BOT Cai Lậy, Bộ GTVT "tiền hậu bất nhất"

Nguyễn Quang Vinh Thứ năm, ngày 17/08/2017 06:14 AM (GMT+7)
Liên quan tới câu chuyện trạm BOT Cai Lậy, giải pháp an toàn, căn cơ, minh bạch, hợp lòng dân và đúng luật là trạm thu phí đường tránh phải đặt ở đường tránh, không được cố tình đánh lận con đen.
Bình luận 0

Ngày 16.8, Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang họp bàn xử lý vụ việc trạm thu phí BOT Cai Lậy.

Tại cuộc họp, các bên thống nhất giảm giá dịch vụ cho tất cả phương tiện qua trạm. Các mức giảm áp dụng từ ngày 21.8.

Bộ Giao thông và UBND tỉnh Tiền Giang, nhà đầu tư dự án cũng thống nhất miễn cho phương tiện loại một và hai của chủ sở hữu có hộ khẩu thường trú, không kinh doanh vận tải tại xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; giảm 50% giá dịch vụ cho phương tiện còn lại tại các xã trên. Đây là 4 xã nằm gần trạm thu phí.

Như vậy sự phản ứng kiên quyết của hàng trăm lái xe đã có tác dụng.

img

Nhân viên thu phí của trạm BOT Cai Lậy nhận tiền lẻ. Ảnh: Hữu Danh

Vậy mà chỉ nhìn lại trước đó vài hôm, dù "khủng hoảng mua vé bằng tiền mệnh giá nhỏ" gây ùn tắc giao thông như thế, nhưng lãnh đạo Bộ GTVT vẫn tuyên bố “giá vé là hợp lý, vị trí đặt trạm thu phí là hợp lý”, cương quyết “không dời vị trí đặt trạm, cương quyết không giảm giá”. 

Thậm chí lãnh đạo trạm này còn đưa danh sách những xe qua trạm mua vé bằng tiền mệnh giá nhỏ cho công an như một động thái doạ dẫm? 

Ông giám đốc công ty quản lý trạm này còn lên facebook kêu gọi lái xe không nghe theo sự lôi kéo của “bọn xấu”.

Có một nguyên nhân mà các chuyên gia, dư luận xã hội đặt ra rằng, tại sao xây dựng tuyến đường tránh BOT mà lại đặt trạm thu phí ở đường quốc lộ? 

Bộ GTVT lại lập tức giải thích, vì chủ đầu tư đã bỏ ra trên 300 tỉ để tráng nhựa trên 20 cây số đường quốc lộ nên đặt trạm tại đường quốc lộ là hợp lý!

Báo chí và dư luận kiến nghị cho kiểm toán đoạn đường quốc lộ tráng nhựa, sửa chữa kia xem hết bao nhiêu tiền, trả cho nhà đầu tư, để bảo đảm rằng trạm thu phí đường tránh phải đặt ở đường tránh.

Ý kiến hợp lý và hợp pháp này có vẻ như không lọt tai lãnh đạo Bộ GTVT. 

img

Ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - trả lời báo chí.

Giảm giá vé là tất nhiên vì chả có lý do gì mà trạm thu phí Cai Lậy lại thu cao hơn các tuyến đường BOT khác. 

Nhưng cần phải chỉ ra một thao tác "tiểu xảo" khi mở đường cho nhà đầu tư bằng cách, giảm giá vé nhưng tăng thời gian thu phí lên gần gấp đôi so với quyết định phê duyệt ban đầu. 

Nghĩa là, nhà đầu tư vẫn nguyên quyền lợi, chỉ có người dân, các doanh nghiệp vận tải là tiếp tục chịu thiệt thêm 7 năm kéo dài nữa.

Điều mà người dân quan tâm, các chuyên gia lên tiếng không chỉ là giá vé, cái chính là vị trí đặt trạm thu phí đầy "toan tính", nhưng bộ chủ quản đã lờ đi, né tránh không hề bàn tới. 

Như trên đã phân tích, cần thiết phải kiểm toán giá tiền thực sự nhà đầu tư đã chi cho hơn 20 cây số quốc lộ 1 là bao nhiêu, tính toán kỹ càng và minh bạch, nếu cần nhân dân, nhà nước hoàn tiền cho họ, để rồi từ đây, di dời vị trí đặt trạm thu phí vào đường tránh.

Đó là cách giải quyết triệt để, minh bạch và hợp lòng dân, đúng luật pháp.

Còn một giải pháp thứ 2 nữa, trạm thu phí trên quốc lộ vẫn tiếp tục thu phí, nhưng tiền này dùng để hoàn trả số tiền (sau khi kiểm toán) cho nhà đầu tư đã nâng cấp đoạn đường quốc lộ 1, cho tới khi nào hoàn đủ thì dỡ bỏ trạm thu phí này. 

Kế tiếp là lắp thêm một trạm thu phí thứ hai ở đường tránh, đón trước lối vào trạm thu phí thứ nhất, xe nào đi đường tránh thì trạm này thu, tiền thu này là của chủ đầu tư.

Nói thế để lần nữa khẳng định, giải pháp an toàn, căn cơ, minh bạch, hợp lòng dân và đúng luật là trạm thu phí đường tránh phải ở đường tránh, không được cố tình đánh lận con đen.

Thêm nữa, ngoài việc chuyển vị trí trạm thu phí về đúng vị trí của nó, ngoài việc giảm giá đúng với cái giá của nó, còn nhiều vấn đề có dấu hiệu mập mờ ở dự án BOT Cai Lậy mà báo chí phản ánh cần được làm rõ.

Tốt hơn hết là cần một cuộc thanh tra nhanh toàn bộ quá trình thực hiện dự án này.

Và trước khi mọi việc được thực hiện, ngay từ lúc này, sao không tạm dừng hoạt động của trạm thu phí Cai Lậy cho tới khi mọi việc được giải quyết rõ ràng và minh bạch.

Từ vụ việc trạm thu phí Cai Lậy, để không xảy ra những "Cai Lậy" khác như lo lắng của các đại biểu Quốc hội, nên chăng cơ quan thanh tra, kiểm toán cần chỉ đạo tập trung, rà soát tất cả các trạm thu phí đã, đang, sẽ xây dựng trong toàn quốc. Đồng thời kiểm đếm, tính toán, giữ hoặc loại bỏ những trạm thu phí lợi dụng BOT để cố tình trục lợi trên lưng người tham gia giao thông.

Tôi tin nếu thanh tra vào cuộc sẽ làm rõ dự toán, chi phí xây dựng của các nhà đầu tư so với thực tế, thanh tra thu chi tại trạm, thanh tra về thời hạn thu phí và cả lưu lượng xe cộ thực tế qua các trạm so với báo cáo trên giấy của chủ đầu tư với Bộ GTVT.

Trong trường hợp quá nhiều bất cập, Nhà nước có thể tính toán, mua lại một số trạm thu phí để giải phóng đường giao thông, tạo thêm sức cạnh tranh cho hàng hoá Việt qua việc giảm chi phí Logistics mà vận tải chiếm tới 2/3.

Chỉ bằng kết luận của cơ quan thanh tra, kiểm toán thì dù đúng dù sai, người dân mới tâm phục, khẩu phục.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem