“Nở rộ” liên kết sản xuất, thu nhập của nhà nông tăng cao

Hải Sâm Thứ sáu, ngày 20/04/2018 13:26 PM (GMT+7)
Huyện Phú Giáo (Bình Dương) đang nỗ lực phát triển các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp hiệu quả, trong đó có việc hỗ trợ, hướng dẫn nông dân thành lập các hợp tác xã nông nghiệp, nông thôn. Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh Bình Dương đã góp phần hỗ trợ nông dân liên kết sản xuất.
Bình luận 0

Nâng cao năng lực điều hành

Năm 2017, Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển kinh tế tập thể huyện Phú Giáo (gọi tắt là BCĐ) đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp tuyên truyền, vận động người dân tham gia hoạt động kinh tế tập thể, tổ hợp tác liên kết sản xuất, hợp tác xã (HTX)… Chủ trương của cấp ủy, chính sách của địa phương đã tạo thuận lợi để kinh tế tập thể phát triển, các HTX, tổ hợp tác phát triển theo hướng an toàn, gắn với áp dụng tiêu chuẩn VietGAP vào quá trình sản xuất, trồng trọt… Từ đó, thúc đẩy kinh tế tập thể của huyện ngày càng phát triển.

img

  Mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học của anh Đặng Hữu Đức - Tổ trưởng tổ hợp tác chăn nuôi lợn Phước Sang, xã viên HTX chăn nuôi và dịch vụ Phú Giáo - mang lại hiệu quả kinh tế ổn định.  Ảnh: Hải Sâm

Thời gian qua, các tổ liên kết và tổ hợp tác được hỗ trợ vốn vay từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để thực hiện các dự án có hiệu quả, đạt thu nhập khá, với thu nhập bình quân của các hộ trong tổ liên kết, tổ hợp tác đạt từ 15 đến 20 triệu đồng/tháng.

Để hoạt động kinh tế tập thể ngày càng hiệu quả, BCĐ tiếp tục nâng cao vai trò trách nhiệm và năng lực điều hành, quản lý. Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về kinh tế tập thể; các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, BCĐ huyện đã phối hợp cùng Liên minh HTX Bình Dương tiến hành kiểm tra hoạt động của BCĐ xã Tam Lập, Tân Long và Phước Sang, cùng HTX nông nghiệp Bông Trang (xã Phước Hòa), HTX nông nghiệp công nghệ cao Kim Long (xã An Bình).

Trong năm 2017, ngoài việc duy trì hoạt động của các tổ hợp tác, HTX đã thành lập, huyện Phú Giáo cũng đã thành lập mới 3 HTX gồm HTX vận tải Phú Giáo (thị trấn Phước Vĩnh); HTX chăn nuôi dịch vụ Phú Giáo (xã Vĩnh Hòa)  và HTX chăn nuôi - dịch vụ Tân Tiến (xã An Thái). Toàn huyện đến nay có 9 HTX, với 3.330 thành viên…

Hội hỗ trợ vay vốn Quỹ HTND

Trong 9 HTX đang hoạt động trên địa bàn huyện Phú Giáo có 2 HTX thuộc lĩnh vực trồng trọt; 2 HTX hoạt động chăn nuôi - dịch vụ; 1 HTX hoạt động trên lĩnh vực dịch vụ - thương mại; 1 HTX hoạt động trên lĩnh vực vận tải; 1 HTX trên lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp; 1 HTX nông nghiệp và dịch vụ và 1 Quỹ Tín dụng nhân dân. Theo báo cáo, hiện nay có 6/9 HTX đang hoạt động có doanh thu. Tổng doanh thu 6 HTX đang hoạt động đạt hơn 37 tỷ 310 triệu đồng; với mức thu nhập bình quân của các thành viên HTX đạt từ 4-10 triệu đồng/tháng; nộp ngân sách nhà nước hơn 415 triệu đồng, tổng lợi nhuận hơn 5.250 tỷ đồng.

Ngoài các HTX trên, hiện nay trên địa bàn huyện Phú Giáo còn có 29 tổ liên kết sản xuất với 272 tổ viên; 12 tổ hợp tác, với 97 tổ viên. Các tổ liên kết sản xuất và tổ hợp tác hoạt động chủ yếu trên các lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp, chăn nuôi và trồng trọt. Với việc được hỗ trợ về vốn, trong đó có nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân có thể khẳng định, mô hình tổ liên kết và tổ hợp tác đang phát huy được thế mạnh.

Ông Tô Văn Đạt - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Giáo, Phó trưởng BCĐ đổi mới và phát triển kinh tế huyện - cho biết: “Thời gian qua, kinh tế tập thể, cụ thể là các mô hình HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của huyện. Thông qua đó góp phần xây dựng và hình thành nhiều mô hình kinh tế mới, ứng dụng kỹ thuật công nghệ cao trong sản xuất; nâng cao thu nhập, đời sống của người dân…”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem