Tài xế, phụ xe buýt từ chối chở người khuyết tật hay sự quên lãng cố tình

Hà Phạm Thứ sáu, ngày 10/03/2017 08:29 AM (GMT+7)
Hôm qua, khi tôi hỏi Vân nghĩ gì về việc lái xe và phụ xe của một chiếc xe chặng Đà Nẵng - Hội An phải nghỉ việc trong mấy tháng vì từ chối người đi xe lăn lên xe của mình, Vân nói việc bị từ chối lên xe bus là việc thường ngày.
Bình luận 0

Người ta có thể dễ dàng nhìn thấy sự hào nhoáng, sự xô bồ hay sự giàu có của một đô thị bằng nhiều cách. Nhưng chỉ có một số cách để nhận ra một đô thị có văn minh và tử tế hay không, là nhìn vào cách đô thị ấy dành những lối đi như thế nào cho người khuyết tật.

Tôi đã ngạc nhiên đến mức lặng người khi nhìn thấy những người khuyết tật đi lại dễ dàng như thế nào ở Nhật Bản. Họ có lối đi riêng ở tất cả các con đường, trên những vỉa hè dù nhỏ xíu. Mỗi ngã ba, ngã tư có đèn tín hiệu, bao giờ cũng có những hiệu lệnh qua đường bằng âm thanh để người khiếm thị cũng có thể tự sang đường một mình - điều mà ngay cả người nhìn rõ đường đi lối lại ở Việt Nam cũng không dám đi lại tự tin như vậy. Ở Việt Nam, nói đến lối đi riêng cho người khuyết tật là nói đến một sự xa xỉ lạ kỳ, một quên lãng cố tình trong khi những cao ốc ào ào mọc lên và những con đường lớn ào ào mở ra. Người bình thường đi lại trong thành phố còn khó, huống chi những người ngồi trên xe lăn hoặc không nhìn thấy đường.

img

Tài xế và phụ xe buýt từ chối chở người khuyết tật. Ảnh cắt từ clip

Ba năm trước, cô gái xương thủy tinh Nguyễn Thị Thu Thương phải dời Trung tâm của mình làm từ nội thành về quê Phú Xuyên để mở rộng việc sản xuất những đồ vật xinh xắn bằng giấy cuốn, dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho những người khuyết tật khác. Khó nhất của Thu Thương là việc phải đi lại thành phố mỗi khi có việc cần. Thương luôn luôn có người nhà đi cùng, nhưng việc đưa cả cô và xe đẩy lên xe bus là một việc quá khó. Khó vì xe bus luôn vội vã, không mở rộng được cửa, khó vì lái và phụ xe không giúp đỡ. Rất nhiều lý do. Và đành thuê taxi để đi, chịu thêm chi phí cho việc đi lại trong khi Thương phải tiết kiệm từng đồng để lo cho Trung tâm. Ba năm nay, câu chuyện này không giải quyết được. Thương không thể có mặt trên các phương tiện giao thông công cộng

Nguyễn Thị Vân - Giám đốc Trung tâm Nghị Lực Sống, một cô gái khuyêt tật ngồi xe lăn nổi tiếng trong cộng đồng về nghị lực, về trí tuệ, tham gia rất nhiều những hoạt động vì người khuyết tật, bởi thế cũng đi lại khá nhiều. Hôm qua, khi tôi hỏi Vân nghĩ gì về việc lái xe và phụ xe của một chiếc xe chặng Đà Nẵng - Hội An phải nghỉ việc trong mấy tháng vì từ chối người đi xe lăn lên xe của mình. Vân nói việc bị từ chối lên xe bus là việc thường ngày. Nó bắt đầu từ định kiến và phân biệt đối xử chứ chẳng hề vì nghèo. Tham gia được vào các phương tiện giao thông công cộng luôn là điều quá khó vói người khuyết tật. Cửa xe luôn không đủ rộng cho xe lăn lên, người lái hoặc phụ lái luôn thiếu hỗ trợ…Tóm lại, “đời nhiều người vô tâm và ích kỷ, họ chưa rơi vào hoàn cảnh của người khuyết tật nên không hiểu được”.

Thái độ vô tâm và ích kỷ ấy có thể nhìn thấy quá rõ trong một clip mới đây quay tại Đà nẵng, nhân viên không phục vụ khách là người khuyết tật. Chuyện đó không hiếm, đáng nói là ngày 8.3, Hợp tác xã Vận tải Thủy bộ - Du lịch Hội An (thuộc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Quảng Nam), cho biết đã đình chỉ công tác một tháng tài xế Phan Nguyễn Duy Lâm, lái xe buýt biển số 92B -008.69 do không phối hợp tốt với nhân viên trong phục vụ khách là người khuyết tật. Còn nhân  viên phục vụ xe buýt này, bị đình chỉ công tác không lương 3 tháng. Hành động của tài xế Lâm và phụ xe Trường được đánh giá “làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh xe bus”. Đây là một điều khá mới mẻ. Tuy nhiên, quá ít ỏi để cho rằng các đơn vị vận tải sẽ rút kinh nghiệm để đối xử với người khuyết tật tốt hơn. Bởi việc này phải được quan tâm sâu rộng và đồng bộ hơn chứ không thể chỉ là chuyện trong một cơ sở.

Khó tham gia giao thông công cộng, cùng với việc không có lối đi riêng vẫn cứ là vấn đề muôn thủa với người khuyết tật. Ai cũng biết toàn bộ các thiết kế điển hình do Bộ Xây dựng ban hành sau năm 2002 như trường học, trụ sở làm việc, nhà văn hóa, bệnh viện, chung cư... đều đảm bảo cho người khuyết tật có thể tiếp cận được, là điều nằm trên giấy. Còn hầu hết tại các địa phương trên cả nước, việc áp dụng các quy chuẩn xây dựng, đều không được thực hiện đầy đủ.

img

Người khuyết tật được quan tâm, tạo điều kiện khi tham gia giao thông tại nước ngoài. I.T

Đã lâu lắm rồi, tôi có nghe chị Nguyễn Hồng Hà - Giám đốc Trung tâm Sống độc lập của Hội Người khuyết tật Hà Nội cho biết trong các công trình xây dựng, người ta hay làm thiếu đường dốc lên xuống, và độ dốc cao hơn so với quy định, góc cua gấp, độ rộng của đường dốc không đủ theo tiêu chuẩn, cửa ra vào nhà vệ sinh không đủ rộng để xe lăn của  người khuyết tật vào. Cần phải để người khuyết tật  tham gia vào các khâu, từ thiết kế đến giám sát thi công, bàn giao công trình...  thì mới tránh được tình trạng nhiều công trình có làm cho người khuyết tật, nhưng chỉ là hình thức trên giấy...

Điều ấy cho đến giờ vẫn không thay đổi. Xây dựng rất nhanh, nhưng nhiều công trình không có chỗ để xe cho người khuyết tật, hoặc có hầm để xe nhưng độ dốc lên xuống hầm quá lớn. Ngoài ra, nhiều tòa nhà có thang máy nhưng không có âm thanh báo hiệu cho người mù, hoặc có thang máy nhưng lại ở trên tầng hai, trong khi người khuyết tật chỉ có thể tiếp cận được vài tầng một.

Nhưng dẫu thế nào việc xử phạt nhân viên không phục vụ người khuyết tật của  Hợp tác xã Vận tải Thủy bộ - Du lịch Hội An ít ra cũng khiến ai đó giật mình và nhìn lại.

Sự tử tế văn minh của xã hội được xây đắp từ những việc làm như thế!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem