Sao gieo thói sát sinh, hung bạo nơi lễ hội?!

Nguyễn Quang Vinh Thứ hai, ngày 06/02/2017 06:19 AM (GMT+7)
Lễ hội cầu trâu (xã Hương Nha, huyện Tam Nông, Phú Thọ) vẫn diễn ra hàng năm và có hàng ngàn người tham dự. Cái dã man của lễ này là hình thức dùng búa đập đầu trâu đến chết, máu me tung toé rồi mới mang giết thịt cúng tế.
Bình luận 0

Tiết xuân, khách thập phương đi lễ chùa, đi hội lễ truyền thống ở các di tích văn hoá, lịch sử, cầu may, cầu phúc, cầu an...đó là những hoạt động văn hoá tốt đẹp, có từ ngàn năm…

Sức sống bền bỉ của cội nguồn văn hoá đó chính là gieo mầm phúc đức cho nhiều thế hệ, bồi bổ kiến thức lịch sử, kiến thức văn hoá cho con cháu trên nghĩa ghi ơn, tri ân các bậc tiền nhân, giáo dục hướng thiện, liên kết cộng đồng, xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Những hữu ích từ các lễ hội truyền thống là điều không phải tranh cãi, nó là mật ngọt, suối ngàn, kết nối nhiều thế hệ người Việt từ vùng núi cao đến đồng bằng, là hồn cốt, bản sắc dân tộc, là những nét riêng độc đáo của từng vùng miền, là hương vị sống ngọt ngào của các thế hệ người Việt.

Tuy nhiên, với sự vận động mạnh mẽ của cuộc sống, sự thay đổi của nhận thức, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin internet, khiến cho một lễ hội tập tục bé nhỏ ở một bản làng xa xôi cũng khiến cho cả cộng đồng biết tới, điều tốt là để quảng bá thu hút khách du lịch rất to lớn nhưng hệ luỵ của nó là không nhỏ.

Sàng lọc, lựa chọn, vận động để gìn giữ những lễ hội hữu ích, tụ đức, tụ nhân và cương quyết vận động hoặc quyết định loại bỏ những lễ hội mang tính lôi cuốn kích động bạo lực, những hủ tục dã man, có hại cho đạo đức xã hội, “nuôi dưỡng” tính hung hãn, côn đồ bằng những hành vi giành giật, cướp, giết, hiến linh gây phản cảm và bất an trong ý thức cộng đồng...

img

Tại lễ hội của làng Ném Thượng, Bắc Ninh, lợn đã được đưa vào nơi khuất để chém. Ảnh: L.Đ

Mùa lễ hội tết Đinh Dậu này có những tin vui rất đáng trân trọng ở các địa phương. Sau những góp ý, chấn chỉnh, vận động, nhiều lễ hội, tập tục địa phương mang tính hung bạo, dã man, phản cảm, sát sinh cúng lễ gây bất bình...đã được điều chỉnh lại hoặc loại bỏ.

Lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng, phường Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh vào mồng 6 tết đã được điều chỉnh: Mọi hoạt động lễ nghi giữ nguyên nhưng đã không tổ chức chém lợn ngay giữa sân đình mà đưa “ông ỉn” vào hậu trường kín đáo giết thịt dâng lễ. Thay đổi một hình thức tập tục chém lợn công khai, dã man bằng cách kín đáo hơn vẫn không làm thay đổi quy mô, không khí, tinh thần của lễ chém lợn truyền thống làng Ném Thượng là thành công của chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Ninh.

Hay như chiều 3.2 (mùng 6 tết), tại xã Bản Giản, Lập Thạch, Vĩnh Phúc đã tổ chức lễ hội “Đả cầu cướp phết” nhưng khác với mọi năm, lễ hội năm nay sẽ không tổ chức cướp cầu phết mà chỉ có rước kiệu thánh và kiệu phết. Các năm trước, sau khi ban tổ chức thực hiện lễ rước thánh du xuân xong sẽ thực hiện tung cầu cướp phết, tai nạn, gây gổ, xô xát trong cảnh cướp phết rất phản cảm, dư luận bất bình nay đã được loại bỏ. Dù thế, không khí, ý nghĩa của ngày hội vẫn như cũ, thanh bình, vẫn đầy ắp dấu ấn văn hoá truyền thống làng quê.

Hoặc UBND tỉnh Lâm Đồng vừa chỉ đạo giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội; dừng tổ chức các lễ hội đã được cấp phép nhưng có nội dung phản cảm, kích động bạo lực, đặc biệt không tổ chức nghi thức đâm trâu trong các lễ hội truyền thống.

Tuy thế, nhiều lễ hội, tập tục cổ hủ, mang tính dã man trong khi tiến hành hiến linh trâu bò vẫn đang diễn ra khiến dư luận trong và ngoài nước hết sức bất bình.

Lễ hội cầu trâu (xã Hương Nha, huyện Tam Nông, Phú Thọ) vẫn diễn ra hàng năm và có hàng ngàn người tham dự. Cái dã man của lễ này là hình thức dùng búa đập đầu trâu đến chết, máu me tung toé rồi mang giết thịt cúng tế. Hành vi nhiều người dùng búa đập đầu trâu đến chết gây phản cảm và dã man khiến cộng đồng phẫn nộ vẫn không thay đổi. Tại sao không thực hiện được như lễ chém lợn ở làng Ném Thượng, mang việc giết trâu tế lễ vào nơi kín đáo hơn để thực hiện? Sao cứ phải trưng ra cho được quá trình đầu rơi máu chảy ấy?

Hội Gióng ở đền Sóc (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) được tổ chức từ ngày 6 - 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, luôn diễn ra cảnh cướp lộc sau lễ tế. Hình ảnh cướp lộc rất phản cảm và bị cộng đồng phê phán nhiều năm nay nhưng hầu như những người có trách nhiệm vẫn bỏ ngoài tai?

img

Hình ảnh ghê rợn khi trâu bị treo cổ tới chết tại lễ hội đền Đông Cuông (Yên Bái).

Tôi cũng muốn nói về một lễ hội man rợ đang diễn ra ở đền Đông Cuông huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, gọi là lễ treo cổ trâu. Đền Đông Cuông được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia vào năm 2009.

Lễ hiến sinh (được thực hiện bằng hình thức treo cổ trâu trông rất ghê rợn) để cầu cho linh hồn những anh hùng đã hy sinh ở thác Ghềnh Ngai trên dòng sông Hồng trong cuộc chiến chống quân Nguyên Mông thủa trước. Sau khi trâu chết, những người trong đội hành lễ nhanh chóng chọc lấy tiết mang vào tế Mẫu.

Theo vị chủ tế, người ta còn lấy 9 chén tiết rồi mang ra bến sông Ghềnh Ngai để cúng các anh hùng dân tộc như Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng... những người đã góp sức cùng nhân dân cả nước kháng chiến chống quân Nguyên Mông. Còn trâu thì được làm thịt ngay tại chỗ và dâng lên đền Mẫu để cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhân dân khoẻ mạnh, sau đó được chia cho người dân dự lễ hội thụ lộc.

Trong những clip ghi lại phần nghi thức treo cổ trâu, cả ngàn người hò hét, kích động, cầm dây thừng gào lên, kéo, giật, lôi ngược cổ con trâu lên cao dưới cành cây, con trâu ngạt thở, giẫy giụa và chết trong tiếng reo hò của đám đông.

Đó là hành vi dã man khi tiến hành tập tục hiến sinh mà ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng và tháng Chín đều tổ chức.Chúng tôi cho rằng, ngành Văn hóa, UBND tỉnh Yên Bái cần có ngay chỉ thị loại bỏ hình thức treo cổ trâu dã man, việc làm lễ rồi đưa trâu đi giết thịt ở nơi khuất nhằm chấm dứt hành vi phản cảm và gây bất bình này vẫn không làm thay đổi ý nghĩa tri ân của lễ Đông Cuông.

Đây là hành động phải thực hiện ngay trong mùa lễ này.

Lễ hội là gieo duyên, cầu an, tụ đức, không thể gieo cảm giác hoặc thói quen sát sinh dã man, hành vi hung bạo, thái độ côn đồ do chính những tập tục mang lại.

Trong 7 ngày Tết Đinh Dậu 2017, có gần 4.500 người đến khám, cấp cứu do đánh nhau, trong đó 550 trường hợp xác định nguyên nhân do rượu, bia, 20 người tử vong.

Hành vi côn đồ của người Việt, đặc biệt là lớp trẻ trong ứng xử đang báo động.Càng như thế, những lễ hội có tính chất kích động, dẫn dụ cộng đồng vào hành vi dã man, thú tính hoặc mê muội trong thờ cúng...đều phải cương quyết loại bỏ.

Xin hãy để cho các lễ hội mang đầy ắp ý nghĩa nhân sinh, gieo duyên, cầu an, tụ đức.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem