Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai lý giải đề xuất dừng hỗ trợ tiền tiêu hủy lợn

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 14/12/2019 13:17 PM (GMT+7)
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng việc chi tiền hỗ trợ dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) sẽ không làm cho nông dân “tự lớn lên” được.
Bình luận 0

Theo ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT, chăn nuôi là bộ phận cực kỳ quan trọng trong nền kinh tế nông nghiệp. Đặc biệt là chăn nuôi lợn, chiếm 10% GDP toàn ngành. Mức tăng trưởng của ngành này sụt giảm 10% thì toàn ngành nông nghiệp sẽ giảm theo 1%.

img

Ngành chăn nuôi cả nước đối mặt rất nhiều khó khăn do dịch bệnh. Ảnh TNO

Vừa qua, ngành chăn nuôi cả nước đối mặt rất nhiều khó khăn do dịch bệnh. Trước đó đã có các dịch tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm hoành hành..., nay lại chứng kiến thêm cơn khủng hoảng chưa từng thấy do DTLCP gây ra.

Từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 50 về các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Với các loại dịch bệnh, Chính phủ cũng có Nghị Quyết số 42, sau đó là Quyết định 793 về hỗ trợ cho DTHCP...

Các chính sách này đã hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân bị thiệt hại, hỗ trợ cho công tác phòng trừ dịch bệnh , hỗ trợ 1 phần cho lực lượng tham gia chống dịch.

img

Thứ trưởng Hà Công Tuấn cho biết đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi

Dù chưa có vaccine nhưng nhờ chủ động, công tác phòng chống dịch cũng đã có những kết quả đáng ghi nhận. “Tháng 10 và 11 năm nay, số lợn bị tiêu hủy đã giảm khoảng hơn 2/3 so với hồi tháng 5; và nhiều nơi đã công bố an toàn dịch, có thể tái đàn được”, thứ Trưởng cho biết.

Đánh giá về công tác hỗ trợ của Chính phủ cho người chăn nuôi, ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - lại có cách nhìn nhận khác.

Nhà nước đang bỏ ra khá nhiều kinh phí hỗ trợ nông dân theo chính sách giúp đỡ cho dân nghèo vượt qua khốn khó. Tuy nhiên, ông Công cho rằng, các hỗ trợ sắp tới cần dừng lại hoặc có sự điều chỉnh thích hợp. Về lâu dài, việc hỗ trợ sẽ không làm cho nông dân “tự lớn” được.

Ông Công chia sẻ, bản thân đã suy nghĩ rất nhiều về đề xuất này. Tuy nhiên, lúc này mới là thời điểm hợp lý để nêu ra, khi dịch bệnh đang có dấu hiệu trầm lắng hơn.

img

Ông Nguyễn Trí Công đề xuất nên ngừng việc hỗ trợ cho lợn bị tiêu hủy

Không quốc gia nào trên thế giới cứ bỏ tiền ra hỗ trợ cho nông dân mãi như thế được. Các nước sử dụng luật chăn nuôi để điều chỉnh và phát triển ngành. Người chăn nuôi căn cứ theo luật để hoạt động và tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Luật chăn nuôi của Việt Nam sắp có hiệu lực.

Từ đó, ông Công gợi ý: nên chăng, nguồn kinh phí này được chuyển vào ngân hàng. Từ đó, tạo ra chính sách giúp người nông dân đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức chăn nuôi, đáp ứng theo nhu cầu hiện đại để hạ giá thành xuống. Khi giá thành hạ, người chăn nuôi hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng khi tham gia hội nhập.

img

Nguồn kinh phí hỗ trợ nên chuyển vào ngân hàng, từ đó tạo ra chính sách giúp người nông dân đổi mới công nghệ, phương thức chăn nuôi

Ngoài ra, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng nêu mong muốn các cơ quan chuyên ngành đưa ra dự báo về giá cả thật chính xác ở các vùng miền, cũng như lộ trình cần sản xuất bao nhiêu để thị trường không bị mất cân đối cung cầu, dẫn đến các biến động khó lường về giá. Chính phủ cần đề cao hơn nữa vai trò và các biện pháp hỗ trợ cho mô hình HTX.

Thứ trưởng Tuấn cho biết sẽ xem xét đề xuất của Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai. Có một điều, Thứ trưởng thừa nhận, ngoài dịch bệnh, chăn nuôi cả nước vẫn còn hàng chục triệu hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Đây là khó khăn khi ngành chăn nuôi tham gia vào tiến trình hội nhập và các hiệp định thương mại có hiệu lực.

“Chúng ta buộc phải giảm thuế nhiều mặt hàng, phải mở cửa để cạnh tranh tự do chư không thể duy trì cách bảo hộ bằng các biện pháp như rào cản kỹ thuật. Ngành chăn nuôi lợn cũng phải thay đổi”, Thứ trưởng nói.

* Clip có sử dụng tư liệu của đồng nghiệp

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem