Ông Chủ tịch xã thú nhận: “Xấu hổ trước dân”

Nguyễn Quang Thân Thứ năm, ngày 15/09/2016 06:00 AM (GMT+7)
Tất cả tệ nạn chạy đua thành tích mà không biết khoan sức dân, được đồng thuận của dân đều dẫn tới thảm họa niềm tin và cả kinh tế, xã hội.
Bình luận 0

"Mùa đóng góp hãi hùng” có vẻ như đã vào từ điển và trở thành một đặc sản Thanh Hóa. Nhưng nó không ngon như nem chua, ngọt ngào như mía đường Thọ Xuân mà làm cay đắng lòng người. Cụm từ “mùa đóng góp hãi hùng” mang tên Thanh Hóa đã từng được nhà văn quá cố Phùng Gia Lộc khắc họa với đầy đủ chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm để đời “Cái đêm hôm ấy đêm gì” đưa lại vinh quang và cả nhiều cay đắng, phiền lụy cho tác giả.

Mấy chục năm sau, không ngờ mọi chuyện vẫn còn đó. Những tít báo giấy, báo mạng chính thống đã làm sôi sục công luận:“Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hóa: Kỳ dị khoản nợ Liễu Thăng và chuyện dân bị chính quyền... cấm cửa/ Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hóa: Dắt bò, thu xe và ép dân nghèo đóng góp như “xã hội đen” xiết nợ/ Mùa đóng góp hãi hùng ở Thanh Hóa: Nợ tiền đóng góp, dân nghèo bị tính lãi cắt cổ!/ Chủ tịch Thanh Hóa yêu cầu làm rõ "mùa đóng góp kinh hãi"/ Mùa đóng góp hãi hùng và nỗi phẫn uất của người bị thu giường: Chủ tịch Thanh Hóa nói gì? v.v.

img

Đông đảo người dân thôn 11 xã Hà Vinh đã đến với cuộc đối thoại sáng 14.9.

Những tít báo “giật gân gây giật mình” ấy đã dẫn tới một cuộc đối thoại vừa mới diễn ra hôm qua tại một trong 11 thôn của xã Hà Vinh (Hà Trung) giữa bà Lê Thị Thìn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và cán bộ huyện, xã, thôn, dân làng. Đây là một nét mới của Thanh Hóa. Có vấn đề khúc mắc lớn là có đối thoại để tìm ra giải pháp, tháo ngòi nổ nguy hiểm. Cách đây mấy năm, cũng nhờ một cuộc đối thoại cởi mở tương tự mà ông Mai Văn Ninh, nguyên Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa đã tìm được tiếng nói chung với bà con chợ Bỉm Sơn. Và gần đây, tháo gỡ chuyện đất đai Sầm Sơn cũng nhờ qua đối thoại trên-dưới, công khai và minh bạch mà yên ắng.

Những phát biểu thẳng thắn của bà con thôn 11 Hà Vinh đã là những minh họa sắc nét cho nhiều bài báo tố cáo “mùa đóng góp hãi hùng” trước đó. Đúng là báo chí không nói oan. Báo Tri thức trẻ đã cập nhật trực tuyến những phát biểu của bà con trong cuộc gặp gỡ sáng hôm qua tại xã Hà Vinh:

Anh Vũ Văn Niên: "Tôi đang lo lắng cháu 3-4 tuổi sắp đến tuổi đi học mà tôi ra xã thì chắc lại quay lại khoản "Nợ Liễu Thăng". Vì nợ sản, nợ đóng góp mà con anh có thể không được có một chỗ trong mẫu giáo hay lớp mầm.

Bà Nguyễn Thị Lụa: "Tôi xin hỏi lãnh đạo huyện, tỉnh là gia đình tôi được hộ nghèo nhưng cái gì cũng phải đóng góp. Chứ không được miễn gì thì được hộ nghèo làm gì?". Hộ nghèo vẫn là một hộ. Vẫn có nghĩa vụ ngang bằng với các hộ khác trong xây dựng nông thôn mới.

Một nông dân: “Con chúng em đi học đã đóng tiền ở trưởng rồi nhưng về nhà lại phải đóng theo khẩu nữa. Em đề nghị phải miễn giảm. Em cũng đề nghị các cấp lãnh đạo là chúng em không nhất trí cho ông thôn trưởng (thôn 11) hiện tại làm nữa". Con đi học đại học, cấp ba, trên 18 tuổi, bố mẹ nuôi toàn tập mà vẫn phải làm nghĩa vụ như khi còn tham gia lao động phụ lúc ở nhà.

Một người khác: “Tôi cần phải biết rõ lý do tại sao chúng tôi lại phải đóng sản? Bắt chúng tôi đóng hàng mấy triệu thì chúng tôi lấy đâu ra mà đóng với 2 sào ruộng?” Hai sào ruộng miền Trung là 1000 m2. Nông dân Thái Bình nổi tiếng làm ăn giỏi cũng chỉ làm ra 30 triệu đồng trên 1ha tức 10.000 m2. Hai sào giỏi lắm thu được 3 triệu đồng. Vậy mà xã thu “mấy triệu” thì nông dân còn gì để ăn, để nuôi con đi học, để may quần áo?

Một lão nông: “Các năm trước tôi chả biết thiếu sản là bao nhiêu nhưng gia đình tôi đã bị lấy ruộng. Gia đình tôi phải đi kiếm sống. Đến khi con tôi xây dựng gia đình, xã nói là gia đình tôi nợ 4 tấn thóc. Gia đình tôi còn không đủ ăn thì lấy đâu ra tiền mà đóng sản?"

Một người cha lên tiếng: "Tôi đã sinh cháu Long hơn 3 năm, xã không cấp giấy khai sinh cho cháu. Mỗi lần ra, cán bộ xã bảo là gia đình chưa đóng góp đầy đủ nên không cho làm giấy khai sinh.” 

Nợ đóng góp các khoản không trả được đã thành “nợ Liễu Thăng”- tức nợ khó đòi. Xã sẽ không cấp đăng ký kết hôn, không giới thiệu công an làm CMND để làm áp lực. Áp lực quá lớn thì bình nổ nhưng không ai quan tâm đến điều đó, cứ vi phạm quyền dân hoài hoài.

Nói đi thì cũng phải nói lại. Ngoài chuyện bớt xén, tham nhũng ra, còn là chuyện chạy đua thành tích Nông Thôn Mới (NTM) cho bằng chị bằng em. Muốn lên NTM mà không sẵn tiền, phải hô tiền dân, suy cho cùng thì cái khuyết điểm này cũng mang lại hậu quả không thua gì tham nhũng bớt xén.

Nghe bà con phát biểu tận tai, ông Lê Xuân Thảo- Chủ tịch UBND xã Hà Vinh nói: “Việc xảy ra mà nghe như thời phong kiến, chúng tôi cảm thấy xấu hổ trước bà con". Ông chủ tịch nói phải lắm, những chuyện thế này, không xấu hổ sao được?

Ai cũng muốn nông thôn khang trang, cuộc sống nông dân văn minh, sáng sủa. Nhưng không thể cầm cây lôi lên cho nó chóng lớn. Liệu cơm gắp mắm, cha ông dặn kỹ rồi. Tất cả tệ nạn chạy đua thành tích mà không biết khoan sức dân, được đồng thuận của dân đều dẫn tới thảm họa niềm tin và cả kinh tế, xã hội.

Đó không chỉ là bài học riêng của Thanh Hóa!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem