HoREA: 4 lý do khiến việc khống chế "trần" tổng chi phí lãi vay trở nên bất cập

Quốc Hải Thứ sáu, ngày 10/11/2023 10:51 AM (GMT+7)
HoREA kiến nghị khẩn trương sửa đổi khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP theo hướng không quy định “trần” tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết và gia hạn áp dụng Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng đến ngày 31/12/2024.
Bình luận 0

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) vừa gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính, đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xem xét trình Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 về "quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết".

Kiến nghị không quy định “trần” tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của DN - Ảnh 1.

HoREA kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài Chính không quy định “trần” tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của DN. Ảnh: Quốc Hải

4 lý do khiến việc khống chế "trần" tổng chi phí lãi vay trở nên bất cập

Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP đã tháo gỡ một phần các vướng mắc, bất cập của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP về việc xác định "trần" tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc quy định khống chế "trần" tổng chi phí lãi vay "không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ" của "doanh nghiệp trong nước có giao dịch liên kết" là không hợp tình, hợp lý và đã làm cho "bức tranh" hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp không được phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời.

"Quy định này thậm chí có thể làm thiệt hại lợi ích hợp pháp, chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, trung thực, tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật", ông Châu nhận định.

Cụ thể, Chủ tịch HoREA dẫn ra 4 lý do khiến việc khống chế "trần" tổng chi phí lãi vay trở nên bất cập.

Thứ nhất, "chi phí lãi vay" phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là "chi phí hợp pháp" được quy định tại khoản 2 Điều 5 Luật Đầu tư 2020, hoặc khoản 1 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng 2010, hoặc điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.

Thứ hai, "chi phí lãi vay" là "chi phí hợp pháp" thì cần phải được Nhà nước công nhận và cần phải được tính vào tổng chi phí hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm tài chính (trong kỳ) của doanh nghiệp. Việc này mới phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời "bức tranh" hoạt động của doanh nghiệp, mà đa số doanh nghiệp trong nước, bao gồm doanh nghiệp trong nước có hoạt động liên kết là những doanh nghiệp tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật.

Thứ ba, cũng có một thiểu số doanh nghiệp trong nước, bao gồm doanh nghiệp trong nước có hoạt động liên kết có thể có "hoạt động chuyển giá", kê khống giá làm tăng chi phí "ảo" để trốn lậu thuế và nhất là đối với một số tập đoàn đa quốc gia có hoạt động liên kết có thể đã có hiện tượng "hoạt động chuyển giá" cần được quan tâm kiểm soát.

"Việc chậm đề xuất sửa đổi Nghị định 132/2020/NĐ-CP, nhất là việc chậm đề xuất sửa đổi quy định khống chế "trần" tổng chi phí lãi vay "không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ" của "doanh nghiệp có giao dịch liên kết" tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP sẽ càng làm cho các doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng làm ăn chân chính và tuân thủ pháp luật tiếp tục bị thiệt hại, bị thiệt thòi...", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhận xét.

Cuối cùng, với quy định "phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ" thì lại có thể làm "thiệt thòi" cho các doanh nghiệp trong 5 năm tiếp theo "lỡ bị" kinh doanh hòa vốn hoặc bị thua lỗ.

"Kể cả trường hợp có lãi nhưng DN "chẳng may" lại rơi vào "trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo" không "thấp hơn mức quy định" thì coi như toàn bộ "phần chi phí lãi vay không được trừ được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo" bị mất trắng", ông Châu dẫn chứng.

Kiến nghị không quy định “trần” tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế của DN - Ảnh 3.

HoREA cũng đề nghị Chính phủ gia hạn hiệu lực Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng. Ảnh: Quốc Hải

Vì vậy, HoREA cho rằng không nên và không cần thiết khống chế "trần" tổng chi phí lãi vay "không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ" của "doanh nghiệp có giao dịch liên kết" để phản ánh trung thực, đầy đủ, kịp thời "bức tranh" hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đồng thời, HoREA đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm minh "doanh nghiệp có giao dịch liên kết" có hành vi "chuyển giá", kê khống chi phí để trốn lậu thuế.

"Trong giai đoạn hiện nay thì chỉ nên áp dụng khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020/NĐ-CP đối với doanh nghiệp nước ngoài có giao dịch liên kết và chưa áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu", Chủ tịch HoREA đề xuất.

Đề nghị gia hạn hiệu lực Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng

Ngoài kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số quy định của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020, HoREA cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Tài Chính gia hạn hiệu lực Điều 3 Nghị định 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành tính cho đến nay mới chỉ thực hiện được 08 tháng (từ tháng 03-11/2023), nhưng đã đạt được một số kết quả rất thiết thực, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã phát huy tác dụng, tháo gỡ phần nào khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và chắc chắn sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong quý IV/2023 là giai đoạn cao điểm đáo hạn trái phiếu của cả năm 2023 với tổng giá trị lên đến 65.500 tỷ đồng (không tính các lô trái phiếu đã giãn, hoãn), trong đó có gần 80% là trái phiếu doanh nghiệp bất động sản.

Sang năm 2024, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ lên đến 329.500 tỷ đồng cao nhất trong 3 năm gần đây, nên rất cần thiết tiếp tục thực hiện đầy đủ các quy định của Nghị định 08/2023/NĐ-CP trong năm 2024.

"Vì vậy, HoREA đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận cho gia hạn việc áp dụng Điều 3 Nghị định số 08/2023/NĐ-CP thêm 12 tháng, đến hết ngày 31/12/2024", ông Châu kiến nghị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem