Kiểm toán Nhà nước nhập cuộc: Lộ diện các ngân hàng có "vấn đề" về sở hữu, nợ tồn đọng của Việt Á

Huyền Anh Thứ tư, ngày 22/05/2024 10:11 AM (GMT+7)
Kết quả kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng cho thấy, đến 31/12/2022 vẫn còn một số ngân hàng có "vấn đề" về tỷ lệ sở hữu cổ phần của tổ chức, cổ đông và người có liên quan.
Bình luận 0

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước: Điểm danh các ngân hàng còn vấn đề về tỷ lệ sở hữu

Theo báo cáo kết quả của Kiểm toán Nhà nước, việc xử lý giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt quy định của Luật các tổ chức tín dụng (TCTD) còn chậm, kéo dài nhiều năm.

Đến 31/12/2022, còn một số ngân hàng thương mại có cổ đông là tổ chức sở hữu cổ phần chiếm trên 15% vốn điều lệ. Các ngân hàng thuộc nhóm này gồm: Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương, Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (nay là Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển), Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam.

Một số ngân hàng có cổ đông và người có liên quan của cổ đông sở hữu cổ phần chiếm trên 20% vốn điều lệ như Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương; Ngân hàng TMCP Đông Á là những ngân hàng có cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông sở hữu cổ phần trên 5% vốn điều lệ của TCTD khác.

Kiểm toán tổ chức tài chính ngân hàng: Lộ diện các ngân hàng có

Kiểm toán Nhà nước công bố kết quả kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng.

Cũng theo kết quả kiểm toán các tổ chức tài chính ngân hàng, năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác đảm bảo kiểm soát lạm phát ở mức 3,15% , ổn định tỷ giá, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế đạt mức 8,02%.

Các ngân hàng được kiểm toán cơ bản đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra rằng, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán một số thời điểm còn thấp trong tương quan với tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm trong năm còn căng thẳng.

Một số tổ chức tín dụng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc hoặc NHNN phải cho vay hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt với số tiền lớn, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn toàn hệ thống có xu hướng tăng.

Các ngân hàng vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc gồm: Ngân hàng TNHH MTV Public Việt Nam (tháng 7/2022); tháng 10/2022 (Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam, Ngân hàng BPCEIOM chi nhánh Hồ Chí Minh); tháng 12/2022 (Ngân hàng Deutsche Bank AG chi nhánh Hồ Chí Minh).

Kiểm toán tổ chức tài chính ngân hàng: Lộ diện các ngân hàng có

Một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Bên cạnh đó, năm 2022, tăng trưởng tín dụng toàn ngành chỉ đạt 14,18%; cơ cấu tín dụng chưa đúng định hướng ưu tiên. Trong đó, dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản cuối năm 2022 là 2.581 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với cuối năm 2021 và gấp 1,7 lần tỷ lệ tăng trưởng chung toàn ngành. Tỷ trọng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp/tổng dư nợ của một số ngân hàng cao, điển hình như: Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam 14,08%; Ngân hàng TMCP Quân đội 7,66%.

Ngoài nhóm NHTM mua bắt buộc và bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, theo kiểm toán còn một số NHTM có tỷ lệ nợ xấu nội bảng tại 31/12/2022 cao vượt ngưỡng 3% như Ngân hàng TNHH Indovina 7,23%.

NHNN chưa xây dựng lộ trình cụ thể cho việc hạn chế và tiến tới xóa bỏ điều hành phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng TCTD theo yêu cầu tại Nghị quyết số 62/2022/QH15 của Quốc hội.

VietinBank và BIDV còn nhiều đất chưa sử dụng, khoản nợ đọng liên quan đến kit test của Việt Á

Về hoạt động kinh doanh, Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp.

Đơn cử như tại BIDV, 1/7 công ty con hoạt động kinh doanh thua lỗ và bị thu hồi giấy phép hoạt động (Công ty CP Chứng khoán MHB); 3/8 khoản đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc không có lợi nhuận (Công ty CP Chế tạo Dàn khoan Dầu khí; Công ty CP Bất động sản An Giang; Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Yên Bái).

Tại Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank), 2 khoản đầu tư vào Công ty CP Cảng Hải Phòng và Công ty CP Cảng Sài Gòn chưa thoái vốn theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước do diễn biến giá giao dịch trên thị trường chưa đạt được mức giá tối thiểu chào bán được phê duyệt; Công ty CP Chứng khoán VietinBank đầu tư 62 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp của Công ty CP Lavida Invest nhưng chưa được doanh nghiệp thanh toán khi đến hạn.

Cũng tại VietinBank, còn nợ tồn đọng chưa được xử lý dứt điểm. Đó là khoản tạm ứng 6,99 tỷ đồng mua sinh phẩm kit test của Công ty CP Công nghệ Việt Á để tài trợ bằng hiện vật cho Bộ Y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 phát sinh năm 2020.

Theo báo cáo kiểm toán, một số tổ chức tín dụng hạch toán doanh thu thu nhập, chi phí chưa đúng quy định; chưa kê khai, nộp đầy đủ nghĩa vụ thuế GTGT đối với thu nhập từ hoạt động cung ứng dịch vụ thư tín dụng; còn diện tích đất chưa được sử dụng vào hoạt động kinh doanh. Trong đó, BIDV có 31 thửa đất với diện tích 21.075,8 m2 và VietinBank có 14 thửa đất tổng diện tích 12.501,95 m2.

Một số ngân hàng phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng chưa chính xác, còn sai sót về trình tự, thủ tục cho vay.

Tại Ngân hàng Chính sách xã hội, theo kết quả kiểm toán, còn các trường hợp cho vay giải quyết việc làm không đúng đối tượng; cho vay vượt hạn mức; hỗ trợ lãi suất chưa đúng quy định. Bên cạnh đó, một số chi nhánh có tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh cao, kéo dài nhiều năm nhưng chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem