Nông dân - cô đơn trên ruộng

Phạm Trung Tuyến Thứ tư, ngày 20/04/2016 06:30 AM (GMT+7)
Khi cả xã hội nhận ra “con đường từ dạ dày ra nghĩa địa chưa bao giờ gần thế” thì người nông dân trở thành tội đồ, trở thành những kẻ đầu độc đồng bào mình vì lòng tham.
Bình luận 0

Trong nỗi sợ hãi của cả xã hội về an toàn thực phẩm, trong sự bất lực của các cơ quan quản lý nhà nước đối với việc kiểm soát chất lượng thực phẩm, và trong cơn say đòn của một xu hướng truyền thông kích động nỗi sợ hãi… một cơ hội thực sự đã mở ra để thay đổi môi trường sản xuất nông nghiệp. Nhưng trước cơ hội đó, vẫn là vẻ mặt cô đơn của những người nông dân trên ruộng đồng của mình.

Người nông dân vẫn luôn cô đơn trên đồng ruộng của mình.

Khi cần thu hút đầu tư để phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch, hay đô thị… bờ xôi ruộng mật mà cha ông họ mất hàng nghìn năm để cải tạo, hình thành biến thành mặt bằng cho các khu công nghiệp, cho sân golf, cho dự án đô thị. Dù muốn hay không, họ cũng phải từ bỏ vị trí làm chủ ruộng đồng để trở thành những người lao công, nhân viên phục vụ ở các dự án đó, hoặc bỏ xứ lên phố để làm thuê.

Khi cần đảm bảo an ninh lương thực cho nhân loại, họ buộc phải trồng lúa dù có lãi hay không, dù họ biết rằng nếu cánh đồng của mình nuôi tôm, hay trồng thanh long thì có thể kiếm lời nhiều hơn.

Và khi cả xã hội nhận ra “con đường từ dạ dày ra nghĩa địa chưa bao giờ gần thế” thì người nông dân trở thành tội đồ, trở thành những kẻ đầu độc đồng bào mình vì lòng tham.

Nông dân Việt Nam có tham không? Chắc chắn là họ có lòng tham như tất cả loài người.  Nhưng họ đã tham để làm gì? Để trở thành một giai cấp nghèo khó nhất trong xã hội này, thiệt thòi nhất trong xã hội này.

Người nông dân Việt Nam đã làm gì để thực hiện lòng tham? Họ có thể làm gì khác ngoài việc chăm bón những luống rau, đồng lúa, nuôi nấng đàn gia súc, gia cầm? Và khả năng duy nhất để họ có thể tiếp tục sống, và tham, cũng đang bị tước đoạt bởi nỗi sợ hãi của xã hội về chất lượng thực phẩm.

Điều gì sẽ đến sau nỗi sợ này? Rất dễ để nhìn thấy những luống rau, con lợn của người nông dân sẽ không thể bán được vì không thể chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ cũng như quy trình nuôi, trồng, cấy hái.  Sau nỗi sợ hãi về sự mơ hồ sẽ là cơ hội của các loại chứng nhận, thứ mà những người nông dân nghèo khó và cô đơn sẽ luôn gặp khó khăn để có được.

Sau nỗi sợ hãi về vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ là cơ hội của những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào nông nghiệp. Đó là cơ hội từ thị trường, từ nhu cầu thực phẩm cao cấp có những chứng nhận nguồn gốc. Đó là cơ hội từ chính sách nhằm khuyến khích thúc đẩy tạo ra vùng nguyên liệu cho công nghiệp thực phẩm.

img

Vấn đề là những người nông dân có bao nhiêu cơ hội sau nỗi sợ hãi này?

Về lý thuyết, người nông dân có thể góp đất đai, công sức của mình vào các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn, như những cổ đông, và cùng chia sẻ cơ hội với các nhà đầu tư. Nhưng đó là lý thuyết.

Trên thực tế, đất đai, thứ vẫn được hiểu là tài sản lớn nhất của người nông dân lại không hoàn toàn thuộc về họ. Họ không thể tự mình xác định giá trị mỗi sào đất để bình đẳng tham gia cuộc chơi của các nhà đầu tư.

Như câu chuyện đã xảy ra ở các khu công nghiệp, các dự án đô thị, hay sân golf, họ sẽ buộc phải nhận một số tiền đền bù được ấn định và có thể trở thành người làm thuê thuần túy trên ruộng đồng của  mình. Thay vì mặc đồng phục để làm lao công, hoặc người phục vụ, họ sẽ mặc đồng phục ra đồng và tháng tháng chờ lương. Đó sẽ là những đồng lương thấp nhất trong bảng lương của công ty nào đó.

Nếu may mắn hơn, họ có thể trở thành đối tác cung cấp nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Nhưng với sự phụ thuộc hoàn toàn về quy trình sản xuất, về vốn liếng đầu tư, cũng như những hạn định về sản lượng. Người nông dân sẽ không có nhiều khả năng để đàm phán về giá trị của mình trong chuỗi giá trị của sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.

Ở kịch bản nào người nông dân vẫn cô đơn như thế, khi họ không thể có toàn quyền đối với những thửa ruộng của mình. Ngay cả khi thị trường đã sẵn sàng trả giá cao hơn với sản phẩm của những người nông dân vì sự an toàn, ngay cả khi ruộng đồng của họ có thể mang đến cơ hội làm giàu của những nhà đầu tư, người nông dân vẫn sẽ cô đơn trên ruộng đồng của mình như lâu nay vẫn thế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem