Kiến nghị tháo gỡ nút thắt cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn - nhìn từ thực tế hoạt động của Agribank

Hoàng Anh - Agribank TSC Thứ ba, ngày 08/11/2016 15:00 PM (GMT+7)
Nông nghiệp được xem là thế mạnh của đất nước, thời gian qua, diện mạo nông thôn mới đang thay đổi từng ngày. Nhờ có nguồn vốn vay của ngân hàng, người nông dân mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ nông nghiệp, cây, con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, mở rộng quy mô sản xuất. Phần lớn nông dân vay vốn đã phát huy hiệu quả trong đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh, tỷ lệ nợ quá hạn, nợ xấu thấp.
Bình luận 0

Tuy vậy, tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay vẫn là vấn đề còn một số vướng mắc. Nhiều nông dân vẫn chưa tiếp cận được tín dụng, nguyên nhân chính được cho là do thủ tục rườm rà, các ngân hàng khi cho vay đòi hỏi phải có tài sản đảm bảo thế chấp. Các ngân hàng thì cho rằng cho vay lĩnh vực nông nghiệp rủi ro cao nên người dân phải có phương án kinh doanh, mở rộng sản xuất kinh doanh khả thi. Ngoài ra, ngân hàng lo ngại tình trạng người dân vay vốn đề đầu tư thiết bị, nhưng lại để mua xe máy hoặc thiết bị gia dụng khác. Thực tế này đòi hỏi một cơ chế, chính sách đẩy mạnh hơn nữa thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

img

Lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa hấp dẫn các doanh nghiệp và nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài.

Còn nhiều rào cản

Lãnh đạo Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam cho biết: Sau thời gian dài được đầu tư phát triển, đến nay chỉ có hơn 60% nguồn lực xã hội dành cho nông nghiệp. Đặc biệt, hiện chỉ khoảng 1% doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, hơn 80% nông dân có diện tích đất dưới 1ha và số doanh nghiệp vốn hóa trên thị trường chứng khoán mới chiếm hơn 3%... Những con số trên cho thấy lĩnh vực nông nghiệp vẫn chưa hấp dẫn các doanh nghiệp và nguồn vốn của các nhà đầu tư nước ngoài. Có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là các chính sách để phục vụ cho việc phát triển sản xuất lớn bao gồm đất đai, vốn... vẫn chưa được tháo gỡ. Trong khi đó, quản lý nhà nước về thị trường, dịch bệnh... chưa hoàn chỉnh và lắm rủi ro.

Một chuyên gia trong ngành nông nghiệp nhận định: Trước nhu cầu cấp bách phải đổi mới để thích nghi với các điều kiện ngày càng khắt khe trong hội nhập, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước đã bộc lộ những nhược điểm mà không dễ khắc phục nếu như không có sự đồng hành, hỗ trợ của Nhà nước. Hầu hết các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp đều gặp những khó khăn về vốn và đều mong mỏi ngân hàng cần thay đổi hình thức cho vay giúp doanh nghiệp giảm bớt căng thẳng về chuyện tài sản thế chấp. Với những dự án có hiệu quả, thay vì phải thế chấp thì nên cho vay theo hình thức tín chấp trên cơ sở thẩm định dự án. 

img

Với những dự án có hiệu quả, thay vì phải thế chấp thì nên cho vay theo hình thức tín chấp trên cơ sở thẩm định dự án.

"Mong các ngân hàng tạo điều kiện để giúp đỡ cho doanh nghiệp như chúng tôi có thể tiếp cận được nguồn vốn phù hợp. Thế chấp phải có bìa đỏ mà giá trị đất rất rẻ. Còn nhà xưởng, máy móc vài tỷ nhưng chính sách không có cho thế chấp nhà xưởng, máy móc nên rất mong có các giải pháp tiếp cận nguồn vốn dễ hơn" - ông Phạm Đình Thắng - nông dân xuất sắc huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) cho biết. 

Bà Trịnh Thị Mý - nông dân xuất sắc huyện Quế Võ (Bắc Ninh) đề nghị: Chúng tôi tiếp cận nguồn vốn của Agribank cách đây gần 10 năm. Trước đây chỉ vay được 50 triệu, tháng 9 vừa qua mới đầu tư lớn 20 tỷ, tổng diện tích 7 ha và hiện là vay dư nợ 2,5 tỷ đồng. Đề nghị cho thế chấp bằng trang trại để vay vốn mở rộng quy mô chăn nuôi khép kín, mở rộng 600 lợn nái và 10.000 lợn thương phẩm. 

Tháo gỡ từng bước

Thời gian qua, ngành ngân hàng cũng đã có những bước cải thiện đáng kể trong các thủ tục tiếp cận nguồn vốn và đã triển khai nhiều biện pháp để tháo gỡ khó khăn về tín dụng và lãi suất cho doanh nghiệp. Hiện nông nghiệp là một trong những lĩnh vực được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1-2%/năm đối với mức lãi suất của lĩnh vực sản xuất thông thường. Những quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để cấp tín dụng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã dần tháo gỡ, giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong tiếp cận được với ngân hàng. Các trường hợp khó vay được vốn hầu hết thuộc những doanh nghiệp không có sản phẩm giá trị, tình hình tài chính yếu kém, không thuyết trình được dòng tiền để đảm bảo khả năng trả nợ... 

img

Nông nghiệp được ngân hàng cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 1-2%/năm đối với mức lãi suất của lĩnh vực sản xuất thông thường.

Ngay mới đây, từ ngày 1.11, Agribank đã chính thức thực hiện chương trình tín dụng phục vụ "Nông nghiệp sạch" với quy mô không hạn chế về nguồn vốn, dành tối thiểu 50.000 tỷ đồng để triển khai. Theo đó, các đối tượng khách hàng vay vốn là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, chủ trang trại tham gia các khâu trong chuỗi sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn, quy mô lớn được Agribank thực hiện ưu đãi cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5 - 1,5% so với lãi suất ưu đãi cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành của Agribank. Đồng thời, Agribank ưu tiên xem xét cấp tín dụng không có tài sản bảo đảm hoặc có đảm bảo một phần bằng tài sản đối với các khách hàng. Đây được xem là một động thái kịp thời trong việc tháo gỡ phần nào vướng mắc tín dụng cho đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

TS Phùng Giang Hải - Trưởng bộ môn Nghiên cứu Thể chế nông thôn (Viện Chính sách Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn) đề xuất: trong chính sách cho vay nông nghiệp nông thôn cần làm rõ vai trò trung tâm của doanh nghiệp, đảm bảo tính hiệu quả chính sách cho vay cũng như là hình thức cho vay. Cải cách các thủ tục tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là các thủ tục về thế chấp tài sản đảm bảo, khơi thông nguồn vốn tín dụng nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện để doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận các chương trình tín dụng, các chính sách ưu đãi.

Về đối tượng tham gia chương trình cho vay ưu đãi cần được điều chỉnh theo hướng bỏ trống phạm vi áp dụng để nâng cao khả năng tiếp cận các dòng vốn tín dụng của doanh nghiệp cũng như hỗ trợ phát triển. Nâng cao các định mức các chương trình trọng điểm về hạn mức cũng như lãi suất cho phù hợp. Hoàn thiện các chính sách cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, phân định rạch ròi trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức tín dụng, bên vay khi rủi ro xảy ra thì phải có cơ chế xử lý nhanh.

img

Agribank ký thỏa thuận với Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ để đẩy mạnh dòng vốn vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thủ tục vay vốn của khách hàng, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các khoản vay cho nông nghiệp, nông thôn đảm bảo đúng mục đích, an toàn hiệu quả. Ngân hàng Nhà nước, Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội đã ký kết những chương trình phối hợp để đưa đồng vốn một cách tích cực hơn đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cũng như đối với người nông dân trên cả nước một cách hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng chính sách tín dụng đặc thù với các doanh nghiệp, hợp tác xã, thực hiện liên kết hoặc có các dự án công nghệ cao trong nông nghiệp theo Nghị định 55 để hỗ trợ các doanh nghiệp với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.

Kiến nghị từ thực tế hoạt động của Agribank 

Tính đến 30/9, tổng dư nợ cấp tín dụng và đầu tư của Agribank đạt 743.580 tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 685.829 tỷ đồng; dư nợ cho vay NNNT của Agribank đạt 473.222 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 69% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Agribank đã khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư cho vay nông nghiệp, nông thôn và góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn cho khách hàng đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy thị trường hàng hóa nông nghiệp phát triển cả về số lượng và chất lượng, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân và doanh nghiệp. Kết quả cho vay nông nghiệp, nông thôn của Agribank tăng đều qua các năm. Năm 2013 dư nợ đạt 378.985 tỷ đồng; đến năm 2014 tăng lên 411.295 tỷ đồng, tăng 173% so với năm 2013 chiếm trên 70% dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn toàn ngành Ngân hàng. 

img

Agribank khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Từ thực tế hoạt động của mình, để tạo điều kiện tháo gỡ nút thắt cho tín dụng nông nghiệp, nông thôn, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ cho vay tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Agribank kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các Bộ, Ngành, địa phương quan tâm xem xét giải quyết 6 kiến nghị sau đây:

1) Chính sách cần bám sát thực tiễn, phù hợp với thực tiễn, khi xây dựng chính sách cần tạo điều kiện để các ngành có liên quan, các đối tượng thụ hưởng chính sách tham gia góp ý rộng rãi, không để hiện tượng chính sách ban hành không thực hiện được, nhiều vướng mắc và tăng trưởng chậm (như: tái canh cây cà phê), hay thực hiện với hiệu quả không cao (như: đánh bắt xa bờ, cho vay đóng tàu, trang bị máy nông nghiêp..). 

2) Tách bạch rõ ràng giữa tín dụng chính sách với tín dụng thương mại. Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách các tổ chức tín dụng cũng phải được hưởng những ưu đãi của chính sách như các  đơn vị thụ hưởng: Được hỗ trợ nguồn vốn cho vay, cấp bù lãi suất do thực hiện chính sách giảm lãi suất, cách tính các hệ số an toàn, chính sách thuế... 

img

Khi thực hiện nhiệm vụ chính sách các tổ chức tín dụng cũng phải được hưởng những ưu đãi như các đơn vị thụ hưởng.

3) Tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tham gia hoặc thực hiện chính sách cho vay nông nghiệp, nông thôn được nâng cao năng lực tài chính thông qua bổ sung vốn điều lệ, nhất là đối với ngân hàng thương mại 100% Nhà nước như Agribank, từ đó mới đủ điều kiện tăng trưởng dư nợ và đảm bảo các hệ số an toàn theo quy định.

4) Cơ chế xử lý rủi ro cần linh hoạt hơn. Việc không hình sự hóa các quan hệ tín dụng, xác định đến cùng trách nhiệm trả nợ của người vay; việc các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm đến truy tìm tài sản, dòng tiền, xét xử công tâm để bảo toàn vốn cho Agribank, cho Nhà nước cũng là một nhân tố có ý nghĩa tích cực, động viên Agribank hoàn thành nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra.

5) Có cơ chế, chính sách, vai trò quản lý của Nhà nước trong việc kiểm soát các yếu tố đầu vào cũng như quy chuẩn chất lượng các sản phẩm đầu ra để đảm bảo các khâu từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp được minh bạch, có chất lượng, tạo điều kiện khuyến khích đầu tư, sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch với đặc thù giá thành cao. Xử lý nghiêm minh các hành vi gian lận, vi phạm pháp luật trong toàn bộ quá trình đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. 

6) Quan tâm chỉ đạo rà soát, điều chỉnh và công bố quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao, chuyên môn hóa đối với cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với lợi thế cạnh tranh và sự biến đổi khí hậu để Agribank có cơ sở cho vay; xem xét chính sách hạn điền gắn với tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp quy mô lớn; có chính sách hỗ trợ dự báo và cung cấp thông tin thường xuyên về cung - cầu, giá cả thị trường trong nước và thế giới; hỗ trợ tuyên truyền, tiếp thị, quảng bá để tạo thương hiệu quốc gia thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. 

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem