Nuôi loài gà đặc sản đen nhẻm, ông Tuyên có trăm triệu

Tuệ Linh Thứ sáu, ngày 18/01/2019 19:05 PM (GMT+7)
Người xưa có câu: “Một nghề thì sống, đống nghề thì chết”, nhưng với lão nông Nguyễn Đức Tuyên, sinh năm 1956, tiểu khu 9 (thị trấn Thuận Châu, tỉnh Sơn La) thì khác. Với trang trại nuôi loài gà đen nhẻm, gà mía kết hợp trồng rau, mận tam hoa, mỗi năm ông Tuyên thu hơn 100 triệu đồng.
Bình luận 0

Được sự giới thiệu của chị Cầm Thị Ngọc – khuyến nông viên thị trấn Thuận Châu, chúng tôi tìm đến nhà của ông Nguyễn Đức Tuyên, tiểu khu 9, thị trấn Thuận Châu để tìm hiểu mô hình kinh tế tổng hợp. Mặc dù tuổi đã cao nhưng cái tính chăm chỉ vốn có của người nông dân, ông Tuyên không chịu ở yên một chỗ, từ việc dọn vệ sinh cho gà, tưới rau, làm cỏ đều được ông quán xuyến.

img

Từ nuôi gà đen, gia đình ông Tuyên đã có của ăn, của để

Trao đổi với chúng tôi, ông Tuyên kể: Tớ quê ở xã Ngọc Thanh (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên) và đã lên mảnh đất Thuận Châu sinh sống được hơn 20 năm. Cách đây gần chục năm, nhận thấy giống gà đen nhẻm của đồng bào Mông ở vùng cao có giá trị kinh tế cao, dùng làm thuốc tốt nên tôi đã mua 10 đôi thuần chủng về nhân giống.

Ban đầu, do chưa nắm được đặc tính của gà đen nên giống gà được ông Tuyên mua về cứ chết dần, chết mòn. Thấy vậy, ông Tuyên gọi cán bộ khuyến nông lên hướng dẫn cách phòng bệnh cho gà. Năm này qua năm khác, ông Tuyên lại rút ra được kinh nghiệm cho mình.

img

Đàn gà nhà ông Tuyên con nào con nấy cũng béo tốt khỏe mạnh

“Sau khi bắt được bệnh cho chúng, từ đó đến nay con nào con nấy đều khỏe mạnh. Bây giờ đang sửa chuồng trại nên tớ xuất bán đi 100 con già rồi, hiện chuồng chỉ còn khoảng 200 con. Các bạn không đến sớm, mấy năm trước tôi nuôi đến 500 con, cả ngày chỉ làm bạn với gà thôi. Khi sửa xong chuồng trại và nhà cửa, tôi sẽ nhân rộng thêm 200 con gà đen nữa” – vừa cho gà ăn, ông Tuyên vừa bộc bạch.

img

Để đàn gà phát triển tốt, máng ăn được ông Tuyên lắp đặt cao tránh bị dính phân.

Ông Tuyên cho biết, đàn gà của gia đình nuôi khai thác trứng là chủ yếu. Một ngày thu được gần 100 quả trứng. Gà của ông Tuyên chỉ cho ăn ngô và thóc nên cho chất lượng thịt và trứng rất ngon. Với giá bán 5 nghìn đồng/trứng, phù hợp với túi tiền của khách hàng nên lúc nào trứng cũng trong tình trạng hết hàng, khách hàng muốn mua phải đặt trước một tuần thì may ra mới có. Tiếng lành đồn xa, gia đình ông Tuyên trở thành địa chỉ đỏ cho mọi người tìm đến.

img

Trứng gà đen của gia đình ông Tuyên luôn trong tình trạng cháy hàng, khách hàng nào muốn mua phải đặt trước cả tuần.

Tháng trước, ông Tuyên vừa xuất bán cho các nhà hàng ở thành phố Sơn La hơn 50 con gà thịt. Với giá bán 130 nghìn đồng/kg, ông Tuyên thu gần 10 triệu đồng.

“Muốn gà sinh trưởng và phát triển tốt phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và tiêm phòng định kỳ đầy đủ cho chúng. Cần nhớ các khoảng thời gian sau: Từ lúc mới nở đến 20 ngày tuổi, 2 tháng tuổi, 6 tháng tuổi mà tiêm từng loại thuốc cho phù hợp với lứa tuổi” – ông Tuyên tiết lộ.

img

Để tăng thu nhập, ngoài nuôi gà đen, ông Tuyên còn nuôi hơn 100 con gà mía.

Ngoài nuôi gà đen, ông Tuyên còn nuôi 150 con gà mía. Từ nguồn phân nuôi gà, ông Tuyên trồng 100 m2 rau và 40 gốc mận tam hoa. Mỗi năm, tổng nguồn thu từ trang trại tổng hợp, ông bỏ túi 100 triệu đồng tiền lãi.

img

Tận dụng nguồn phân có sẵn từ gà, ông Tuyên trồng thêm 100m2 rau.

Trao đổi với Dân Việt, chị Cầm Thị Ngọc – khuyến nông viên thị trấn Thuận Châu, cho biết: So với các loại gà khác, gà đen đem lại hiệu quả kinh tế cao và được người tiêu dùng ưa chuộng. Hiện, thị trấn có trên 1.000 con gà đen, trong đó gia đình ông Tuyên là một trong những hộ nuôi nhiều nhất. Nhờ nuôi gà đen, nhiều hộ dân ở đây đã có thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm, góp phần cho người dân giảm nghèo, làm giàu hiệu quả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem