Bệnh khảm lá mì tấn công sang Bình Dương, nông dân lo cuống cuồng

Nguyên Vỹ Thứ tư, ngày 22/11/2017 06:25 AM (GMT+7)
Bước đầu ghi nhận đã có một số diện tích bị lây nhiễm bệnh khảm lá mì (sắn), chính quyền huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) đang khẩn trương tăng cường công tác điều tra, phát hiện bệnh.
Bình luận 0

Hiện nay, tổng diện tích khoai mì toàn tỉnh Bình Dương gần 940ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện Phú Giáo (382ha), Bến Cát (292ha), Dầu Tiếng (190ha). Trong đó, Dầu Tiếng là huyện nằm ngay sát tỉnh Tây Ninh, địa bàn vừa bị dịch bệnh này hoành hành với tốc độ lây lan chóng mặt trên toàn tỉnh.

img

Cán bộ Chi cục kiểm tra ruộng mì bị nhiễm bệnh khảm lá tại huyện Dầu Tiếng.

Theo điều tra của Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Dầu Tiếng, từ giữa tháng 10, cây mì trên địa bàn huyện đã phát hiện có bệnh khảm trên diện tích 35ha, chiếm 18,5% diện tích với tỷ lệ bệnh 10 - 30%. Tình trạng này đang khiến nhiều nông dân trồng mì vô cùng lo lắng.

Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Bình Dương đã cử cán bộ phối hợp Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thị và chính quyền các địa phương có trồng khoai mì tăng cường công tác điều tra, phát hiện bệnh khảm trên khoai mì.

img

Bệnh khảm lá mì lây lan nhanh lại chưa có thuốc đặc trị khiến nhiều nông dân điêu đứng.

Chi cục đã khuyến cáo bà con không trồng các giống mì nhiễm bệnh như giống HLS11, KM 419, KM 140. Đồng thời, người dân cần tăng cường biện pháp luân canh, không trồng mì hoặc cây ký chủ của bọ phấn (cây thuốc lá, bông, cà chua, cà pháo, bầu bí, khoai tây, ớt, …) ở những vùng đã bị bệnh khảm lá ít nhất một vụ.

Trước đó, huyện biên giới Tân Châu của tỉnh Tây Ninh được ghi nhận là địa phương bị dịch khảm lá mì gây hại nặng nề nhất. Trong vụ Đông - Xuân và Hè - Thu 2017, toàn huyện đã xuống giống gần 11.000ha. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch khảm lá mì huyện, tính đến tháng 10.2017, toàn huyện Tân Châu có hơn 4.400ha mì bị nhiễm bệnh.

img

Kiểm tra tình hình dịch bệnh khảm lá ở tỉnh Tây Ninh. Ảnh Chí Thành.

Theo ông Nguyễn Duy Ân, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh, vấn đề khó khăn nhất vẫn là vận động người dân tự tiêu hủy. Chưa tính tiền thuê đất, người dân đầu tư trên 1ha hết khoảng 20 triệu đồng. Khả năng tỉnh hỗ trợ cũng chỉ ở mức độ nên khi tiêu hủy sẽ gây nhiều thiệt hại. Nhưng nếu không xử lý kịp thời, bệnh sẽ lây lan nhanh và có khả năng xóa sổ vùng nguyên liệu trong nhiều năm tiếp theo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem