Biện pháp hành chính không đủ ngăn chặn thực phẩm bẩn

Diệu Thùy Thứ ba, ngày 26/09/2017 06:20 AM (GMT+7)
Muốn có thực phẩm sạch trong bữa ăn hàng ngày của người dân phải đồng thời cả “xây” và “chống”. Tuy nhiên, để làm được điều này không thể một sớm một chiều, càng không thể chỉ có cơ quan nhà nước hay Ban quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM không thôi mà cần có sự đồng bộ của cả xã hội. Quan trọng nhất là ý thức chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp, của người dân...
Bình luận 0

img

Theo TS Phạm Khánh Phong Lan (ảnh) – Trưởng Ban quản lý (BQL) An toàn thực phẩm TP.HCM (ATTP), sắp tới (tháng 10.2017) ban này sẽ ra mắt trang web để cung cấp tất cả thông tin liên quan về cấp giấy chứng nhận ATTP, giới thiệu các doanh nghiệp và chuỗi cung ứng thực phẩm sạch, công khai tên các cơ sở vi phạm về ATVSTP trên địa bàn thành phố để người dân nắm rõ, đồng thời tuyên truyền hướng dẫn người dân cách để nhận biết đâu là thực phẩm sạch, đâu là thực phẩm bẩn.

Theo bà, cách căn cơ nhất để TP.HCM chống thực phẩm bẩn, tránh được ngộ độc thực phẩm như vẫn thường xảy ra là gì?

- Phải tập trung xây dựng thực phẩm sạch từ đầu nguồn, đó là cách lâu dài. Song song đó, chúng tôi sẽ rà soát, siết lại các quy định về thanh kiểm tra, xử phạt vi phạm. Trước hết, siết chặt quản lý các bếp ăn trường học, doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp, các khu chế suất – khu công nghiệp... Tất cả phải chứng minh nguồn gốc thực phẩm, phải có bảo chứng, nếu mua thực phẩm từ chuỗi (thực phẩm sạch) càng tốt.

img

  Nhân viên thú y đang kiểm tra một trại chăn nuôi heo tại Đồng Nai. N.T 

"Hiện số doanh nghiệp tham gia chuỗi thực phẩm an toàn là 44 doanh nghiệp, trong đó số chuỗi thực phẩm an toàn được cấp phép là hơn 150. Chúng tôi đang phát triển thêm, tạo điều kiện, hướng dẫn doanh nghiệp tăng cường thêm các chuỗi; tăng cường giám sát chất lượng các chuỗi chứ không chỉ cấp phép là thôi. Đối với các chuỗi ngoài TP, chúng tôi có chương trình liên kết phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước các tỉnh (Sở NNPTNT) giám sát chất lượng từ đầu nguồn”.

TS Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng BQL ATTP TP.HCM

Việc tăng cường xử phạt có thể giải quyết được vấn đề mất ATVSTP?

- Không thể ngăn chặn thực phẩm bẩn chỉ bằng biện pháp hành chính. Các đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP cần phải tăng cường những xét nghiệm nhanh, test nhanh, chỉ trong vòng 30 phút cho kết quả. Nhưng những test này không chính xác 100%, chỉ có tính cách sàng lọc. Chúng tôi sẽ lấy những mẫu nghi ngờ để test, nếu mẫu dương tính sẽ được giữ lại và gửi đi kiểm nghiệm. Không thể xử phạt chỉ vì thực phẩm dương tính với chất cấm ngay khi test nhanh.

Để ngăn chặn triệt để thực phẩm bẩn, phải làm từ nguồn. Các nước khác cũng làm như vậy. Các doanh nghiệp xuất khẩu hàng đi Mỹ đâu phải đợi qua tới Mỹ mới kiểm tra. Họ qua tận đây xem mình làm ăn ra sao, sản phẩm chất lượng thế nào... Mình bây giờ cũng phải làm vậy. Chúng tôi phải rà soát lại, ký kết với Sở NNPTNT các địa phương như Long An, Tiền Giang, Lâm Đồng... để họ kiểm tra sản xuất từ đầu nguồn. Riêng TP.HCM, chúng ta có những chợ đầu mối.

Liệu lực lượng thanh tra của Ban có đủ để giám sát?

- BQL ATTP nhận 250 thanh tra là đủ. Chúng tôi nhận 468 biên chế từ 3 Sở Y tế, NNPTNT và Công Thương, trong đó hơn 60 biên chế từ Trung tâm Kiểm nghiệm, còn lại là của ban. Chúng tôi cố gắng dồn 150 biên chế làm hành chính, bao gồm khối văn phòng, phòng cấp phép, phòng xử lý ngộ độc để xử lý nguy cơ, phòng quản lý chất lượng lo về chuỗi thực phẩm an toàn, phòng thông tin truyền thông lo về truyền thông và tập huấn, còn 250 là thanh tra.

Hiện nay, nông sản bị nhiễm hóa chất, kể cả thuốc BVTV, thuốc trừ sâu... vẫn còn được nhập về TP.HCM một cách vô tội vạ, tản mác. Việc này sẽ được xử lý như thế nào?

- Theo quy luật nước chảy chỗ trũng, đồ ngon nhất ở đâu cũng về TP.HCM. Bà con mình cái gì ngon nhất, được giá thì bán về thành phố. Thành phố hiện có mấy trăm siêu thị, tuy không phải hoàn hảo hết nhưng để bảo vệ thương hiệu và uy tín họ cũng có biện pháp kiểm soát đầu vào. Hiện nay, nông dân muốn cung ứng nông sản vào siêu thị rất khó. Còn kênh phân phối là các chợ truyền thống. TP.HCM có 3 chợ đầu mối là chợ Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn. Mình tập trung kiểm soát nguồn hàng về 3 chợ đầu mối này. Nhìn chung, các sạp ở đây nguồn hàng cũng rất lớn, bạn hàng cũng ổn định. Nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên lấy mẫu kiểm nghiệm trước khi hàng được tỏa đi các nơi. Để giám sát hiệu quả, chúng tôi đang đẩy mạnh xây dựng chuỗi thực phẩm an toàn.  

Xin cảm ơn bà! 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem