Dân chủ học đường và khước từ sứ mệnh

An Thanh Thứ bảy, ngày 03/11/2018 19:03 PM (GMT+7)
Vụ việc trường THPT Nguyễn Trãi (TP. Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) vừa quyết định buộc thôi học một năm đối với 3 học sinh lớp 10A5 do vi phạm đạo đức đã khép lại.
Bình luận 0

Sau sự chỉ đạo kịp thời của Sở GDĐT Thanh Hóa, nhóm 7 học sinh từng bị kỷ luật buộc thôi học vì nói xấu giáo viên trên mạng xã hội facebook đã đi học trở lại. Nhưng cách ứng xử học đường thế nào cho hợp lý vẫn là điều người lớn phải suy ngẫm?

img

Trường THPT Nguyễn Trãi.

Theo lãnh đạo trường THPT Nguyễn Trãi, ngày 1.10, một nữ sinh lớp 10A5 sử dụng điện thoại trong giờ học bị giáo viên bộ môn thu giữ và giao cho chủ nhiệm lớp là cô Đậu Thị Bích. Chiều cùng ngày, tại phòng trực giám thị, do điện thoại của nữ sinh không bị khóa nên cô Bích thấy trên màn hình hiện cuộc nói chuyện nhóm Facebook có tên là “Động Cô Bích”.

Nhà trường đã họp kỷ luật vì cho rằng: “Những em này đã dùng mạng xã hội xúc phạm danh dự và uy tín của giáo viên, gây ảnh hưởng xấu tới công tác giáo dục của nhà trường”.

Với một dân tộc có truyền thống tôn sư trọng đạo như Việt Nam thì đây được coi là hành vi xúc phạm và ngay lập tức được đưa ra xét kỷ luật. Tôi không dám phán xét về việc đuổi học 7 học sinh ở Thanh Hóa là đúng hay sai và lỗi vi phạm của các em là nghiêm trọng hay không nghiêm trọng. Nhưng về thủ tục, chúng ta không thể có quyền tự ý “xâm phạm bí mật đời tư”, quyền cơ bản của con người bằng hành động tự ý kiểm tra điện thoại của học sinh. Nhà trường đã lập hội đồng để kỷ luật học sinh “xúc phạm danh dự và uy tín của giáo viên” thì ai sẽ lập hội đồng để xử lý hành vi tự ý kiểm tra điện thoại của học sinh?

Tôi không biết rõ group “Động Cô Bích” nói gì nhưng tin cả hội đồng kỷ luật nhà trường có góc nhìn đúng-sai về nội dung bàn tán một cách chính xác. Tuy nhiên, trước sự ngỗ ngược, hỗn hào của học trò, dường như cô giáo và nhà trường đã quyết định khước từ trách nhiệm thiêng liêng là truyền thụ đạo học cho các em.

Vội vàng đuổi học nghĩa là đẩy cách em ra ngoài xã hội, phó mặc may rủi. Các em đã thực sự hư hỏng đến mức không thể cảm hóa, giáo dục? Đẩy 7 em học sinh ra khỏi trường sẽ có được “môi trường giáo dục trong sạch” nhưng lại trả cho xã hội 7 công dân bất cần, ngỗ ngược và phản ứng tiêu cực với xã hội. Vì vậy đương nhiên tương lai sẽ có hậu quả nghiệt ngã.

Một hiệu trưởng nhiều năm trong nghề, trước sự việc trên đã tâm sự: “Nhân đây, những người thầy cũng cần nhìn lại mình xem đã nghiêm túc hay chưa? Nếu đã đủ đức hạnh, nghiêm túc thì sao học trò lại nói xấu? Nếu cái em nhìn nhận sai thì phải tìm cách chứng tỏ cho các em, để tìm được sự tôn trọng trong ánh mắt học trò”.

Ông tâm sự, khi còn làm hiệu trưởng, có lớp học sinh cũng xì xào về thầy giáo một thời gian dài. Tìm hiểu ông mới biết, thầy cầm hộ quỹ lớp và trót tiêu hết nên các em không có tiền chi tiêu hoạt động. Vụ việc sau đó được giải quyết, quan hệ thầy-trò vẫn tốt đẹp cho đến ngày ra trường và cả quá trình sau này.

Theo kết quả khảo sát năm 2017 của Bộ GDĐT dành cho học sinh, sinh viên phổ thông và các trường đại học, có 8,6% học sinh và 20,3% sinh viên tự nhận mình thường xuyên nói tục, chửi bậy. Một số học sinh, sinh viên có biểu hiện bất hiếu với cha mẹ, vô lễ với thầy cô giáo, thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác… Khá nhiều học sinh, sinh viên tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép nhưng ngoài trường học, trên mạng xã hội thì có thái độ vô lễ, xúc phạm thầy cô giáo. Đó là sự thực đáng báo động và cần sự định hướng một cách toàn diện.

Ngày 3.10.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1299/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 - 2025”. Theo đó, 100% trường học phải xây dựng Bộ Quy tắc văn hóa ứng xử, quy định cụ thể những việc nên làm và không nên làm trong các mối quan hệ ứng xử của các chủ thể trong nhà trường thể hiện thông qua trang phục, ngôn ngữ, hành vi ứng xử.

Nhà trường đang được xem là một xã hội thu nhỏ. Trong đó có học sinh ngoan, học giỏi và cũng có em ngỗ nghịch, khó bảo. Làm thầy trong môi trường mà các em đang hình thành tính cách lại càng phải bao dung, nhẫn nại, “khơi thiện, diệt ác” trong mỗi tâm hồn học trò.

Hãy nhìn nhận việc học trò có lỗi là chuyện thường ngày, và sứ mệnh làm thầy phải uốn nắn, dưỡng dục. Nhưng nếu người thầy lại quay lưng oán ghét, buông bỏ học trò, thoái thác trách nhiệm, đẩy chúng cho xã hội thì quả là tai hại.

Nếu chúng ta chỉ kỳ vọng vào quy định có tính chất hành chính, chắc sẽ khó làm thay đổi những ứng xử trong môi trường học đường.

Thiết nghĩ, cùng với sự nỗ lực từ phía ngành giáo dục thì việc xây dựng văn hóa ứng xử trong học đường cần thực hiện đồng bộ, thống nhất và có sự phối hợp, chung tay giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Chỉ dùng hình phạt đuổi học, thực chất là “cách ly khỏi môi trường học đường” khi xác định lỗi ấy không thể “cải tạo” được.

Nhà trường đừng bao giờ vội vàng khước từ sứ mệnh trồng người của mình, có thế nghề giáo mới được coi là nghề cao quý trong các nghề cao quý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem