Mai Châu: Dân dư dả nhờ nuôi cá lồng giữa lòng hồ sông Đà

Hà Hoàng Thứ hai, ngày 15/07/2019 19:05 PM (GMT+7)
Nhằm khai thác và tận dụng tối đa diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện nhiều dự án chăn nuôi cá lồng trên địa bàn 3 xã nằm ven lòng hồ, giúp người dân nâng cao nguồn thu nhập và làm giàu ở địa phương.
Bình luận 0

Tận dụng diện tích 75,22 ha mặt nước lòng hồ sông Đà, các xã Tân Dân, Tân Mai, Phúc Sạn nằm ven lòng hồ đang đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi cá lồng trên vùng hồ sông Đà. Chính sách phát triển nuôi cá lồng trên địa bàn 3 xã, luôn được UBND huyện Mai Châu quan tâm và triển khai, nhằm mục đích tăng cao nguồn thu nhập cho bà con vùng lòng hồ, tạo công ăn việc làm, giảm nghèo tại địa phương.

img

Nhiều gia đình đã phất lên và có tài sản lớn nhờ mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Sông Đà.

Nhờ lợi thế về diện tích mặt hồ, nhiều người dân sinh sống ở 3 xã Phúc Sạn, Tân Mai, Tân Dân đã tận dụng địa thế đắc địa này để làm lồng nuôi các loại cá: Chiên, trắm cỏ, chép, rô phi... Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp huyện Mai Châu, trên địa bàn huyện có 742 lồng nuôi cá các loại. Khi nhắc đến việc nuôi cá lồng, có lẽ ít ai sinh sống ở xã Phúc Sạn vượt mặt được ông Nguyễn Đình Chiến, tổ Bãi Sang (xã Phúc Sạn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình).

Ông Chiến chia sẻ: “Cách đây chừng chục năm, khi nghề đánh bắt cá trên sông đang thịnh, nhiều người đánh bắt cá rất nhộn nhịp.Thời ấy, cứ 1 ngày đánh lưới bắt cá được 7 - 8kg là chuyện bình thường, nên nhiều người ham, bám sông ngày đêm nhưng về lâu dài thì sản lượng cá cũng giảm và phụ thuộc rất nhiều vào tự nhiên. 

Khi được sự tuyên truyền, vận động của huyện về định hướng phát triển nghề nguôi cá lồng, ông mua thùng phi, lưới, sắt về làm cá lồng để phát triển kinh tế. Hiện gia đình ông có 8 lồng nuôi cá chiên, cá trắm cỏ, rô phi, chép...Các loại cá này rất phù hợp với môi trường tự nhiên nước hồ sông Đà nên phát triển rất tốt, ít dịch bệnh. Không những thế, các hộ nuôi cá lồng như ông Chiến còn được huyện hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc cá. Từ khi nuôi cá gia đình ông có thu nhập hơn 220 triệu đồng mỗi năm.

img

Hiện trên địa bàn huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình có 742 lồng cá tập trung chủ yếu ở xã Phúc Sạn, Tân Dân, Tân Mai.

Còn ông Đinh Văn Tường Lù, xóm Đá Đỏ, xã Tân Dân phấn khởi cho hay: “Tôi nuôi 6 lồng cá trên lòng hồ sông Đà. Tôi thấy môi trường nước ở đây rất phù hợp, nên đàn cá phát triển rất tốt, không xuất hiện dấu hiệu dịch bệnh. Gia đình tôi nuôi chủ yếu là cá chiên, chép, trắm cỏ, lăng đến giai đoạn thu hoạch có nhiều thương lái ở ngoài huyện Mai Châu và huyện Đà Bắc (Hòa Bình) đánh xe tải và đỗ thuyền vào mua với giá cao. Tôi nuôi cá lồng cũng gần 14 năm nay, sau khi trừ chi phí gia đình tôi có lãi hơn 150 triệu đồng/năm, cuộc sống của gia đình ngày càng dư giả.

img

Trước đây người dân sinh sống ở ven lòng hồ sông Đà chủ yếu sống bằng nghề trồng ngô, sắn và săn bắt cá ngoài tự nhiên để trang trải cuộc sống. Khi được huyện tuyên truyền vận động mô hình nuôi cá lồng, nhiều hộ đã tham gia hưởng ứng.

Những năm vừa qua, nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà thuộc phận tỉnh Hòa Bình đã và đang phát triển mạnh mẽ với số lượng lồng nuôi tăng theo từng năm. Để khai thác tốt tiềm năng mặt hồ, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương, hỗ trợ người dân sản xuất; UBND tỉnh Hòa Bình đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ khuyến khích, phát triển nuôi cá lồng bè vùng hồ Hoà Bình giai đoạn 2015-2020, hỗ trợ đầu tư kinh phí giúp các hộ nuôi cá ở các xã: Phúc Sạn, Tân Mai, Tân Dân (huyện Mai Châu) phát triển mô hình nuôi cá lồng, tạo điều kiện cho bà con vươn lên làm giàu ở địa phương.

img

img

Các hộ dân ở 3 xã: Phúc Sạn, Tân Dân, Tân Mai chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, chiên, lăng, chép, rô phi... để phát triển kinh tế

Trao đổi với PV Dân Việt, ông Hà Công Soan, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình cho biết: Để nghề nuôi cá lồng ở 3 xã Phúc Sạn, Tân Dân, Tân Mai ven lòng hồ sông Đà phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chúng tôi luôn tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, nghiêm cấm việc đánh bắt thuỷ sản bằng chất nổ, hoá chất và xung điện.

Huyện vận động nhân dân khai thác tốt diện tích mặt nước lòng hồ sông Đà, các hồ chứa, đẩy mạnh nuôi cá lồng, bè trên sông. Trong giai đoạn 2015 – 2016 huyện Mai Châu đã hỗ trợ 1 số hộ dân 25 triệu/lồng, để mua các vật liệu làm lồng nuôi cá; giai đoạn 2017 – 2018 hỗ trợ 12,5 triệu đồng cho các hộ nuôi cá.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực giám sát hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nuôi cá lồng, để tham mưu cho UBND huyện có những chính sách hiệu quả hỗ trợ kịp thời cho người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tìm đầu ra và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho bà con nhân dân, để người dân yên tâm với nghề nuôi cá vươn lên làm giàu chính đáng ở quê hương...", ông Hà Công Soạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem