Nếu Bộ TTTT không chỉ đạo sát sao thì Sở TTTT tỉnh Thừa Thiên - Huế và Sở Y tế tỉnh này vẫn khăng khăng công vụ xử phạt bác sĩ Truyện là đúng đắn.
Hành xử công tại thời điểm đó ở hai đơn vị này thật áp đặt với bác sĩ Truyện, nó cho thấy vai trò bưng bê bợ đỡ không hề suy suyễn trước phân tích đúng sai.
Tôi không đặt nặng với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phản ứng như thế nào bởi Bộ trưởng cũng là con người và khi nghe tin như thế bà có quyền yêu cầu kiểm tra là quyền chính đáng của việc bảo vệ nhân phẩm và giá trị cá nhân.
Bác sĩ Hoàng Công Truyện (bên trái) chấp nhận lời xin lỗi của Giám đốc Sở Thông tin Thừa Thiên - Huế. Ảnh: VNE
Tuy nhiên các ban bệ tham mưu của Bộ trưởng Tiến đã không có cách nhìn phản biện khiến việc thừa hành công vụ nặng tính bưng bê một chiều, mất tính góp ý ngược lại khiến hình ảnh Bộ trưởng Y tế suy giảm.
Thực tế sự việc của bác sĩ Truyện dừng lại cách nhắc nhở qua điện thoại và từ chính nơi đơn vị ông công tác sẽ tốt hơn dùng hệ thống văn bản của quyền năng công vụ dập thẳng theo ngành chuyên môn.
Việc huy động hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân như ý chỉ phải làm cho bằng được án kỷ luật cho thấy sự việc ở tầm mức tham mưu nhận thức vấn đề hoàn toàn không thấu đáo.
Khi công văn của Bộ Y tế gửi về Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế, mọi việc lại được vận hành chu đáo hơn nhằm khoe khoang thành tích và cuối cùng là kiểm điểm, kỷ luật bác sĩ Truyện sau đó báo cáo ngược trở lại như cái máy một cách nhanh nhất có thể qua con đường hành chính đầy tính nịnh nọt mà các văn bản của Sở Y tế báo cáo được công bố cho thấy rõ điều đó.
Trung tâm Y tế huyện Phong Điền nơi bác sĩ Truyện công tác.
Lấy hình ảnh thừa hành công vụ, Sở Y tế lại liều mình gửi công văn sang Sở TTTT tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu xử phạt bác sĩ Truyện càng rõ hơn công chức công vụ đang bị vận hành ở mức bưng bê thái quá. Dẫn đến Sở TTTT không lật ngược lại vấn đề, không xem xét đủ mọi khía cạnh rồi vào hùa xử phạt.
Khi Bộ TTTT nhận thấy vấn đề đi quá xa của một sự việc nhỏ nhưng nặng tính quan liêu, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn đã chỉ đạo xem xét lại mọi việc nghiêm túc và có văn bản chấn chỉnh thì Sở TTTT Thừa Thiên Huế mới rút các quyết định, trả lại 5 triệu, xin lỗi bác sĩ Truyện. Sở Y tế cũng vận hành theo cách tương tự.
Văn bản hủy bỏ quyết định xử phạt của Thanh tra Sở TTTT Thừa Thiên - Huế
Điều đáng nói là trước đó cả 2 sở này khăng khăng họ làm đúng, nhưng khi có phản biện cung cấp thêm bằng chứng, họ không tìm được gì thêm khiến hình ảnh công vụ một lần nữa bị vận hành sai lệch.
Thật ra 2 sở này có quyền phản biện lại cấp trên của mình về tìm thêm chứng lý để bảo vệ quan điểm trước đó đã khẳng định, nhưng kỳ thực cách làm việc tai hại không khách quan đã khiến họ phạm vào sai trái, không tìm ra bất cứ sự vi phạm pháp luật nào của bác sĩ Truyện để cuối cùng phải rút toàn bộ quyết định kỷ luật, xử phạt, xin lỗi công khai mà báo chí phản ánh.
Bộ TTTT đã cứu vãn được hình ảnh cả ngành Y tế và quản lý báo chí khi kịp thời xử lý khủng hoảng, tránh việc Y tế địa phương đổ lỗi do bên TTTT xử phạt mới kiểm điểm, thoát được một nhúm bùi nhùi dễ bắt lửa và kích hoạt làn sóng phẫn nộ từ dư luận xã hội.
Với những gì đã xảy ra, các đơn vị quản lý Nhà nước tưởng đã “nghiêm minh” xử lý người được cho là mắc lỗi nhưng vô tình gây tổn hại đến uy tín của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Mức độ sẵn lòng của các cơ quan, đơn vị trong một vụ việc "cỏn con" này chỉ khiến dư luận, người dân thêm mất niềm tin vào năng lực quản lý, điều hành của họ và đánh giá đấy là hành động nịnh thối, bợ đỡ, bưng bê hơn là làm tốt bổn phận công vụ được phân công.
Với Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế cách hành xử của họ chưa đầy đủ ở mức xin lỗi về thi hành công vụ.
Quyết định xử phạt trước đó.
Trong văn bản trả lời báo chí về xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc kỷ luật bác sĩ Hoàng Công Truyện, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định: "Tập thể hội đồng kỷ luật của Sở Y tế, các quyết định chỉ đạo của sở đều dựa trên ý kiến của tập thể, không có vai trò cá nhân ở đây".
Cần xác lập rõ ràng trách nhiệm người đưa ra ý tưởng kỷ luật, không thể nói lấy được về một tập thể nào đó mơ hồ sau đó đổ lỗi vào tập thể ấy mà không xác định được cá nhân người đứng đầu. Thừa hành công vụ phải khách quan và không đổ thừa, lúc đó lời xin lỗi mới có giá trị nhằm vãn hồi niềm tin với công chúng ở sự việc này.
Cũng cần nhắc, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế có phần trách nhiệm trong vấn đề này bởi lẽ công văn số 1804/BC-SYT ngày 19.7.2017 của Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế gửi Văn phòng Bộ Y tế “Báo cáo kiểm tra, xử lý thông tin đăng tải trên mạng xã hội facebook”, ở mục C về “Công tác phối hợp và xin ý kiến chỉ đạo xử lý” có ghi rõ: “Giám đốc Sở Y tế đã báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Dung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế". Trách nhiệm lúc này là ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, còn trách nhiệm tới đâu thì ông Dung cần minh bạch đã chỉ đạo như thế nào với Sở Y tế.
Rõ ràng, hai giám đốc Sở TTTT và Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm chính trong việc này, ngoài lời xin lỗi, cả hai ông không thể biến báo do tập thể để trốn tránh trách nhiệm cá nhân.
Thực thi công vụ với tư cách lãnh đạo, phải có bản lãnh tuyên bố chịu trách nhiệm việc xử phạt sai này lúc đó hình ảnh không bị vướng vào lối bợ đỡ mất hình ảnh.
Riêng bác sĩ Truyện đã hết bị kỷ luật và phạt oan, ông trở về với đời thường bình dị, nhưng ông cũng phải cân ngôn khi lên mạng xã hội, ông cũng càng rút kinh nghiệm khi câu chữ không đúng với cách diễn đạt để làm ồn ào điều không đáng có.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.