Hà Nội: Chuyển hướng chăn nuôi lợn an toàn sinh học

Hải Đăng Thứ tư, ngày 10/04/2019 13:10 PM (GMT+7)
Để tạo lòng tin và sự quyết tâm cho người dân trong việc phối hợp chống dịch tả lợn châu Phi, mới đây UBND TP.Hà Nội đã ban hành công văn về mức hỗ trợ thiệt hại khi phải tiêu hủy lợn bị bệnh, lợn chết do dịch tả lợn châu Phi.
Bình luận 0

Theo đó, đối với lợn thương phẩm phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy được ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất bằng 80% giá thị trường tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra, nhưng tối đa không quá 38.000 đồng/kg lợn hơi.

Đối với lợn nái, lợn đực giống phải tiêu hủy bắt buộc do mắc dịch bệnh hoặc trong vùng có dịch bắt buộc phải tiêu hủy được ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho các hộ sản xuất cao hơn 1,8 lần so với giá thị trường của lợn thương phẩm tại thời điểm và tại địa phương có dịch bệnh xảy ra.

img

 Đến nay Hà Nội đã tiêu hủy trên 2.000 con lợn bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi. ảnh: Internet

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết, dù dịch tả lợn châu Phi đã tấn công Hà Nội hơn 1 tháng nhưng đến nay số đầu lợn bị nhiễm bệnh và tiêu hủy rất ít, chỉ hơn 2.000 con trên tổng số hơn 2 triệu con toàn thành phố.

Hiện, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 12 quận, huyện trên địa bàn Hà Nội; 32 xã, phường, 52 thôn, tổ dân phố, ở 122 hộ chăn nuôi. Trong đó 2 ổ dịch mới phát sinh từ ngày 26 - 29.3 tại huyện Thanh Trì và Hoài Đức, gồm 8 xã, 53 hộ chăn nuôi, 469 con lợn phải tiêu hủy. Riêng tại huyện Sóc Sơn có 12/26 xã, thị trấn, 26 thôn, 79 hộ chăn nuôi có dịch, đã tiêu hủy 866 con lợn.

"Dù thời gian gần đây dịch tả lợn châu Phi có diễn biến phức tạp nhưng bằng sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị thành phố, đến nay một số nơi đã khống chế dịch thành công"- ông Mỹ khẳng định.

"Việc quan trọng nhất cần làm hiện nay là tích cực dập bệnh dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Tôi yêu cầu các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị; tuyên truyền sâu rộng, đa dạng bằng nhiều hình thức đến tận hộ, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ về tính chất nguy hiểm của bệnh dịch; tuyệt đối không lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống bệnh dịch..."- ông Mỹ nói.

Cũng theo ông Mỹ, về lâu về dài, để đảm bảo chăn nuôi phát triển bền vững, Hà Nội sẽ dần loại bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ để tập trung vào chăn nuôi quy mô lớn theo hướng an toàn sinh học và chăn nuôi theo chuỗi giúp bà con tránh được dịch bệnh, tránh điệp khúc "được mùa mất giá".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem