Thu lợi kép từ nuôi tôm an toàn

Thu Hà Thứ bảy, ngày 16/11/2019 14:06 PM (GMT+7)
12 hộ dân ở xã Đông Hoàng (huyện Tiền Hải, Thái Bình) vừa được Văn phòng phát triển bền vững - Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) và Hội ND tỉnh Thái Bình hỗ trợ từ A – Z thực hiện mô hình nuôi tôm an toàn sinh học. Tham gia mô hình này, nhiều nông dân nuôi tôm nơi đây đã có thu nhập cao.
Bình luận 0

Nông dân phấn khởi

Tháng 7/2019, Trung ương Hội NDVN đã có quyết định phê duyệt dự án xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi tôm thẻ chân trắng tại xã Đông Hoàng, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Theo đó, 12 hộ nông dân nuôi tôm được hỗ trợ toàn bộ con giống, thức ăn và chế phẩm vi sinh để tham gia mô hình nuôi tôm an toàn sinh học với diện tích 1,5ha.

img

Lãnh đạo Hội ND tỉnh Thái Bình kiểm tra mô hình nuôi tôm ứng dụng chế phẩm vi sinh tại hộ ông Tạ Văn Tháp.  Ảnh: T.H

"Từ thành công của dự án, Hội ND xã Đông Hoàng mong muốn Trung ương Hội NDVN, Hội ND tỉnh Thái Bình tiếp tục hỗ trợ người nuôi tôm xã Đông Hoàng xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi tôm ứng dụng chế phẩm sinh vật”.

Ông Hồ Ngọc Hóa -
Chủ tịch Hội ND xã Đông Hoàng

Bà Bùi Thị Nga –Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Thái Bình cho biết: Sau khi được Văn phòng phát triển bền vững - Trung ương Hội NDVN phân bổ kinh phí thực hiện dự án, Thường trực Hội ND tỉnh Thái Bình đã họp cùng Trung tâm Hỗ trợ nông dân để thành lập Ban quản lý dự án.

Đồng thời, Tỉnh hội có văn bản yêu cầu Hội ND huyện Tiền Hải, Hội ND xã Đông Hoàng nhanh chóng vào cuộc, tổ chức các hoạt động tuyên truyền hoặc lồng ghép nội dung dự án vào sinh hoạt chi, tổ hội, câu lạc bộ, mô hình… để phổ biến đến cán bộ, hội viên, nông dân, nhất là 12 hộ tham gia mô hình.

Nhờ công tác tuyên truyền phổ biến được triển khai tốt, nên ngay từ những bước đầu thực hiện dự án, Hội đã gặp rất nhiều thuận lợi. Được hỗ trợ con giống, thức ăn, chế phẩm vi sinh, các hộ nuôi tôm xã Đông Hoàng hào hứng phấn khởi tham gia.

Đặc biệt trước khi đưa con giống về cấp cho nông dân, Hội ND tỉnh đã tiến hành khảo sát, chọn lựa kỹ càng những hộ đáp ứng được yêu cầu về địa điểm, diện tích ao nuôi để tham gia mô hình. Người nuôi tôm trong quá trình chăm sóc có trách nhiệm báo cáo kịp thời với cán bộ kỹ thuật khi có diễn biến bất thường, nhằm hạn chế thấp nhất sự cố xảy ra trong quá trình nuôi.

Để dự án đạt hiệu quả cao, cán bộ các cấp Hội thường xuyên bám, kiểm tra việc triển khai, thực hiện; tư vấn hỗ trợ các hộ nông dân xây dựng mô hình nuôi tôm sinh học.

Bên cạnh đó, để nâng cao kiến thức cho người nuôi tôm, trong quá trình triển khai dự án, Hội ND tỉnh phối hợp Văn phòng phát triển bền vững - Trung ương Hội NDVN tổ chức hội nghị tập huấn nuôi tôm an toàn sinh học cho 100 hội viên nông dân xã Đông Hoàng.

Tại hội nghị, hơn 100 hội viên nông dân đã được cán bộ Chi cục Thủy sản, Sở NNPTNT phổ biến kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng; phương pháp cải tạo đất, nước trong khu vực ao nuôi; cách chọn tôm giống, chăm sóc và quản lý; những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng; cách điều chỉnh lượng thức ăn; cách phòng và trị bệnh trên tôm thẻ chân trắng.

“Đây là hoạt động của dự án xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm vi sinh vật trong nuôi tôm thẻ chân trắng do Trung ương Hội NDVN hỗ trợ nhằm giúp hội viên nông dân phát triển kinh tế, sản xuất ra những sản phẩm sạch, có sức cạnh tranh cao”- bà Nga cho hay.

Tôm lớn nhanh, năng suất cao

Là 1 trong 12 hộ được Hội ND tỉnh chọn thí điểm triển khai mô hình nuôi tôm an toàn sinh học, ông Tạ Văn Tháp (ở thôn Hải Long, xã Đông Hoàng) phấn khởi nói: “Sử dụng chế phẩm vi sinh vật hay các vi khuẩn có lợi là giải pháp tốt hơn nhiều so với sử dụng thuốc kháng sinh, giúp tôm không bị sốc do các tác động từ môi trường, đồng thời ức chế các vi sinh vật gây bệnh phát triển, nhờ vậy môi trường ao nuôi luôn ổn định giúp tôm sinh trưởng, phát triển khá nhanh”.

Ông Tháp chia sẻ, để áp dụng quy trình nuôi tôm bằng chế phẩm vi sinh vật, trung bình 1ha ông chia làm 5 ao nuôi, 2 ao xử lý nước và 2 ao ương giống. Theo ông Tháp, việc xử lý môi trường nước rất quan trọng. Chính vì vậy, trước khi thả giống tôm xuống ao nuôi, ông Tháp sử dụng chế phẩm sinh học, sản phẩm vi sinh xử lý môi trường nước để ổn định một số vi khuẩn có lợi nhằm duy trì chất lượng nước trong suốt vụ nuôi và phòng trừ dịch bệnh.

Bên cạnh đó, ông Tháp cũng dùng các chế phẩm vi sinh trộn vào thức ăn để ổn định hệ vi sinh vật trong đường ruột của tôm, giúp tôm tăng khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn cũng như nâng cao hiệu suất sử dụng thức ăn và phòng trị các bệnh về đường ruột ở tôm.

“Sử dụng chế phẩm vi sinh giúp tôm tăng sức đề kháng, tỷ lệ tôm sống trên 90%, tôm nhanh lớn, cho năng suất cao. Sau 90 – 100 ngày tôm bắt đầu cho thu hoạch, rút ngắn thời gian thu hoạch so với trước kia từ 20 – 30 ngày. Sau khi trừ chi phí đầu tư, vụ tôm vừa rồi gia đình còn lãi trên 200 triệu đồng. Trước đây, gia đình phải đầu tư thức ăn, thuốc, chất bổ dưỡng gấp 1,5 lần kinh phí so với dùng sản phẩm vi sinh, chưa kể khi tôm mắc bệnh chi phí còn cao hơn nhiều” - ông Tháp thông tin.

Trao đổi với phóng viên, ông Hồ Ngọc Hóa – Chủ tịch Hội ND xã Đông Hoàng cho biết: Xã Đông Hoàng có trên 60ha diện tích nuôi nuôi tôm. Hiện nay việc ứng dụng các sản phẩm vi sinh trong nuôi tôm đang được coi là một giải pháp hỗ trợ hiệu quả cho người nuôi tôm. Thực tế triển khai dự án tại địa phương cho thấy, nuôi tôm bằng chế phẩm vi sinh đạt hiệu quả tốt, giúp người nuôi tôm giảm chi phí đầu tư, giải quyết những vấn đề ô nhiễm môi trường, tạo ra sản phẩm tôm sạch, không kháng sinh để nâng cao sức cạnh tranh cho tôm thương phẩm trên thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem