Những ngày qua, dư luận xôn xao câu chuyện nguyên Trạm trưởng Trạm cảnh sát giao thông Dầu Giây Võ Đình Thường từng bị kỷ luật cho ra khỏi lực lượng nay sau 14 năm lại giữ vị trí Phó Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Đồng Nai.
Cụ thể, Thượng tá Võ Đình Thường - Phó Phòng Cảnh sát Giao thông đương nhiệm của Công an tỉnh Đồng Nai - người trực tiếp ký đơn “mời” các tài xế có liên quan tới việc phản ứng phí BOT Biên Hoà (Đồng Nai) lên làm việc đã xác nhận bản thân chính là vị Đại uý Cảnh sát Giao thông từng bị kỷ luật, chuyển khỏi lực lượng cảnh sát giao thông 14 năm trước.
Thượng tá Võ Đình Thường và giấy mời các tài xế vụ BOT Biên Hòa lên cơ quan làm việc.
Vụ tiêu cực, mãi lộ tại Trạm Cảnh sát giao thông Dầu Giây (thuộc Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh Đồng Nai) bị phát hiện, xôn xao dư luận diễn ra tháng 6.2003.
Thời điểm ấy, dù là sinh viên nhưng sáng nào tôi cũng chạy xe lên phố Hàng Trống (Hà Nội) để mua những tờ báo thông tin mới nhất về vụ việc, chờ đợi sự xử lý nghiêm từ cơ quan chức năng.
Sau khi một số tờ báo đã vào cuộc và phanh phui tình trạng tiêu cực, mãi lộ tại Trạm Cảnh sát giao thông Dầu Giây, công an tỉnh Đồng Nai đã vào cuộc xác minh và kỷ luật hàng loạt cán bộ, chiến ãi thuộc Trạm Cảnh sát giao thông này.
Đại uý Võ Đình Thường bị cách chức Bí thư Chi bộ, trạm trưởng và cho ra khỏi lực lượng cảnh sát giao thông. 10 cán bộ chiến sỹ còn lại cũng nhận mức án kỷ luật nặng và rời khỏi lực lượng giao thông.
Bẵng đi 14 năm, Đại uý Võ Đình Thường năm nào sau một thời gian dài "lòng vòng" ở các vị trí khác nhau, giờ giữ vị trí Phó Phòng.
Do đặc thù tác nghiệp, tôi có biết một số Phó Phòng Cảnh sát giao thông thuộc công an các tỉnh có tuổi đời rất trẻ. Có người sinh năm 1983-1984.
Tất nhiên những lãnh đạo này từng có nhiều thành tích xuất sắc trong việc giữ vững an toàn giao thông, phối hợp cùng các lực lượng khác, chủ công phá nhiều vụ vận chuyển ma tuý, hàng cấm, hàng nóng.
Và tất nhiên, những cán bộ này may mắn trưởng thành từ gia đình truyền thống và không có dị nghị, “tì vết” gì.
Tôi cũng có thông tin nhiều trưởng - phó phòng cảnh sát giao thông Công an các tỉnh sinh năm 1979-1980 và không lấy đó làm lạ.
Lực lượng cảnh sát giao thông là một trong những lực lượng xung kích trên mặt trận chống tội phạm.
Việc bổ sung vào hàng ngũ quản lý những cán bộ trẻ đã ít nhiều được tôi luyện từ cơ sở, nhiều nhiệt huyết là điều cần khuyến khích.
Cảnh sát giao thông 1A Thanh Hóa chặn bắt vụ vận chuyển 207 vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ: gậy, súng bắn điện, roi điện, dao tự chế, dùi cui điện, bình xịt hơi cay mini... Ảnh: Ngọc Thọ
Không ít cán bộ cảnh sát giao thông trong khi làm nhiệm vụ đã hy sinh, có người vì giúp dân mà thương tật. Có người còn bị phơi nhiễm HIV.
Một người bạn cùng học của tôi, trung uý Võ Minh Hiếu lúc còn công tác tại Đội Cảnh sát giao thông số 7 (thuộc Phòng Cảnh sát giao thông Công an Hà Nội) đã bị trọng thương khi tay không khống chế hai kẻ côn đồ dùng dao chọc tiết lợn để truy sát một người tham gia giao thông khác sau va quẹt rất nhẹ tại ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến.
Hồi đó, khi nghe tin và chạy vào thăm Hiếu. Chứng kiến tấm chăn và ga giường Hiếu nhuốm đầy máu, tôi đã hỏi: Súng đâu mà không dùng, sao lại để tới nông nỗi này?
Tôi nhớ Hiếu có nói: Trong lực lượng cảnh sát giao thông, quy định khắt khe lắm, không phải cứ muốn là dùng súng được. Với cả, thời điểm ấy, súng cắm vậy nhưng làm gì có đạn.
“Biết võ nhưng khi chứng kiến chúng rút dao chọc tiết lợn ra, mình cũng ớn. Nhưng nếu mình không can thiệp thì hai tên côn đồ đã có thể lấy mạng người tham gia giao thông tội nghiệp kia” - Hiếu nói.
“Mình yêu ngành này từ bé. Kể cả lần sau có gặp tình huống tương tự mình vẫn ứng xử như vậy. Khác chăng, mình sẽ huy động thêm người hỗ trợ” - Hiếu nói.
Võ Minh Hiếu thời điểm bị hai kẻ côn đồ dùng dao chọc tiết lợn tấn công.
Là người tham gia giao thông, theo tâm lý thông thường, phần lớn đều phản ứng trước những quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông khi không may hoặc cố tình vi phạm Luật Giao thông.
Không ít trong chúng ta còn cái nhìn thiếu thiện cảm về lực lượng này.
Cũng bởi, trong lực lượng này vẫn còn những “con sâu”.
Thế nhưng thực tế, phần lớn những cán bộ chiến sỹ cảnh sát giao thông vẫn ngày đêm quên mình để phục vụ nhân dân.
Có người như bạn tôi tới tính mạng còn không đắn đo.
Câu chuyện Thượng tá Võ Đình Thường - Phó Phòng Cảnh sát Giao thông đương nhiệm của Công an tỉnh Đồng Nai sau 14 năm kỷ luật do từng vi phạm, trở lại lực lượng này với vị trí cao hơn một bậc (Trạm trưởng) với tôi không có gì là lạ.
Qua tham khảo và tìm hiểu, tôi được biết, trong lực lượng công an, bị kỷ luật thường đi kèm thời hạn. Nếu hết thời hạn kỷ luật, cán bộ chiến sĩ đó có tiến bộ thì sẽ được đơn vị, tổ chức công nhận, đánh giá lại.
Phía công an tỉnh Đồng Nai cho biết, không có quy định cán bộ chiến sĩ vi phạm cho ra khỏi lực lượng giao thông thì không được bố trí trở lại.
Quy trình bổ nhiệm đúng sai cụ thể thế nào, Bộ Công an sẽ vào cuộc và làm rõ.
Đâu ai trưởng thành mà không một lần vấp ngã, sai lầm. Dũng cảm nhìn vào lỗi lầm trong quá khứ là gần hơn với sự trong sạch. Sửa chữa và phấn đấu, trưởng thành từ sai lầm mới là điều đáng quý và đáng được rộng lượng, bao dung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.