Hà Nội - Lâm Đồng kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn

Hồng Liên Thứ năm, ngày 17/10/2019 05:40 AM (GMT+7)
Ngày 15/10, Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức hội nghị đánh giá kết quả phối hợp và kết nối sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn giữa TP.Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng năm 2019.
Bình luận 0

Hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện thỏa thuận hợp tác về phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn; đồng thời quảng bá, kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ giữa các doanh nghiệp (DN) sản xuất, chế biến nông sản của Lâm Đồng với các DN phân phối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn Thủ đô.

Khó khăn nhất là khâu vận chuyển

img

Nông sản Lâm Đồng được đóng gói cẩn thận, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng trước khi đến tay người tiêu dùng Thủ đô. Ảnh:  D.T

Hội nghị cũng đã chứng kiến lễ ký kết hàng chục biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ nông sản giữa một số doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng và kênh phân phối Hà Nội.

Phát biểu tại hội nghị, ông Hoàng Sĩ Bích – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết: Lâm Đồng được coi là vùng đất lý tưởng cho phát triển các loài hoa, sản xuất rau và các loại nông thực phẩm khác, trở thành trung tâm quy mô sản xuất và chế biến nông sản thực phẩm công nghệ cao, dẫn đầu cả nước về quy mô – sản lượng lẫn năng lực xuất khẩu trên cùng một diện tích canh tác.

Lâm Đồng là vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp với nhiều loại cây trồng có diện tích và năng suất đứng đầu cả nước: Vùng chuyên canh rau các loại có hơn 61.000ha với 2,27 triệu tấn, tiêu thụ thị trường trong nước 2.049.500 tấn; vùng chuyên canh hoa 8.651ha, sản lượng hơn 3 tỷ cành; vùng chuyên canh chè 12.700ha; vùng chuyên canh cà phê với diện tích 173.680ha; chăn nuôi bò sữa tổng đàn 20.020 con…

Hiện, Lâm Đồng có 125 chuỗi liên kết giá trị từ sản xuất, sơ chế, chế biến đến tiêu thụ với sự tham gia liên kết của 75 DN; 35 HTX; 42 THT, cơ sở nhỏ lẻ và 12.570 hộ nông dân.

Trong khi đó, Hà Nội là thị trường tiêu thụ lượng lớn nông sản. Tuy nhiên, các sản phẩm nông sản chính của tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ tại thị trường Hà Nội còn hạn chế, chỉ chiếm từ 7 đến 10%. Hạn chế này, xuất phát từ nguyên nhân chi phí vận chuyển cao và công đoạn bảo quản nông sản gặp khó khăn.

Tại hội nghị, đại diện Công ty TNHH Thảo Nguyên chia sẻ: “Hiện nay, khó khăn lớn nhất của chúng tôi trong việc chuyển nông sản ra thị trường Thủ đô chính là vấn đề về cơ sở hạ tầng và vận chuyển. Bởi, vận chuyển nông sản từ Lâm Đồng ra Hà Nội là cả một sự kỳ công, từ công tác sơ chế đến đóng gói rồi vận chuyển. Tính trung bình, mỗi kg nông sản chuyển từ Lâm Đồng ra Hà Nội phải mất đến chi phí 10.000 đồng, chưa kể chuyển ra đến nơi nếu hàng bị hỏng thì công tác kiểm tra, sơ chế lại lại càng khó khăn hơn, giá thành cũng vì thế mà đến tay người tiêu dùng Thủ đô cao hơn nhiều”.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Đông Hải – Giám đốc Công ty Vietfarm cũng bày tỏ mong muốn được dịch chuyển đầu tư ra khu vực Hà Nội để giảm chi phí vận chuyển cũng như đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Đồng thời bày tỏ nguyện vọng được Sở NNPTNT Hà Nội giúp đỡ tìm quỹ đất để sản xuất nông sản cung cấp cho thị trường Thủ đô.

Kiểm soát chặt chẽ hơn chất lượng nông sản

Theo Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, Sở Nông nghiệp Hà Nội luôn quan tâm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao của Lâm Đồng với người tiêu dùng Thủ đô; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho 2 địa phương tổ chức tham gia các hội chợ, triển lãm, mở các chi nhánh thương mại, tìm kiếm đối tác xuất nhập khẩu… Thời gian qua nhiều sản phẩm của Lâm Đồng ngày càng được người tiêu dùng Thủ đô ưa thích, được các nhà phân phối đánh giá cao.

Chia sẻ tại hội nghị, ông Ngô Đình Loát – Trưởng phòng quản lý Chất lượng của Chi cục Quản lý nông lâm sản và thủy sản Hà Nội cho biết, từ năm 2016, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội và Lâm Đồng đã ký kết biên bản hợp tác trong công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản giữa 2 địa phương. Hàng năm thường xuyên thực hiện chương trình giám sát chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản của các tỉnh tiêu thụ trên thị trường Hà Nội trong đó có Lâm Đồng.

Cụ thể, 9 tháng đầu năm 2019, Chi cục đã lấy 15 mẫu rau, quả có nguồn gốc từ Lâm Đồng, kết quả phân tích mẫu đều đảm bảo an toàn thực phẩm các chỉ tiêu phân tích. Đồng thời, Chi cục cũng thông tin, giới thiệu cho các DN sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn của Lâm Đồng tham gia hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm của TP.Hà Nội.

Kết thúc hội nghị, ông Tạ Văn Tường nhấn mạnh, để đẩy mạnh việc kết nối, tiêu thụ nông sản giữa tỉnh Lâm Đồng với TP.Hà Nội, thời gian tới, ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tiếp tục giới thiệu các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn của tỉnh Lâm Đồng tới các địa chỉ tiêu thụ trên địa bàn thành phố để hai bên liên kết tiêu thụ sản phẩm có chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đồng thời, Sở phối hợp đưa các DN, cơ sở sản xuất nông sản an toàn đủ điều kiện của tỉnh Lâm Đồng tham gia chợ thương mại điện tử của thành phố.

Ông Tạ Văn Tường đề nghị, cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng kiểm soát chặt chẽ an toàn thực phẩm nông sản đưa ra tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và thực hiện nghiêm việc truy xuất nguồn gốc nông sản theo quy định...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem