Leo DiCaprio cũng hiểu cho người Mông

Đức Hoàng Thứ năm, ngày 03/03/2016 07:30 AM (GMT+7)
Leo đang nói về một cái đầu trâu bị chặt nằm lăn lóc ở cổng chợ Sapa, con trâu bị chết rét, xẻ thịt bán giá hai trăm ngàn một cân.
Bình luận 0

Leonardo DiCaprio đã khiến cả thế giới xúc động khi dành diễn từ nhận giải Oscar của mình để nói về biến đổi khí hậu toàn cầu. Và chữ “toàn cầu” tất nhiên không phải là vấn đề của nước Mỹ.

“Biến đổi khí hậu là thật, nó đang diễn ra ngay lúc này. Đó là mối đe doạ khẩn cấp nhất mà giống loài chúng ta đang phải đối mặt” – DiCaprio phát biểu trên sân khấu khi lên nhận giải Oscar nam chính xuất sắc nhất vài ngày trước đây – “Chúng ta cần hành động cùng nhau, và dừng việc trì hoãn lại”.

Chứng kiến khoảnh khắc ấy, hẳn nhiều người hâm mộ điện ảnh đã xúc động. Nhưng không biết có bao nhiêu người hiểu được rằng thật ra Leo đang nói đến những câu chuyện xảy ra ngay quanh mình.

Leo đang nói về một cái đầu trâu bị chặt nằm lăn lóc ở cổng chợ Sapa (Lào Cai). Bên cạnh là một người đàn ông người Mông nói tiếng Kinh lơ lớ, mô tả cho khách biết con trâu của ông đã bị chết như thế nào. Ông đem thịt trâu chết ra chợ bán, giá hai trăm nghìn một cân.

Bạn có thể mua được thịt trâu chết ở bất kỳ đâu tại Sapa thời điểm này. Cho dù tuyết đã ngừng rơi từ lâu, trâu bò vẫn đang chết. Đồng bào dân tộc thiểu số ở Sapa, người Dao Đỏ và người Mông, vẫn đang phải xẻ “đầu cơ nghiệp” ra những tảng đỏ ối đem bán rẻ.

Có những bản không còn một con trâu nào sống sót. Có những nhà 3 năm qua cứ nuôi con nào là chết con đấy.

img

Cái đầu trâu lăn lóc ở cổng chợ Sapa.                                 ảnh: Đức Hoàng

Những dấu hiệu về một cơn ác mộng đã bắt đầu cách đây vài năm. Năm 2008, một đợt rét đậm kéo dài 38 ngày ở Lào Cai giết chết hàng vạn trâu bò. Ba năm sau đó, người ta nhìn thấy tuyết rơi trên vùng đất này vào tháng Ba, lần đầu tiên trong lịch sử tuyết rơi muộn như thế. Và bây giờ, chuyện trâu bò chết rét đã trở thành chuyện mà đồng bào phải quen.

Trên sân khấu của lễ trao giải Oscar tại Los Angeles nước Mỹ, Leonardo DiCaprio nói về một năm nhất trong lịch sử của trái đất. Còn ở Sapa, đang là một mùa Đông của những kỷ lục.

Leo đang nói cả về những nương thảo quả. “Năm nay không nói chuyện thảo quả” – một người Mông cười buồn bên chén rượu. Với nhiều bản người Mông, thì thảo quả là nguồn thu tiền mặt chính từ nông nghiệp của họ. Trồng gạo, trồng cải mèo thì để ăn, còn trồng thảo quả thì để mua mỡ, mắm, mì chính, thịt. Nhưng thảo quả năm nay cũng đã hỏng hết vì cái lạnh.

Thịt trâu chết đầy đường, nhưng bạn sẽ không ngạc nhiên nếu bước vào một gia đình người Mông và thấy bữa cơm chỉ có gạo trắng ăn với rau cải chua. Nhà ấy có thể có vài héc-ta thảo quả. Nhưng năm nay không nói chuyện thảo quả.

Leonardo DiCaprio đã có một bài phát biểu đầy thông cảm với người Mông. Chính anh cũng đã nhắc đến “indigenous people” (những người bản địa) trên khắp thế giới trong diễn từ của mình. Nhưng không phải ai cũng có được sự thấu hiểu ấy.

Ngoài bản Cát Cát, địa danh du lịch chính của Sapa, những người bán hàng chào mời bằng một mệnh đề đầy tâm lý: “Mua bánh kẹo mì tôm làm quà cho các cháu dân tộc các anh chị ơi”. Hẳn là có nhiều người đã mua để cái câu rao đặc biệt ấy được hình thành. Họ đến, cho trẻ con dân tộc bánh kẹo và tiền. Chúng gặp khách là chủ động mở mồm ra xin.

Trong bản Tà Phìn, một địa danh du lịch nổi tiếng khác, một người phụ nữ người Dao Đỏ đang rao bán chiếc vòng bạc gia bảo đã nằm trên tay chị mấy chục năm. Người Dao Đỏ quý vòng bạc ấy lắm, nhưng nếu trả thật nhiều tiền thì họ cũng bán. Nhiều là bao nhiêu? Sáu triệu. Bán để làm gì? Xây cái chuồng trâu bằng gạch. Một nguyện vọng hợp lý. Chỉ có điều việc bán đi kỷ vật quan trọng nhất của con người, nghe đau lòng.

Kẹo bánh và những tờ năm nghìn đồng vứt vội cho lũ trẻ đi chân đất tất nhiên chẳng giải quyết được vấn đề khủng khiếp mà những con người này sẽ đối mặt trong năm tới, trong thập kỷ tới. Leonardo DiCaprio có thể sẽ đề xuất một cách làm khác, với tư cách đại sứ thiện chí của Liên hiệp quốc. Nhưng tiếc rằng anh không có ở đây.

Và tất nhiên, Leo đang nói cả về những cánh đồng bị xâm nhập mặn ở ĐBSCL, về hạn hán ở Ninh Thuận, nói về nhiều con sông khô cạn trên cả nước, và khi nói những điều đó, chắc anh hy vọng rằng người nghe không chỉ tán dương mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem