Nhìn lại 26 năm qua (từ 1993), nghĩa là từ cái năm Ban Tổ chức Trung ương Đảng ta ban hành quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm cán bộ làm lãnh đạo phải có đủ 7 bằng cấp, chứng chỉ thì mới xem xét bổ nhiệm thì đúng là có gì đó không còn phù hợp.
Đại để như phải có bằng Đại học, bằng cử nhân Chính trị của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, bằng Hành chính Nhà nước, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ tin học, chứng chỉ đào tạo quản lý và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn.
Đó là chưa tính đến đối tượng bổ nhiệm cán bộ từ cấp vụ trưởng trở lên thì còn phải có cả chứng chỉ bồi dưỡng nâng cao kiến thức về An ninh Quốc phòng...
Về chuyện bằng cấp trong tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức, viên chức, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Phúc (Hưng Yên) cho rằng vẫn chưa được rõ ràng và còn tồn tại nhiều bất cập. Tiêu chuẩn về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học, theo Đại biểu này còn mang tính hình thức. Nhiều cán bộ, viên chức đã đăng ký các lớp học ngoại ngữ, tin học nhưng thời gian thực học rất ngắn, các chứng chỉ được cấp không thực chất. Điều này cho thấy nó vừa mang tính đối phó lại vừa tốn kém cho cán bộ, công chức...
Như vậy, đã có gì đó quá lạc hậu, nhất là vài năm qua, khi Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã đi tới mọi quốc gia tự bao giờ thì sao lại vẫn cần có một chứng chỉ về tin học, về ngoại ngữ?
Điều cần thay đổi là một cuộc cách mạng trong xây dựng từng môn học về thời lượng cho mỗi môn để có thực chất hơn. Những thứ đó phải coi là tất yếu, là tối thiểu khỏi bàn một khi ai đó đã tốt nghiệp đại học.
Tôi có tìm hiểu từ một số nhà giáo thuộc trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội thì được biết: Hiện nay, việc học theo học phần, với từng tín chỉ (mỗi tín chỉ là 15 tiết học) đã cho thấy tính ưu việt nhất định so với trước.
Song, có một thực tế, theo yêu cầu tối thiểu, 1 tiết trên lớp học cần có 4 tiết tự học thì mới hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng sinh viên có nhiều khó khăn, phải đi làm thêm để kiếm sống cho nên ít đáp ứng đòi hỏi tối thiểu đó.
Học ngoại ngữ, học tin học mà không có thời gian thực tập thì sẽ vô vàn khó khăn. Vì lẽ đó, nếu môn ngoại ngữ trước đây là 14 tín chỉ (210 tiết) thì nay, quy định mới nhất, ĐHQGHN chỉ quy định 5 tín chỉ (75 tiết) ngoại ngữ trong kiến thức chung thì rất khó khăn khăn dùng vào công tác chuyên môn khi ra trường nếu không tự học (vì theo Khung trình độ quốc gia thì THPT có trình độ A2, đại học có trình độ B1. Từ A2 lên B1 chỉ 5 tín chỉ (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phải bổ sung 9 tín chỉ vào phần của kiến thức chuyên môn).
Hoặc như môn Tin học trước đây có môn Tin học cơ sở 3 tín chỉ (45 tiết) thuộc kiến thức chung. Nay ĐH Quốc gia HN bỏ ra khỏi kiến thức chung, mà tùy tính chất chuyên môn của các trường mà đưa vào kiến thức của Trường. Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đưa vào kiến thức lĩnh vực (M2) của toàn trường, gọi là môn Tin học ứng dụng 3 tín chỉ. Trong khi đó, các môn về chính trị lại có số tín chỉ quá lớn.
Trong khi đó, so với số sinh viên đi du học về nước làm việc, họ học với thời gian tương tự chúng ta, thậm chí ngắn hơn chúng ta nhưng lại không học chính trị như sinh viên trong nước. Thay vào đó họ tự học nhiều hơn đã cho thấy lợi thế ra sao về chuyên môn nếu tổ chức thi tuyển chung.
Tôi đã hơn một lần kiến nghị vấn đề nói trên đến lãnh đạo bộ Giáo dục Đào tạo tại những diễn đàn công khai, tại giao ban báo chí của Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương khoảng 20 năm trước và cả trong các bài báo tôi viết hàng chục năm gần đây... Đến nay, tuy chuyển biến ít nhiều, thậm chí có môn học cũng đã giảm đến nửa thời gian nhưng vẫn chưa thật hài hoà so với những môn khác cần tăng cường thêm.
Hiện tượng sinh viên muốn có chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ để có thể dùng được trong công việc khi ra trường, các em đều phải bỏ thêm tiền ra học ở ngoài. Như vậy rất đáng tiếc khi mà học phần về các môn chính trị cho sinh viên khoa học kỹ thuật,công nghệ , sinh viên tài chính, kinh tế... lại chưa cân đối, còn rất nặng, khi ra trường không ứng dụng được bao nhiêu. Nếu là dân Khoa học xã hội mà học nhiều giờ môn này thì là một nhẽ...
Quay trở lại quy định tuyển chọn lãnh đạo mà cần đến 7 bằng cấp, chứng chỉ như hiện nay, tôi thấy rằng rất không ổn. Giá như đó là những tấm bằng và chứng chỉ thực chất thì cũng tốt thôi. Song, tôi có cảm nhận trong tổng số từng đó thứ, có những thứ chứng chỉ là hình thức, mang tính đối phó để “làm đẹp hồ sơ” chứ không có tác dụng cho công tác. Đã có biết bao chứng chỉ dỏm họ “chạy” mà có bị tổ chức phát hiện ra và bị kỷ luật chúng ta cũng đều biết.
Số những lãnh đạo cao cấp dùng thành thạo ngoại ngữ cho công việc hiện cũng không thật phổ biến. Ví như cấp lãnh đạo ở địa phương là cấp Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố cũng không có bao nhiêu dù rất nhiều người trong đó đều có chứng chỉ ngoại ngữ này nọ nhưng không thể ứng dụng khi cần.
Mới đây, hôm 5/11, tôi được may mắn dự buổi chiêu đãi của Chủ tịch thành phố Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ với một số lãnh đạo thuộc Tổng cục Thể dục Thể thao, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức giải bóng đá Quốc tế U21... Trong buổi tiếp đãi này còn có ông Juergen Gede, Giám đốc kỹ thuật VFF cùng phu nhân.
Thế rồi tôi đã thật sự bất ngờ khi nghe ông Chủ tịch thành phố Đà Nẵng nói chuyện thân tình bằng một thứ tiếng Anh không chỉ tinh tế, sâu sắc mà còn rất uyển chuyển cả về phát âm với ông bà người Đức nói trên đến hàng chục phút được dịch lại để chúng tôi cùng nghe.
Để dịch lại cho những vị khách cùng ngồi hiểu ý ông Thơ đang nói gì với ông bà Juergen Gede, mọi người sực nhớ đến sự hiện diện của anh Trần Song Hải, một doanh nhân rất thông thạo tiếng Anh tại bữa tiệc. Ông Huỳnh Đức Thơ nói tiếng Anh với ông Giám đốc kỹ thuật VFF và phu nhân nghe về tình yêu bóng đá của người dân Việt; về thành công bước đầu trong bóng đá thành tích cao và khâu đào tạo trẻ của Việt Nam mấy năm gần đây; về quá trình Đà Nẵng sốt sắng nhận đăng cai giải đấu Quốc tế ra sao…
Tiêu chí chọn lãnh đạo có nhiều bằng cấp hiện nay chưa thể đảm bảo đã chuẩn nhất, chọn lãnh đạo có bằng cấp nhiều chưa chắc đã đủ. Nên chăng, hãy đánh giá sự thực tài và thực học của họ sẽ tốt hơn, thực chất hơn dù biết rằng, về nguyên tắc công tắc cán bộ, về “quy trình” cũng vẫn cần có những quy định nào đó để chuẩn hoá công tác cán bộ, tránh cảm tính.
Có như vậy, công tác tuyển chọn người tài mới đúng và trúng, đảm bảo bộ máy Nhà nước được sự cống hiến của những người thực sự có năng lực chuyên môn cũng như đạo đức tốt nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.