Kiến nghị bãi bỏ quỹ Bảo trì đường bộ, Thứ trưởng Bộ GTVT nói gì?

Thế Anh Thứ năm, ngày 15/08/2019 12:21 PM (GMT+7)
Trước kiến nghị bãi bỏ Quỹ bảo trì đường bộ, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết Bộ GTVT đang nghiên cứu, xem xét để báo cáo Thủ tướng Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp, đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Bình luận 0

Tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018". Đồng thời, kiến nghị bãi bỏ Quỹ bảo trì đường bộ, toàn bộ nội dung chi về bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán ngân sách cấp hằng năm.

Liên quan tới việc bãi bỏ quỹ bảo trì đường bộ, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đang nghiên cứu, xem xét để báo cáo Thủ tướng Chính phủ có những điều chỉnh phù hợp, đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, nghiên cứu để báo cáo Thủ tướng Chính phủ hướng sửa đổi Nghị định 18 bảo đảm phù hợp.

Sau khi nhận thấy, vai trò của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương có hạn chế, không đảm bảo hiệu quả như trước đây nên đã đề nghị Thủ tướng giải thể Hội đồng này. Tháng 9/2018, trên cơ sở đề nghị của Bộ GTVT và ý kiến của các Bộ Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thủ tướng đã đồng ý về nguyên tắc việc giải thể Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ Trung ương.

img

Bộ GTVT điều chỉnh các quy định về quỹ Bảo trì đường bộ để báo cáo Thủ tướng.

Cụ thể, quỹ Bảo trì đường bộ được thành lập năm 2013, để quỹ bảo trì đường bộ được hoạt động ổn định, cơ cấu bộ máy của quỹ có Hội đồng quản lý quỹ, tham mưu cho Hội đồng quản lý quỹ là Văn phòng quỹ.

Năm 2017, thực hiện theo quy định của pháp luật về Luật phí, lệ phí và Luật Ngân sách Nhà nước, nguồn thu của Quỹ Bảo trì đường bộ từ phí sử dụng đường bộ nộp toàn bộ vào Ngân sách Nhà nước.

Toàn bộ nhu cầu chi cho quỹ Bảo trì đường bộ đều do Ngân sách Nhà nước cấp. Việc phân chia phần 35% phí thu được do Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp cho các địa phương.

Tại phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, việc thành lập và hoạt động của các quỹ đã cơ bản đáp ứng được các yêu cầu đề ra, góp phần thúc đẩy xã hội hóa, huy động thêm nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hệ thống pháp luật và công tác quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Hệ thống pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách khá phức tạp, tản mạn, thiếu rõ ràng và chưa có một văn bản pháp luật để thống nhất quản lý các Quỹ.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ tài chính ngoài ngân sách còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao. Báo cáo giám sát kiến nghị bãi bỏ Quỹ bảo trì đường bộ, toàn bộ nội dung chi về bảo trì đường bộ được thực hiện thông qua dự toán ngân sách cấp hằng năm.

Quỹ Phòng chống thiên tai cũng được Đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ Quỹ và bỏ quy định về cơ chế thu đối với khoản thu này. Việc chi thực hiện phòng chống thiên tai được cấp từ ngân sách nhà nước, thông qua dự phòng ngân sách hằng năm của ngân sách trung ương và địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem