Bao cao su, ung thư và thông tư

Đức Hoàng Thứ sáu, ngày 11/03/2016 06:30 AM (GMT+7)
Những chiếc bao cao su vẫn sẽ tồn tại trôi nổi trên thị trường và chờ cái thông tư của hai Bộ được thông qua.
Bình luận 0

Khi WHO công bố chất MBT – được dùng trong sản xuất bao cao su có khả năng gây ung thư, bỗng nhiên người ta phát hiện ra một thông tư ở Việt Nam đang bị… tắc.

Sau một cuộc họp tại Lyon, Pháp vào cuối tháng 2 vừa qua, một nhóm chuyên gia y tế đến từ 8 quốc gia đã thống nhất đưa MBT vào danh sách các chất có khả năng gây ung thư.

MBT được sử dụng trong quá trình sản xuất các sản phẩm cao su, và theo Tổ chức Y tế thế giới, thì người bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ là những công nhân làm việc tại các nhà máy này. Theo WHO, thì “rủi ro cho cộng đồng trong các tiếp xúc (với các chế phẩm cao su) chưa được nghiên cứu”.

Nhưng tất nhiên là thông tin này nhanh chóng được loan ra trên toàn thế giới, và gây ra nhiều hoang mang. Bởi trong số các chế phẩm cao su, thì có một thứ được dùng hàng ngày, tiếp xúc với các phần nhạy cảm nhất của cơ thể, chính là cái bao cao su. Trên báo chí Việt Nam, nhiều độc giả bày tỏ các ý kiến lo ngại: sau nhiều nỗ lực tuyên truyền, giờ cái bao cao su đã trở thành một thứ quen thuộc trong đời sống hàng ngày. Bây giờ lại phát hiện tin động trời này, liệu có ảnh hưởng gì đến việc kế hoạch hóa gia đình hay không.

Tuy nhiên, cộng đồng có thể tạm yên tâm với biện pháp tình dục an toàn này cho đến khi có những công bố mới. Cho đến giờ phút này thì ngay cả người đứng đầu dự án nghiên cứu của WHO, giáo sư Tom Sorahan (Anh) vẫn nói rằng ông “nghi ngờ rằng MBT là một hiểm hoạ sức khoẻ với cộng đồng”. Ông nói rằng nghiên cứu của mình chỉ đề cao việc bảo vệ các công nhân trong nhà máy, vốn tiếp xúc với MBT với khối lượng lớn.

Nhưng điều hay nhất của câu chuyện này là nhân dịp này, người ta mới “sực nhớ” ra rằng bao cao su vẫn đang nằm trong danh mục hàng hoá nhóm 1, tức là hàng hoá không có khả năng gây mất an toàn. Các sản phẩm này được quản lý theo tiêu chuẩn do người sản xuất công bố.

Không có khả năng gây mất an toàn? Tất nhiên, các cơ quan quản lý cũng không đến mức không nhìn ra sự vô lý ở đây. Bộ Y tế và Bộ Công thương đã xây dựng dự thảo thông tư, đưa các phương tiện tránh thai như bao cao su, miếng dán, kem… vào danh mục hàng hoá loại 2 – loại hàng hoá phải kiểm soát chất lượng vì ảnh hưởng tới sức khoẻ người dùng.Đấy là một quy định tưởng như hiển nhiên đến mức không thể có chuyện năm 2015 nó mới được nghĩ tới. Thế mà cái dự thảo này đã trình được một năm nhưng cho đến nay thông tư này vẫn chưa được thông qua.

img

Thông tin chất MBT trong bao cao su có khả năng gây ung thư đang làm chấn động thế giới.

Thị trường Việt Nam mỗi năm tiêu thụ từ 400-500 triệu chiếc bao cao su. Theo một khảo sát đầu năm ngoái, có ít nhất là 100 triệu chiếc trong số này không đạt chuẩn. “Đây thật sự là một con số đáng báo động. Con số này ở Việt Nam cao hơn rất nhiều nước, thậm chí là cao gấp đôi so với một số quốc gia khác” – ông Keith Neroutsos, đại diện PATH, một tổ chức phi chính phủ về Y tế tuyên bố.

Và những chiếc bao cao su – vốn được gửi gắm sứ mệnh to lớn là bảo đảm sự bền vững hay sinh mệnh của một người, một gia đình – vẫn sẽ tồn tại trôi nổi trên thị trường và chờ cái thông tư của hai Bộ được thông qua.

“Văn bản chờ” dường như đã trở thành một thứ đặc sản của nền lập pháp nước ta. Có những năm, chỉ riêng văn bản hướng dẫn luật, vốn là một thứ thiết yếu để luật đi vào đời sống, bị “nợ” tới 165 cái. Cái bao cao su có thể sẽ còn phải chờ lâu cho đến khi nó được kiểm soát chất lượng.

Nghiên cứu của WHO có thể trở thành một mối… lo hão, chờ được vạ thì má đã sưng. Bởi vì chưa cần đến khi công bố MBT có ảnh hưởng gì đến sức khoẻ, thì người tiêu dùng Việt Nam đã đối mặt với đủ loại nguy cơ, đủ loại hoá chất từ những chiếc bao cao su.

Từ bao cao su đến thông tư, là một câu chuyện dài của những văn bản không thể ra đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem