Xóa sổ "bún mắng cháo chửi" và văn hóa người ăn

Nguyễn Quang Thân Thứ sáu, ngày 30/12/2016 05:30 AM (GMT+7)
Người Hà Nội không thể thích thú hay tự hào gì về những cái quán "bún mắng, cháo chửi" quái đản có một không ai ấy. Nói quá đi đó là những cái quán làm mất mặt thủ đô, xúc phạm truyền thống người Việt.
Bình luận 0

img

"Bún mắng, cháo chửi" từng lên sóng CNN. Ảnh chụp màn hình

Phở chửi, cháo chửi, bún mắng đều mang nhãn Hà Nội và hầu như chỉ có ở Hà Nội. Món gì lạ, độc đáo có một không hai mà CNN - hãng thông tấn lớn nhất thế giới mới đưa vào chương trình ẩm thực Parts Unknown rất quen thuộc và được nhiều người theo dõi của mình? Vậy là, thế giới thêm một phen được thưởng thức một món lạ của văn hóa ẩm thực vốn rất được ưa chuộng của người Việt.

Tự nhiên không hiểu sao nhiều người cứ phát rồ lên như mới phát hiện được một kho vàng. "Bún chửi lên mạng!", đầu bếp Anthony Bourdain nổi tiếng thế giới, người đã từng ngồi ăn bún chả với Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đến thưởng thức "bún chửi"! Nhiều trai thanh gái lịch Hà Nội, nghe thế cũng kéo đến để được ăn bún (không biết có ngon thật không?) và để được nghe…chửi! Họ chen nhau chụp ảnh "tự sướng" với bà chủ quán có bộ mặt rất "lì" và một thân hình núc ních. Bà này nói, "chị nhiều lúc nóng tính, chị chửi chứ chẳng có bụng dạ gì"! Thế là cả làng cười huề với nhau rồi ăn tiếp! Cha mẹ ơi! Sao người Hà Nội thanh lịch ngày nay lại dễ tính đến thế?

Thực ra các món "đặc sản" Hà nội này đã xuất hiện từ lâu, tất nhiên không phải từ thời xa xưa khi thủ đô còn e lệ khiêm nhường khi tự thấy mình quá xinh đẹp. Cái thời Hà Nội còn được các nhà thơ ngoại quốc ngợi ca bằng thơ, "Hồ Gươm lẵng hoa giữa lòng thành phố/Mà Sông Hồng là dải lụa vòng quanh", khi du khách từ giã thủ đô cảm thấy "Con tàu đưa tôi về phía trước/ Mà trái tim tôi đi ngược về sau"… đã xa rồi. Tôi không nhớ chính xác thời nào nhưng Hà Nội đã có một thời đáng yêu, thanh lịch như thế. Cháo chửi cũng không thể xuất hiện trong thời bao cấp khi quán hàng ăn vặt trên đường phố hiếm như sao buổi sáng, các cô mậu dịch viên nói chung là có thói chảnh chọe, vênh mặt khó coi, nhưng cũng không đến nỗi (mà cũng không dám) chửi khách của mình. Là người sống lâu năm ở Hà Nội, tôi có thể cam đoan chắc cái thứ "chửi" này chỉ xuất hiện khi cung cách ứng xử của một số người dân Hà Nội xuống cấp. Chắc chắn nó sinh ra và được chấp nhận dần dần cùng với sự xuống cấp cũng từ từ nhưng rất đáng kinh hãi của đạo đức, văn hóa đường phố, của một số cư dân thủ đô.

Người bán hàng có tầm văn hóa lạ đến mức không còn biết tiếng chửi, la mắng tục tĩu, thô bạo của mình với khách là vô văn hóa, là lạc loài với truyền thống không chỉ của Hà Nội mà của người Việt nói chung!

img

Dù bị mắng, chửi nhưng khách ra vào quán vẫn nườm nượp

Còn khách ăn quà? Phải chăng họ cũng đã tha hóa đến nỗi quên cả câu cha ông dặn, "miếng ăn là miếng nhục", họ coi miếng ăn dù có là miếng "đỉnh chung" hay cao lương mĩ vị đi nữa to hơn cả nhân phẩm của người ăn? Sự xuống cấp song đôi gặp nhau ở điểm thấp kém của đạo đức và từ cái điểm gặp đáng xấu hổ ấy của người bán và người ăn, đã ra đời các quán chửi. Sản phẩm của một thời rối loạn kỷ cương, phép tắc? Người ta hình như không còn quan tâm cư xử hành động thế nào cho phải phép, phải đạo, thậm chí cho đúng luật pháp với khách hàng.

Tôi không hiểu CNN đưa tin về quán "cháo chửi" của Hà Nội có mục đích hay ẩn ý gì. Cũng có thể họ thích thú với một "chuyện lạ" (Unknown) thuần túy hiếu kỳ. Cũng có thể có ý chê bai hay ẩn ý gì khác chăng. Có thể với người Phương Tây câu chửi thề có ý nghĩa khác với người Việt. Có lần đi chơi với một bạn người Pháp, hai chúng tôi dừng lại ven đường để nghe hai bà chửi nhau bên ruộng rau muống vì cái cớ gì đó. Anh bạn Pháp hỏi tôi họ chửi như thế nào mà cả hai có vẻ giận dữ đến thế. Tôi đành dịch láo: "Bà mặc áo nâu đang muốn vi phạm tiết hạnh của mẹ người mặc áo xanh nên bà áo xanh tức giận nguyền rủa lại mà thôi". CNN dịch như thế nào vụ "quán chửi" để biện minh mục đích họ đưa tin tôi không biết. Nhưng người Hà Nội thì không thể mơ hồ. Người Hà Nội không thể thích thú hay tự hào gì về những cái quán quái đản có một không ai ấy. Nói quá đi đó là những cái quán làm mất mặt thủ đô, xúc phạm truyền thống "lời chào cao hơn mâm cỗ" của người Việt. Những cái mụn nhọt ấy chẳng hay ho gì, nên thay đổi hoặc dẹp bỏ.

Thật khó hiểu và gây phản cảm nếu ai nói đó là một thứ văn hóa mới lạ của Hà Nội. Quả thật, nếu không phân tích cội nguồn, nếu cứ nhẹ dạ và coi "mâm cỗ cao hơn lời chào" thì lâu ngày sẽ có nhiều quán như thế mọc lên và lâu nữa, sẽ thành một thứ văn hóa quái đản, nếu coi văn hóa là những gì con người không quên được.

Hà Nội đang lập quy tắc ứng xử nơi công cộng và công sở. Muộn nhưng còn hơn không bao giờ. Những "quán chửi" vẫn cứ tồn tại nếu còn những người Hà Nội thích ăn bún ăn phở mà không cần quan tâm đến ăn như thế nào, không biết nghẹn mà còn cười cợt trước nỗi nhục bị mắng chửi thì đưa nhanh quy tắc ứng xử này vào đời sống là không thể chậm trễ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem