Tè bậy phạt 2 triệu đồng, nỗi bi hài vừa giận vừa thương

Nguyễn Mỹ Linh Thứ năm, ngày 16/02/2017 07:34 AM (GMT+7)
Giữa thế kỷ 21 mà công an ăn học mất mấy năm, làm trong lực lượng trinh sát chứ đùa đâu, lại phải hóa trang và ra tay để bắt người tiểu tiện bậy.
Bình luận 0

Chị nghĩ gì về bài báo này? Một đồng nghiệp gửi đường link cho tôi bài báo với nội dung 3 lái xe taxi bị xử phạt vì đi vệ sinh không đúng nơi quy định. Một khán giả khác inbox tỏ ý bất bình: " Làm gì có nhà vệ sinh công cộng mà chẳng tè bậy, chị không thấy thế à".

Hậu Valentine của tôi là mấy câu hỏi như thế.

Kỳ lạ chưa? Một hành vi thiếu văn minh bị xử phạt là lẽ thường, có gì mà bàn luận. Ấy thế mà nó vẫn bị mang ra để bàn luận.

Sao lại thế?

Tôi nghĩ, ở chúng ta có khá nhiều quy định hết sức đúng đắn tuy thế bên cạnh nó cũng có rất nhiều những bất cập từ sự thiếu hoàn chỉnh và đồng bộ trong quá trình thực hiện các quy định này, và từ đó sinh ra tâm lý “auto chê” của công dân nước Việt.Chê đã, cân nhắc thấu đáo sau.

Tôi đọc báo, vừa thấy bi vừa thấy hài. Thương nhất là phát hiện tè bậy lại do công an trinh sát hoá trang. Ai đời, giữa thế kỷ 21 mà công an ăn học mất mấy năm, làm trong lực lượng trinh sát chứ đùa đâu, mà lại phải hóa trang và ra tay để bắt người tiểu tiện bậy.

img

Có lẽ chưa thấy ở xứ nào mà một quy định xét về lý là rất xác đáng lại gây ra ý kiến nhiều chiều như thế.  Bên ủng hộ điều 20 nghị định 155/2016/ NĐCP là hoàn toàn đúng đắn. Việc vứt rác và phóng uế nơi công cộng cần bị xử phạt. Chúng ta luôn mơ ước được sống trong một đất nước văn minh sạch đẹp, chúng ta luôn lấy gương Singapore trong việc xử phạt tội vứt rác nơi công cộng, vậy chẳng có lý lẽ nào để không ủng hộ nghị định này.

Nhưng ngược lại "không có nhà vệ sinh công cộng thì đành tè bậy chứ biết làm sao" cũng là một thực tế khiến chúng ta động lòng. Vậy làm sao để có một giải pháp thấu đáo?

Có lẽ phải từ 2 phía, từ chính nhận thức của người dân với nghĩa vụ sống văn minh của mình, và từ cơ quan quản lý - có thẩm quyền để tạo ra sự văn minh ấy.

Có một sự thật là rất nhiều người Việt Nam ngộ nhận rằng  ở "Tây" nhà vệ sinh công cộng rải khắp nơi và vì ta không nhiều nên ta hay tiểu bậy. Đúng và sai.

Tôi may mắn được đi cũng nhiều, rơi vào tình cảnh cuống quít cũng vài ba bận nên rất hay để ý chuyện này. Nhà vệ sinh công cộng ở các nước phát triển được rải chủ yếu ở những khu tập trung nhiều hoạt động cộng đồng và khách du lịch như công viên, vườn hoa, khu mua sắm, danh lam thắng cảnh, khu trung tâm tập trung đông người qua lại. Rời ra khỏi những khu đó, là chuyện đã khác.

Vậy công dân các nước khác làm gì với nhu cầu tối thiểu của họ khi lỡ độ đường?

Tôi nghĩ làm công dân Việt Nam ngoài những nỗi niềm như tắc đường, thực phẩm bẩn thì cũng có muôn vàn sự may mắn khác, và một trong những điều may mắn ấy là đòi nhà nước chăm lo cho cả "chuyện đi tè ".

Cảnh giục nhau đi vệ sinh trước khi ra khỏi nhà, trước khi rời bàn ăn ở nhà hàng, và tích xu để phòng lúc nhỡ ra ngoài phố là kỹ năng "thoát hiểm" của công dân nhiều nước.

Cảnh hồn nhiên sống, hồn nhiên uống bia, hồn nhiên tè bậy - là đặc quyền của công dân Việt Nam - một đặc quyền xuyên thế kỷ 20 sang tận 21. Một đặc quyền hoang sơ và tất nhiên rất đáng… nộp phạt.

Một người trưởng thành, biết lo cho mình "đầu vào", vậy việc thu xếp ổn thoả cho "đầu ra" phải được coi là một trong những tiêu chuẩn để xác định đã là người văn minh, lịch sự. Tuy thế, tôi cũng nghĩ đến một đặc tính khác của dân nước nhiệt đới và còn nghèo, ấy là thực hiện nhiều hoạt động sinh sống ở ngoài phố, dưới lòng, lề đường.

Những công dân sinh sống bằng cách này, có lẽ chính họ là đối tượng cần được hướng dẫn và tạo thói quen sinh hoạt ở những thành phố văn minh. Một cô bán trái cây dạo chắc chắn không đủ tự tin bước vào Tràng Tiền plaza để giải quyết nhu cầu cá nhân, một anh tẩm quất hay lái taxi khó lòng vượt qua e ngại khi xông vào Takashimaya để tìm chỗ đi tiểu, và họ - chính là đối tượng cần được hỗ trợ phương tiện để học sống văn minh hơn.  

Phương tiện ấy - rất giản dị là những nhà vệ sinh công cộng dưới nhiều hình thức, được đặt trong những khu dân cư khiêm tốn hoặc nơi nhiều người qua lại.Tất nhiên việc xử phạt là đúng đắn, nhưng nghị định ấy sẽ thấu đáo hơn nhiều khi nó đi cùng với những giải pháp để hỗ trợ công dân tuân thủ nghị định.

Thiếu một trong hai vế, sẽ khó thành một vòng hoàn chỉnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem