hóa, thông tin về việc nhà hàng đã tìm được vị khách chuyển nhầm 270 triệu đồng cho một bữa ăn trưa ở nhà hàng. 

Nhà hàng hẹn vị khách vào sáng 1/12 đến công an để cùng làm việc và bàn giao số tiền chuyển nhầm nói trên.

Chuyển nhầm số tiền và nhầm tài khoản, không trả lại có thể bị xử lý hình sự? - Ảnh 1.

Nhà hàng trên địa bàn phường Lam Sơn, TP. Thanh Hoá nơi vị khách chuyển nhầm tiền. Ảnh: Công lý


Trước đó, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện thông tin một nhà hàng ở phường Lam Sơn, TP.Thanh Hóa, đăng tin một vị khách đến ăn hết 270.000 đồng nhưng khi thanh toán đã chuyển nhầm thành 270 triệu đồng.

Chủ nhà hàng đã chủ động thông báo, tích cực tìm khách hàng đã chuyển nhầm tiền để trả lại. Hành động này được cộng đồng đánh giá cao.

Nhận tiền chuyển nhầm, phải hoàn trả

Tuy nhiên, trong thực tế có người thấy khoản tiền không rõ nguồn gốc chuyển vào tài khoản của mình, nảy sinh lòng tham đã không trả lại người chuyển nhầm. 

Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) phân tích: Khi một người vô tình nhận tiền từ người khác chuyển nhầm vào tài khoản của mình, thì người đó phải có nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ số tiền đó theo quy định tại Điều 579, 580 Bộ luật Dân sự 2015. Trường hợp không biết thông tin người chuyển nhầm tiền thì phải giao cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Việc không trả lại số tiền chuyển nhầm, rút tiền để sử dụng bị coi là chiếm giữ tài sản của người khác và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

Tại điểm đ khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình quy định phạt tiền 3-5 triệu đồng đối với hành vi chiếm giữ tài sản của người khác. Ngoài ra, người chiếm giữ buộc trả lại tài sản do chiếm giữ trái phép đối với hành vi này.

Về trách nhiệm hình sự thì khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sự quy định: Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10 triệu đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tiền 10-50 triệu đồng, phạt đến hai năm tù. Nếu chiếm giữ tài sản từ 200.000.000 đồng trở lên thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, nếu người nào sử dụng số tiền do người khác chuyển nhầm dưới 10 triệu đồng thì có thể bị xử phạt hành chính từ 3-5 triệu đồng; nếu sử dụng số tiền từ 10-200 triệu đồng do người khác chuyển nhầm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; nếu sử dụng số tiền từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù từ 1-5 năm.

Cách lấy lại tiền chuyển nhầm

Cũng theo luật sư Hoàng Anh Sơn, khi chuyển tiền nhầm tài khoản khác ngân hàng, ngay lập tức, người chuyển cần đến điểm giao dịch gần nhất của ngân hàng mình đăng ký tài khoản, cung cấp các hóa đơn, biên nhận chuyển tiền. Nhân viên ngân hàng sẽ thay mặt khách liên hệ với ngân hàng và người thụ hưởng tài khoản chuyển nhầm.

Đồng thời, người chuyển nhầm có thể chuyển thêm các khoản tiền nhỏ để cung cấp các thông tin như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng,… nhờ người nhận chuyển nhầm hoàn lại số tiền này.

Trường hợp sau khi ngân hàng đã thông báo cho chủ tài khoản thụ hưởng về việc chuyển tiền nhầm nhưng người đó cố tình không trả mà không có lý do chính đáng thì lúc này người chuyển nhầm có thể nhanh chóng trình báo đến cơ quan công an có thẩm quyền để được hỗ trợ.

Trường hợp trình báo công an sẽ phải xuất trình bằng chứng, chứng cứ về việc chuyển nhầm tiền bao gồm:  Biên lai chuyển tiền nhầm, nếu chuyển khoản online qua Internet Banking thì cần cung cấp bản chụp ảnh màn hình lại và sao kê ngân hàng cung cấp cho cơ quan công an.

Biên bản của ngân hàng đã thông báo nhưng chủ tài khoản thừa hưởng không hoàn trả. Khi ngân hàng thông báo đến chủ tài khoản thừa hưởng nhưng họ không hoàn trả số tiền mà người chuyển nhầm đã chuyển khoản thì có thể đề nghị ngân hàng xác nhận biên bản chủ tài khoản thừa hưởng không trả.

Qua quá trình xác minh, nếu có dấu hiệu của tội phạm hình sự thì cơ quan công an sẽ tiến hành khởi tố vụ án hình sự để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem