Sập mỏ vàng, ém thông tin người chết để làm gì?

Ngọc Thọ Thứ bảy, ngày 27/08/2016 06:00 AM (GMT+7)
Mỗi nơi nói một kiểu, mỗi cơ quan cho một con số thương vong khác nhau và khác xa với con số mà những người dân có mặt tại hiện trường cung cấp.
Bình luận 0

Những ngày qua, dư luận xôn xao với vụ tai nạn lũ quét gây sập hầm vàng tại Mà Sa Phìn, xã Nậm Xầy, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Điều đáng nói là vụ sập hầm vàng xảy ra từ ngày 19.8, tính tới ngày 27.8, hơn 1 tuần lễ thế nhưng số người chết và bị thương trong vụ tai nạn này vẫn là một ẩn số. Mỗi nơi nói một kiểu, mỗi cơ quan cho một con số thương vong khác nhau và khác xa với con số mà những người dân có mặt tại hiện trường cũng như chính quyền thôn, bản, xã thông tin.

Cụ thể, ngày 23.8, lãnh đạo Công ty Cổ phần Vàng Nhẫn - đơn vị được cấp phép, khai thác và quản lý bãi vàng Mà Sa Phìn khẳng định chắc nịch, số lao động của công ty này chỉ có 2 người chết, thông tin có hàng chục người chết là thông tin “láo”.

Chiều ngày 23.8, trả lời các nhà báo, ông Phó Chủ tịch huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai tái khẳng định số người chết trong vụ sập hầm vàng này cũng chỉ ở mức 2 người. “Tôi cũng đã đọc báo và không biết thông tin đấy từ đâu, tôi khẳng định đến thời điểm này mới chỉ có chúng tôi vào được hiện trường chứ chưa có tờ báo nào vào được. Chúng tôi vào từ hôm 21.8, ở lại đấy 1 đêm, đến chiều hôm qua (22.8) mới ra đến trụ sở UBND xã, chưa hề nghe số lượng người chết nhiều hơn 2... Phía Công ty Vàng Nhẫn họ báo cáo chỉ có 2 người thiệt mạng, chúng tôi kiểm tra thực tế cũng chỉ ghi nhận vậy” - vị này nói.

Ngày 24.8, chính lãnh đạo địa phương, lãnh đạo Công ty Vàng Nhẫn này lại thừa nhận số người chết là 5 người.

img

Anh Bùi Văn Hà nạn nhân thoát chết trong vụ sập hầm vàng được đưa xuống điều trị tại một bệnh viện ở Hà Nội. 

Rồi cũng trong ngày 24.8, chỉ cách nhau có mấy tiếng đồng hồ sau khi thông tin tưởng chừng như là cuối cùng về số người thương vong trong vụ sập hầm vàng này được thống kê thì cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai lại đưa ra con số 7 người thiệt mạng.

Thế nhưng, trái ngược với những con số “khiêm tốn” và có “chừng mực” trên thì một số người dân được thuê khiêng các thi thể tử vong ra ngoài và được trả công thì khẳng định rằng số người chết là tới hàng chục, không có chuyện chỉ vài người.

Thì rằng, ai cũng hiểu trong thiên tai, địch họa diễn ra diện rộng con số thống kê về thương vong cũng cần khoảng thời gian. Thế nhưng, một vụ sập hầm vàng do lũ quét diện hẹp mà mất tới 7 ngày chưa thống kê được con số thương vong cuối cùng thì e rằng việc dư luận đặt dấu chấm hỏi nghi vấn về việc “ém nhẹm” thông tin về số người chết tại nơi đây cũng không hẳn là không có cơ sở.

Tuy nhiên, trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, tôi không tin ai lại có đủ can đảm để cố tình “ém nhẹm” thông tin, sự thật vì đó là một quyết định, tính toán hết sức ấu trĩ, sai lầm bởi chắc chắn một điều không ai có thể nào giấu giếm mãi được sự thật dù cho có thế lực hùng hậu tới cỡ nào. Tôi cũng tin rằng, những người cố tình “ém nhẹm” thông tin thừa hiểu được hậu quả nghiêm trọng phải gánh chịu khi việc làm đó sẽ gây khó cho cơ quan chức năng trong nỗ lực tìm kiếm, cứu nạn, hỗ trợ hậu thiên tai. Thậm chí, việc “ém” thông tin có thể bỏ sót những người đang bị vùi lấp, bị thương, mất tích nhưng vẫn thoi thóp và đang rất mong chờ được cứu sống.

Chẳng đâu xa, còn nhớ tại vụ sập bờ đập thủy điện Đăk Mek (xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) vào tháng 11.2012 đã làm chết một tài xế và khiến một công nhân khác trọng thương. Điều tắc trách là khi sự việc xảy ra, chủ đầu tư đã ém thông tin, tự xử lý và không hề báo cáo với cơ quan chức năng. Đến khi báo chí “phanh phui” thì chủ đầu tư lấp liếm: “Chúng tôi đã báo cáo các ngành chức năng của huyện về vụ việc”. Thế nhưng, lãnh đạo huyện Đăk Glei sau đó đã khẳng định mãi 5 ngày sau khi tai nạn xảy ra, huyện mới nhận được thông tin.

Rồi vụ vỡ đập thủy điện Dakrông 3 tại xã Tà Long, huyện Dakrong, tỉnh Quảng Trị năm 2012 tuy không thiệt hại về người nhưng đã cho “đi tong” 2 khoang tràn (dài 20m, cao 6m) của đập chính nhà máy, nước từ đập vỡ cuốn phăng hàng trăm tấn lương thực, hoa màu và cả gia súc của người nông dân nhưng chủ đầu tư là Công ty CP Thủy điện Trường Sơn vẫn cố tình “ém nhẹm” thông tin tới 7 ngày liền. Họ lấp liếm tới nỗi khi Chủ tịch UBND lẫn Bí thư Huyện ủy huyện Dakrông thấy nguy biến quá tới kiểm tra thì chủ đầu tư đã “lệnh” cho bảo vệ công trình ra “đuổi hết”. Tại cuộc họp xử lý trách nhiệm của chủ đầu tư, một vị lãnh đạo của huyện này đã phải bức xúc mà thốt rằng: “Các anh làm sao mà giấu nổi và tôi cũng không hiểu các anh giấu để làm gì nữa?”.

Quay trở lại vụ việc sập hầm vàng tại Mà Sa Phìn, ngày hôm nay, trên một số tờ báo, tôi thấy lời lý giải của ông Đỗ Văn Duy - Chủ tịch UBND huyện Văn Bàn về việc “chậm trễ thông tin số lượng người thiệt mạng” là do: “Đường đi lối lại khó khăn, điện và sóng điện thoại không có, nên công tác cập nhật không liền lúc được”.

Tới đây, tôi bất chợt nghĩ hơn 1 tuần lễ mà ngay tới cả người đứng đầu một huyện lại không nắm được chính xác số người thương vong trong một vụ tai nạn thương tâm ngay trên địa bàn mình quản lý (đã xảy ra tới cả tuần) để đến nỗi từ Hà Nội, Chính phủ phải có chỉ đạo “làm rõ thông tin 18 người chết” thì có lẽ những vị lãnh đạo địa phương này cần phải được kiểm tra… thính giác và thị giác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem