Nao lòng nhớ chợ tết miền Tây, nhớ những ngày ăn tết trên chợ nổi

Dạ Ngân Thứ ba, ngày 21/01/2020 16:45 PM (GMT+7)
Nước rong sau rằm vẫn ăm ắp phập phồng. Nước trong vắt, gió lành lạnh đủ cho một chiếc khăn rằn ấm mang tai và một chiếc áo bà ba rộng khoác ngoài chiếc áo ôm sát bên trong. Nón lá quai màu, tua quai lất phất...
Bình luận 0

Những chiếc tam bản bắt đầu túa đi vào sáng sớm. Khi ấy chưa nhiều vỏ lãi gắn máy đuôi tôm. Ghe không mui, đi chợ đường ngắn hai chèo phía lái. Ghe lớn có mui bằng khung tre với lá dừa nước hình ống hai chèo hai người ở sạp trước và sạp sau nhịp nhàng, cật lực. Hãn hữu có tàu đóng mui vuông cho đường dài, họ đi máy lớn để chở hàng cho những nhà vựa ở Sài Gòn.

Khó liệt kê đủ mặt nông sản của miền châu thổ này. Mạn trên các thứ quý phái miệt vườn, cam bưởi, quýt xoài, sa-pô-chê, nhãn mận, chôm chôm, cóc ổi… Bến Tre nhập vào dòng chảy ở đây sẽ có những quày dừa xanh biếc rất Bến Tre. Chợ nổi ở trên sông Tiền nước chảy thao thiết. Mạn sông Hậu là khóm, dưa hấu, đu đủ, mãng cầu xiêm cùng các loại chuối: Chuối cao, chuối già, chuối xiêm...

Hồn quê là ở những thứ mà từ đất đai biến thành và được mang đi, cho những ngày trọng đại hơn hết và duy nhất: Tết!

Hồi ấy chưa có chuyện trái cây hái lúc xanh rồi ủ thuốc, không hề. Những thứ cần ủ chín như sa- pô-chê hay chuối hay mãng cầu thường được chất trong khạp đất nung và đặt mẻ than nhỏ vào giữa, lá chuối rải lên, hai ngày đêm thì trái “trở mình” (tức mềm tay). Chợ nổi tận Cái Răng của Cần Thơ, muốn đưa khóm đưa dưa hấu lên, thương hồ phải đi cả buổi đường trên kênh xáng Xà No. 

Chợ cho dân tại chỗ ở cụm xã, bến đất đầy lá chuối, lá cây và bã mía cho chân người đỡ dính. Chợ kề bên đường nhựa, người ta trải đệm, trải nylon và ngồi xổm hoặc ngồi bẹp trên đó, dưới nắng. Ngày thường chợ nhanh; ngày cận Tết, chợ dùng dằng, người bán có khi ở lại để xem chợ đêm của cánh thương hồ vốn lớn. Gà vịt nguyên bầy, trái cây đủ loại tú hụ, khóm dừa xoài bưởi và dưa hấu ngốt lên như núi. Còn để rậm rịch làm quen nhau cho năm tới, bên những chậu hoa bắt đầu được đưa ra từ sau ngày Ông Táo.  

Muốn có thịt heo, dân ấp phải “đụng” nhau năm ba nhà một con heo ai đó có sẵn. Nhà nào cũng đã có cục tiền bán nông sản, bây giờ mới là lúc náo hoạt nhất: đụng heo. Thường là vào sáng sớm ngày 27  hoặc 28 âm lịch. Để chi? Để có mỡ và nạc gói bánh tét và làm các món gọi là “nằm bàn”: Dưa thủ dưa tai, thịt kho rệu, thịt khìa, xương hầm…

Một số nhà có đàn ông giỏi giang đã đặt chà ven sông, giờ là lúc bao lưới dỡ chà thu hoặc cá tôm. Như mọi gia đình từ Bắc chí Nam, con người tất bật chỉ một mục đích duy nhất: Cúng bái và sum họp.

img

  Chợ tết họp trên sông nước miền Tây. Ảnh: T.L     

Tết Nam Bộ, hầu như nhà nào cũng có mai vàng, không phải mua. Nắng mật ong, cây mai trước cửa nên không cần đưa mai vào. Vẫn cứ màu vàng của nắng là bông vạn thọ, bông cúc, cứ ở nguyên trên sân kiểng. Nam Bộ không dùng chuối già cho ngày Tết bao giờ, có lẽ Nam Bộ nhiều trái quá. Tết trên bàn thờ Nam Bộ chi phối bởi màu vàng, bưởi ửng chín hươm vàng, cam quýt, chỉ đu đủ và dưa hấu là xanh lẫn với màu xám của sa-pô-chê. Hoa cho tổ tiên ông bà vì vậy người ta hay cân bằng bởi cúc đại đóa trắng.

Cũng như Tết Bắc, người trong Nam đặt bánh tét nguyên đòn lên, bánh tét thời Quang Trung thần tốc đại phá quân Thanh, cũng là món giao thoa từ người Khmer bản địa xa xưa. Bánh tét mau thiu trong khí hậu nóng ấm, vì vậy, mồng ba Tết là người ta cúng tiễn ông bà, bánh hạ xuống. Nhà nhà cúng gà luộc nguyên con và có tục xem chân gà để xem năm mới tiền bạc chụm về hay tản mát đi.  

Ngày nay, ở nông thôn châu thổ Cửu Long đường bê tông khép kín như miền Đông Nam Bộ, hay như miền Bắc, chợ quê cũng đã khác. Không còn cảnh ghe ra chợ như con thoi, bập bênh với nắng nôi và đêm tối. Chỉ còn những tam bản hoa vàng trên mặt sông, xen với hoa trên bộ chở bằng xe bán tải. Vẫn có cây trái trên ghe có mui cỡ nhỏ mà chủ hàng coi chiếc ghe là nhà, tết nhất cũng trên ghe.

Có lẽ chỉ còn tàu mui lớn thương hồ - bản thân nó đã là cái vựa, mải miết đi, lên Cái Răng, đi nữa lên Sài Gòn đưa dừa tươi, dưa hấu và khóm và mọi thứ trái cho Sài Gòn kịp tản ra trước ngày ba mươi Tết.

Không còn cảnh đụng heo, thịt heo bây giờ cũng phải có dấu tím của nhà quản lý mới an tâm dùng. Nhưng gà vịt vẫn cứ còn bán nguyên con để dân nuôi nhốt cho cả tuần sau đó, ấy là thói quen ăn tươi chứ không chịu ăn đồ đông lạnh của dân quê.

Cho dù như vậy, cho dù phương tiện đã khác đi, cho dù đường bộ xe máy và xe đạp, thậm chí xe cút kít đẩy đi nếu chợ gần, thì vẫn là thứ nông sản tươi ròng mới hạ xuống chiều qua hoặc sớm mai. Hồn quê là ở những thứ mà từ đất đai biến thành và được mang đi, cho những ngày trọng đại hơn hết và duy nhất: Tết!   

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem