Nuôi "chúa tể bò sát", mỗi năm bán 30.000 trứng, hàng tấn thịt, cao

Đông Hoàng Thứ sáu, ngày 13/12/2019 06:20 AM (GMT+7)
Với sự hướng dẫn, hỗ trợ của Hội Nông dân (ND), bước đầu các hộ nuôi rắn hổ mang ở xã Động Đạt, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) đã sản xuất, kinh doanh hiệu quả trong “ngôi nhà chung” là Tổ hợp tác.
Bình luận 0

Để tìm hướng đi mới cho người nông dân, Hội ND xã Động Đạt xác định cần chuyển dần các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, các trang trại, gia trại thành các mô hình kinh tế tập thể như tổ hợp tác, hợp tác xã. Tuy nhiên, hiện nay, các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm cần nhiều diện tích mặt bằng, sử dụng nhiều lao động, giá trị kinh tế thấp hơn các mô hình chăn nuôi các loài vật nuôi khác.

img

     Anh Bạch Đình Thi ở xã Động Đạt (huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên) đang nuôi 700 con rắn hổ mang.  Đ.H.

Xuất phát từ thực tế trên, Hội ND xã Động Đạt đã định hướng cho một số hộ chăn nuôi chuyển từ chăn nuôi gia súc, gia cầm sang lĩnh vực chăn nuôi rắn hổ mang. Mô hình nuôi rắn hổ mang - loài động vật hoang dã đã thuần chủng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Do sự định hướng và hướng dẫn trực tiếp của cán bộ Hội ND và “Câu lạc bộ tư vấn kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và xây dựng mô hình kinh tế mới”, bước đầu mô hình chăn nuôi rắn hổ mang đã có bước tiến mới. Năm 2015 chỉ mới có 3 hộ chăn nuôi với số lượng đầu rắn là 650 con. Đến năm 2018 có 10 hộ chăn nuôi với số lượng 2.200 con. Hội ND xã hướng dẫn các hộ chăn nuôi thành lập tổ hợp tác chăn nuôi rắn vào tháng 4/2018.

Đến nay, tổ hợp tác có 16 thành viên, số lượng đầu rắn hổ mang nuôi lên đến 6.600 con. Tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho thành viên. Hoạt động của tổ hợp tác tập trung vào chia sẻ, phổ biến kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi rắn hổ mang, cùng nhau mua sắm trang thiết bị, vật tư, nguyên liệu thức ăn và cùng nhau chia sẻ mối bán hàng. Hoạt động của tổ hợp tác giúp giảm chi phí chăn nuôi và tăng thu nhập cho các hộ thành viên.

Từ khi có tổ hợp tác, các hộ chăn nuôi thành viên đều có thu nhập ổn định, mức thu nhập bình quân đạt 7 - 10 triệu đồng/người/tháng. Mô hình nuôi rắn hổ mang phù hợp với điều kiện các hộ gia đình có diện tích canh tác nhỏ, chỉ cần 100m2 là có thể xây dựng chuồng trại và đầu tư chăn nuôi.

Hiện nay, các sản phẩm từ chăn nuôi rắn hổ mang của tổ hợp tác đang cung cấp ra thị trường như rắn hổ mang thương phẩm, rắn hổ mang giống, rắn hổ mang sinh sản, trứng rắn hổ mang, cao rắn, mật rắn…

Tổ hợp tác cung cấp ra thị trường với sản lượng hàng năm 2,5 tấn rắn hổ mang thịt; 1,5 tấn rắn hổ mang giống; 30.000 quả trứng rắn hổ mang và khoảng 2.000 sản phẩm các loại khác như cao, mật… Tổ hợp tác đang tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động địa phương.

Hiện nay, tổ hợp tác chăn nuôi rắn hổ mang xã Động Đạt đã đủ điều kiện thành lập hợp tác xã. Tổ hợp tác cũng đang đề nghị Hội ND các cấp giúp đỡ, hướng dẫn, hỗ trợ việc xúc tiến thành lập hợp tác xã.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem