Khát vọng hòa giải, hòa hợp dân tộc

Quốc Phong Thứ ba, ngày 30/04/2019 12:48 PM (GMT+7)
Trên VTV1 tối 24.4 vừa qua  có phát một bộ phim phóng sự tài liệu với tựa đề “Hai nửa thế giới”.
Bình luận 0

Bộ phim khá sâu sắc và ấn tượng khi nhóm thực hiện đề cập đến những câu chuyện muôn thuở của cộng đồng người Việt ở bên kia trái đất.

Ở nơi xa ấy, họ đã từng nghĩ, đang nghĩ và sẽ nghĩ về đất nước Việt Nam ra sao sau 44 năm thống nhất? Và thường thì trong dịp này chúng ta hay xem nó như một đề tài để cùng suy nghĩ, đàm đạo.

img

"Hai nửa thế giới" hé lộ những câu chuyện ít biết về cộng đồng người Việt tại Mỹ. Ảnh: VTV

Mục tiêu sâu xa, âu cũng là hướng đến một nước Việt Nam luôn khát khao hoà bình, muốn xoá bỏ hận thù, muốn hoà giải, hoà hợp dân tộc. Có lẽ, Tướng Nguyễn Cao Kỳ - cựu Phó Tổng thống chế độ Việt Nam Cộng hoà, một nhân vật từng có tham vọng “Bắc tiến” trong giai đoạn đất nước bị chia cắt hai miền, lại là nhân vật "nặng ký” ở phía bên kia có quan điểm sớm khi ông có khát vọng hàn gắn, xoá bỏ hận thù, khát vọng về hoà giải và hoà hợp dân tộc mà theo tôi là rất đáng trân trọng.

Chắc nhiều người còn nhớ đến Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tại Hà Nội do Việt Nam đăng cai hồi cuối tháng 2, trong buổi lễ chính thức Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đón đoàn Tổng thống Hoa Kỳ có một chi tiết thật thú vị và ấn tượng mà có lẽ không hề có trong kịch bản. Đó là hình ảnh Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ cúi người xuống xin từ tay một cháu thiếu nhi lá cờ đỏ sao vàng rồi giơ caovẫy. Hơn thế, ông lại xin tiếp cháu bé một lá cờ sao vạch của nước ông đưa cho Thủ tướng chúng ta. Hai ông đều với nụ cười hồn nhiên và họ cùng dùng những lá cờ đó vẫy chào những người đón mình đầy hoan hỉ. Chỉ vậy là tôi đủ cảm nhận đây có lẽ cũng là một lối ứng xử ngoại giao rất tinh tế nhưng với nhiều hàm ý tốt đẹp: Hai nước cùng tiếp tục gác lại quá khứ để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn như nhiều năm qua đã làm. Vậy thì hà cớ gì mà người Việt chúng ta ở hai nửa trái đất không xích lại gần nhau?

Chuyện 15 năm trước, nay muốn được "bật mí".

Quán  Paris Deli ở phố Phan Chu Trinh, Hà Nội có lẽ là một quán cafe và ăn uống  thuộc hạng sang trọng tại trung tâm Thủ đô.  Với tôi, sau này mỗi khi có dịp quay lại quán, tôi đều không tài nào quên được cái lần gặp cựu Phó Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Cao Kỳ vào tháng 1.2004 tại đây. Tôi được những người bạn thân thiết - ông Đào Hồng Tuyển "Chúa đảo Tuần Châu" và ông Đào Trọng Cường "Vua đá quý" thuộc hạng có máu mặt của nước ta hồi đó gọi đến. Thế nhưng họ lại giấu, không cho tôi biết là sẽ ngồi với ông Nguyễn Cao Kỳ tại đây và để làm gì.

Tôi hơi chột dạ bởi vào năm đó, cho dù Đảng và Nhà nước ta đã rất cởi mở với kiều bào ta ở hải ngoại khi trở về thăm Tổ quốc nếu so với trước đó hàng chục năm, it có chuyện xét nét, gây khó này nọ.

Thế nhưng, với một nhân vật như ông tướng râu kẽm nổi tiếng Nguyễn Cao Kỳ, người từng là phó Tổng thống, là Thủ tướng, là Tư lệnh Không quân của chế độ Việt Nam Cộng hoà thì chắc không đơn giản thế. 

Thêm nữa, khi đương chức, ông Kỳ lại có cá tính rất mạnh, ăn nói ngang tàng và thậm chí, cả tư tưởng chống Cộng có thể nói là khá hiếu chiến thì chắc càng không thể được “tự do” trong lần đầu ông Kỳ trở về thăm quê hương sau 29 năm xa cách. 

Khi tôi bước vào nhà hàng, đang đảo mắt tìm bạn thì chột dạ thấy ông Nguyễn Cao Kỳ. Hơn thế, ông lại đang ngồi với các bạn của tôi. 

Điều tôi linh cảm bữa đó quả không hề sai. Xung quanh chiếc bàn tôi ngồi có vài người cũng đang ngồi coi báo hoặc rít thuốc hờ hững. Tôi để ý. Nhìn qua thì họ tuy có vẻ... rất “dân sự”, nhưng tôi đã kịp phát hiện ra họ là ai bởi một chi tiết cực kỳ đơn giản: họ đều đi tất một màu rêu - loại tất đặc trưng chỉ sản xuất cho nội bộ lực lượng vũ trang.

 Tôi cũng biết vậy và đành...  cho qua vì tôi cũng nghĩ, mình cũng đâu có gì sai trái mà cần phải ý tứ. 

Thấy ông Kỳ, tôi biết ngay "có chuyện rồi đây” là bởi sáng hôm đó, báo Thanh niên có đăng bài viết trên báo in và ngay sau đó đã khiến cộng đồng người Việt ở hải ngoại xôn xao, phản ứng. Nguyên do vì trong đó có 1 ý ông Cao Kỳ nói đã "đụng" tới họ hơi “nặng ký”, khiến một bộ phận trong họ “nhảy dựng lên”. 

Các ông Đào Hồng Tuyển, Đào Trọng Cường muốn gọi tôi đến để nghe ông Kỳ nói thêm diễn biến tình hình cộng đồng người Việt ở bên kia phản ứng ra sao và tất cả đều thống nhất bàn xem có nên dừng, không đăng tiếp bài phỏng vấn mà phóng viên của chúng tôi đã thực hiện. Xét ở một góc độ nào đó, nếu như đăng thì sẽ rất "hot". 

Chuyện nay cũng đã xa, ông Cao Kỳ thì cũng đã ở trên cao xanh. Giả dụ hôm nay nếu lại nói cụ thể đến cụm từ nhạy cảm đó, tôi e rằng cũng không hay, không nên và cũng không cần thiết. Nhiều khi lại thêm một lần làm ai đó nhói đau thêm nữa trong khi chúng ta đang muốn làm mọi cách để cùng xích lại gần nhau vì một dân tộc Việt Nam đoàn kết, có khát vọng xây dựng đất nước giàu mạnh. 

Chỉ có điều, những gì còn lại mà báo tôi chưa đăng ngày ấy, giờ cũng là điều quá đỗi bình thường.

Song, có lẽ cũng nên “bật mí” phần còn lại của câu chuyện mà ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời phóng viên Lưu Quang Phổ từ 15 năm trước đây. Phải chăng, điều này cũng xuất phát từ thực tiễn cuộc sống đã trả lời với mọi người rằng ông Nguyễn Cao Kỳ đã từng nhận xét khá chính xác về người Việt Nam ta luôn có khát vọng đổi mới và muốn hoà giải, hoà hợp dân tộc thực lòng. 

img

Ông Nguyễn Cao Kỳ (thứ 2 từ trái sang) trong một lần về thăm Việt Nam được nguyên Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đón tiếp (ảnh tư liệu).

Khi phóng viên hỏi ông Nguyễn Cao Kỳ về cuộc sống và xu hướng chính trị của cộng đồng người Việt ở Mỹ, thái độ của mọi người đối với đất nước như thế nào thì ông Kỳ nói: Sau năm 1975, nhiều người có tâm trạng hay nói những vấn đề nào là "quốc gia”, “cộng sản”, hoặc bàn chuyện phải về nước “lập lại quê huơng”... Một số bây giờ (ý nói 2004 trở về trước - TG) cũng còn day tay mắm miệng, rồi đòi phải đánh đấm này khác, nhưng đó là những người già cả và lỗi thời rồi. Họ đã về hưu rồi chẳng hạn, chẳng có việc gì làm thì lấy đó như là một cái hobby (thú vui) mà thôi. 

Song như quí vị đều biết ,thế giới bây giờ làm gì còn những chuyện chia đôi quốc cộng rồi chiến tranh này nọ nữa. Đó là những điều không tưởng. Nhưng tôi nghĩ rằng trong cộng đồng nào cũng có những người ấy. Họ thích làm chính trị, thích làm thủ lãnh. Thành ra cứ phải nêu vấn đề chống đối này kia để lấy cớ mà hoạt động. Còn lại, đại đa số đồng bào khi di cư, định cư như chúng tôi  đều mong muốn có một đời sống ổn định ở một đất nước mới...

Khi phóng viên hỏi tiếp ông Kỳ rằng liệu ông có chắc mình rất hiểu cộng đồng người Việt ở hải ngoại không? Tại sao thỉnh thoảng các đoàn công tác từ Việt Nam sang Mỹ lại gặp những cuộc biểu tình phản đối của người Việt Nam, ai tổ chức những hoạt động ấy và để làm gì?

Ông Nguyễn Cao Kỳ trả lời: Tôi không thích chính trị, tôi chẳng thành lập đảng. Nhưng tôi tin rằng mình rất hiểu cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Có cưới hỏi, lễ lạt hay hoạt động gì lớn, bao giờ người ta cũng muốn mời tôi. Tôi nghĩ rằng những người hiểu biết, đàng hoàng, đứng đắn ở Mỹ đại đa số họ đều nghĩ như tôi, quên đi quá khứ và nghĩ về tương lai. Còn những vị cứ suốt ngày ăn to nói lớn rồi chửi bới này nọ chỉ là một thiểu số rất nhỏ. Chuyện biểu tình thì xứ Mỹ lạ lắm, ai muốn đi biểu tình lúc nào cũng được hết, mươi mười lăm người cũng thành ra một cuộc biểu tình, như cơm bữa nên chẳng có gì đáng quan tâm, hô hào hai ba tiếng là có. Tất nhiên, đó cũng lại là việc của mấy ông cứ thích chính trị vỗ ngực ta đây là Nguyễn Kèo, Nguyễn Cột, họ muốn phản đối thì cứ phản đối thôi, ai để ý gì đâu, ảnh hưởng gì đâu!

Khi được hỏi ông suy nghĩ về việc báo chí nước ngoài thường nói đến chuyện tôn giáo, nhân quyền ở Việt Nam như là những vấn đề nghiêm trọng, ông Nguyễn Cao Kỳ cho hay: Mấy ngày vừa rồi tôi đi chùa, đi lễ nhà thờ ở TP.HCM, Hà Tây, Hà Nội, thấy nơi nào bà con phật tử cũng đông nghìn nghịt, chẳng ai cấm cản. Chùa chiền cứ càng ngày càng xây to đẹp ra. Nhà thờ thì 5-6 thánh lễ một ngày Chúa nhật. Nếu nói về tự do tôn giáo thì thật sự vẫn có tự do, không thể ai chối cãi được. Chẳng phải mình tôi, mà cả trăm nghìn người Việt hải ngoại về thăm quê đều thấy như thế. Nhưng như tôi đã nói ở trên, những ông thích làm chính trị thì cứ thấy có việc gì hở ra là cứ phải chống cái đã, đánh cái đã. Các tổ chức nhân quyền cũng thế, các vị ấy cứ đi nhòm ngó khắp nơi, chuyện gì dù nhỏ đến đâu cũng đặt vấn đề này nọ. Tôi cũng đã từng tham chính, cũng từng phải đối xử với vấn đề tôn giáo. Theo tôi, tôn giáo là tôn giáo, chính trị là chính trị. Những ai lợi dụng tôn giáo để làm chính trị tôi hết sức chống.

Về động cơ khiến ông trở về Việt Nam, ông Nguyễn Cao Kỳ chia sẻ: Mấy tháng trước (cuối 2003), Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Đình Bin có sang Mỹ, có gặp tôi, đánh golf, rồi ăn cơm. Ông ấy nói rằng chủ trương của các nhà lãnh đạo Việt Nam đều rất muốn người Việt chúng ta cả trong lẫn ngoài nước cùng nhau xây dựng đất nước. Thế thì tôi về. Thành thực mà nói, tôi cũng đã 75 tuổi rồi, chẳng còn tham vọng gì. Tôi chẳng đặt vấn đề vinh nhục, thắng thua gì nữa, tôi muốn bỏ dĩ vãng đi. Nếu mình thành thực muốn phục vụ đất nước thì phải hướng tới tương lai. Cả trăm ngàn người Việt về nước nhưng tôi là người mà dư luận hải ngoại quan tâm nhất. Vậy thì có lẽ tên tuổi tôi vẫn còn một chút gì để cho người ta chú ý. Ý thức được điều ấy nên tôi nghĩ phải làm việc gì đó cho quê hương. Về chuyện trở về, tôi nghĩ mình còn nhiều bạn bè, họ có tiềm lực, dư sức đầu tư về góp phần xây dựng đất nước. Thế thôi, tôi chẳng đặt điều kiện gì...

Cảm nhận khi trở về Việt Nam sau gần 30 năm, ông Nguyễn Cao Kỳ cho biết rất phấn khởi khi trở về thấy có nhiều đổi mới. Nhưng tôi nghĩ mình không nên ngủ yên trên nhưng thành tích vì nhìn rộng ra, thì Việt Nam ta vẫn còn thua các nước nhiều lắm. Tôi vui nhất là thái độ thiện chí của các vị lãnh đạo và mọi người dành cho. Còn chưa hài lòng ư? Cũng có, ấy là đồ ăn bên hè đường chưa ổn đâu nha! Mấy bữa nay tôi ăn nhiều vì thấy ngon quá nên bị đau bụng hoài!

Một nhân vật rất lạ. 

Nhiều người trước đây từng có ý nghĩ Tướng Nguyễn Cao Kỳ chỉ là “dân võ biền” , nói năng thì "băm bổ thẳng thừng, không cần ý tứ với bất kể ai”, cứ "nghĩ thế nào nói thế”. Nhưng có lẽ không phải. Tôi đã cố tìm hiểu qua những người có nhiều dịp gặp ông Kỳ ở Việt Nam, mà ông Đào Trọng Cường chính là một trong số đó.

“Ông Kỳ hồi nhỏ được học Trường Bưởi, một trường trung học phổ thông danh giá bậc nhất của Hà Nội. Rồi ông được đi sang Pháp đào tạo phi công. Sau này, ông di cư vào Nam khi đã là sỹ quan của Pháp, ông ấy lại được sang Mỹ học tiếp về lĩnh vực chỉ huy không quân để rồi trở thành Tư lệnh Không quân trước khi được Hội đồng Quân lực tiến cử làm Thủ tướng (năm 1965). Ông tham gia liên danh với Nguyễn Văn Thiệu làm Phó Tổng thống cho tới năm 1971 thì về sống như một người dân ở miệt vườn, không tham gia chính trị gì khi thấy ông Thiệu không còn muốn ông cộng sự nữa. 

Ông ấy chịu đọc sách, chịu nghe nếu thấy có lý dù người đó có kém tuổi ông. Có thể xem ông Cao Kỳ  như là một người có kiến văn, cũng luôn biết lắng nghe và tôn trọng người khác một khi thấy mình nói chưa thật chính xác, tuy cách nói của ông ấy cũng rất có thể gây mếch lòng", ông Đào Trọng Cường nhận xét.

Ông Cường là nhân vật khá đặc biệt, từng được xem là “Vua đá quý” của Việt Nam và từng nhiều năm nhận lời đưa đón, chăm sóc và luôn tâm sự với ông Kỳ như bạn bè (dù ông Cường ít tuổi hơn ông Kỳ nhiều) mỗi khi ông Kỳ về Hà Nội. 

Ông Cường bảo sở dĩ có chuyện từng đó năm ông hay đi cùng ông Kỳ để giúp ông Kỳ “là do ông Đào Hồng Tuyển có tin tưởng mình, nhờ tôi  giúp thay ông Tuyển". Lý do ông Đào Hồng Tuyển quan tâm, nhiệt tình giúp ông Kỳ cũng là bởi ông Tuyển thấy ông Kỳ rất muốn làm những việc gì đó có ích cho việc hoà giải hoà hợp dân tộc một cách thực lòng với đất nước mình.

Lịch sử rồi cũng sẽ đến lúc ghi nhận những gì về quá khứ của ông Nguyễn Cao Kỳ một cách sòng phẳng nhất. Song, cho dù thế nào thì theo tôi cũng cần công tâm khi đánh giá con người ấy khi đã có những đóng góp nhất định trong việc tác động tới cộng đồng người Việt từ hai phía để hàn gắn vết thương chiến tranh. Đây là một câu chuyện dài không dễ có thể sớm thành công. Những đóng góp của ông Nguyễn Cao Kỳ trong vai trò gần như là chiếc cầu nối của một cựu thù và từng khác nhau về ý thức hệ tư tưởng trong quá khứ, nay trở nên gần gụi nhau hơn như hôm nay kể cũng rất trân trọng. Tôi cũng hiểu rằng cho dù còn rất nhiều thứ còn phải làm, dù khó khăn đang ở phía trước, nhưng để có được những thành công trong hoà giải hoà hợp dân tộc, tôi nghĩ cũng nên nhắc đến ông cho dù còn rất nhiều vấn đề đi nữa. 

Thay cho phần kết của bài viết, tôi xin phép trích lại câu nói của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào năm 2005, nhân kỷ niệm 30 năm thống nhất đất nước, ông đã trả lời phỏng vấn báo Quốc tế (nay là báo Thế giới &Việt Nam) rất sâu sắc, thấm thía.  Ông tâm sự rằng: "Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành, thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem