Chủ tịch huyện đặt cược uy tín vào cây mắc ca

Minh Phú (thực hiện) Thứ tư, ngày 03/12/2014 05:48 AM (GMT+7)
Bên cạnh những lời bàn ra cũng có không ít ý kiến đồng tình, ủng hộ đối với ông Lê Văn Tùng - Chủ tịch UBND huyện miền núi Sơn Tây, khi ông quyết cho triển khai thí điểm trồng cây mắc ca trên diện tích lớn, với kinh phí hàng tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương.
Bình luận 0

Để hiểu rõ hơn về quá trình thực hiện dự án trên, phóng viên NTNN đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Tùng.

Mạo hiểm để dân giàu lên

Ông có thể cho biết sơ lược dự án, và đến thời điểm này cây mắc ca đã phát triển ra sao?

img
Cán bộ huyện Sơn Tây kiểm tra sự phát triển của cây mắc ca.    M.P
- Mô hình thí điểm trồng cây mắc ca ở Sơn Tây thực hiện từ đầu tháng 9.2014, tại 3 địa điểm ở 3 xã: Sơn Bua, Sơn Liên và Sơn Long, với diện tích là 2ha/điểm, tổng kinh phí lên đến 1,29 tỷ đồng. Sau gần 2 tháng xuống giống, cây mắc ca đã phát triển khá tốt, với chiều cao ước tăng khoảng 20cm.

 

Vì sao ông lại quyết định chọn mắc ca mà không phải là cây trồng quen thuộc lâu nay ?

- Sau khi nghe giới thiệu trên một số phương tiện thông tin báo, đài về giá trị kinh tế của mắc ca là vô cùng hấp dẫn nên chúng tôi đã tìm hiểu, đồng thời chỉ đạo bộ phận chuyên môn tiến hành khảo sát, đánh giá... Kết quả cho thấy điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Sơn Tây hoàn toàn phù hợp với loại cây này. Với những loại cây trồng quen thuộc thì người dân đã làm tốt rồi, không phải tốn thêm tiền để đầu tư làm thí điểm nữa.

Nhiều người cho rằng chính quyền Sơn Tây đã "liều" khi đầu tư hàng tỷ đồng ngân sách để trồng loại cây quá mới này ?

- Từ trước đến giờ không chỉ Quảng Ngãi mà nhiều tỉnh thành khác cũng chưa trồng thử nghiệm mắc ca. Nói liều thì không sai vì đây là loại cây quá mới. Tuy nhiên cái liều này đã được đánh giá trên cơ sở khoa học. Để dự án này được thực hiện là cả một quá trình, với không ít "cửa ải" phải vượt qua. Theo đó, ngoài việc hàng chục lần đi kiểm tra, tìm hiểu thực tế, tổ chức hội nghị; dự án này đã được các cấp ủy, chính quyền huyện bàn bạc và biểu quyết, cuộc họp bất thường của Hội đồng nhân dân huyện thông qua...

Tuy số tiền đầu tư tính bằng tỷ đồng là rất lớn so với điều kiện ngân sách của Sơn Tây, thế nhưng không phải bỏ ra một lần mà kéo dài trong 4 năm nên không gây ảnh hưởng nhiều. Nói thật bao năm qua, quanh đi quẩn lại với các cây trồng truyền thống, quen thuộc chỉ có một ít là khá lên. Còn đại đa số gia đình nơi đây cũng chỉ đủ ăn. Với giá trị kinh tế của cây mắc ca, nếu thành công thì cơ hội đổi đời của người dân nơi đây rất lớn. Nếu không liều, mạo hiểm thì bao giờ cuộc sống của người dân Sơn Tây mới khá lên được.

Giấc mơ về một “thủ phủ” mắc ca

Lâu nay diện tích của mô hình điểm chỉ vài trăm m2, hoặc nhiều lắm là 1ha, nhưng Sơn Tây lại làm 6ha, có quá lớn không ?

- Không như nhiều loại cây trồng khác, để có sự đánh giá chính xác về sự phát triển và hiệu quả của cây mắc ca thì diện tích mỗi điểm trồng ít nhất là 2ha và phải làm từ 3 điểm trở lên. Vì vậy không thể đem diện tích trồng 6ha của cây Mắc ca so sánh với mô hình thí điểm các loại cây trồng khác trước đó, rồi nói là lớn, nhỏ được.

Nhiều người cho rằng không chỉ mạo hiểm, mà ông còn "cược" danh tiếng của mình vào mô hình này?

- Là người đưa ra ý tưởng, cho nên để mô hình được triển khai, tôi đã phải trình bày, bảo vệ rất nhiều lần trước lãnh đạo và các ban ngành liên quan của tỉnh và huyện. Cũng có nhiều ý kiến nghi ngờ, ngăn cản; đồng thời lo ngại nếu một khi mô hình thất bại sẽ làm ảnh hưởng đến danh tiếng của bản thân tôi. Ở một số lĩnh vực nhất định, đôi khi đòi hỏi ở người lãnh đạo cần có sự mạnh dạn, quyết tâm mới có thể tạo ra sự chuyển biến. Nói thật nếu chẳng may xảy ra rủi ro với mô hình này, có bị kiểm điểm tôi cũng không buồn nhiều. Bởi lẽ bản thân tôi nhận thấy việc làm của mình là đúng và hoàn toàn có lợi cho người dân.

Ông có thể chia sẻ một vài suy nghĩ của mình một khi mô hình này thành công?

- Còn quá sớm để nói về sự thành bại của cây mắc ca đã trồng tại đây. Tuy nhiên với riêng tôi, thì lợi nhuận mang lại từ mắc ca thu về chỉ cần ở mức khoảng 100 triệu đồng/vụ/năm so với lý thuyết là 500-900 triệu đồng/vụ/năm, đã quá thành công rồi. Lúc đó không cần ai khuyến khích, hay hỗ trợ thì hàng loạt cây trồng kém, ít giá trị sẽ được người dân tự phá bỏ để trồng mắc ca. Sơn Tây sẽ được biết đến là thủ phủ của mắc ca, với thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ.

   Cây mắc ca (tên quốc tế là Macadamia), có chiều cao lên tới 18m, có tuổi thọ từ 40-60 năm. Mắc ca là loại cây cho hạt chứa dầu gần giống như cây điều. Đây là loại cây lấy quả nổi tiếng và đang trở thành cây trồng được quốc tế hóa như cà phê, cao su, ca cao... Mắc ca nguyên ở bang Queensland, Australia, được du nhập về trồng thử tại Việt Nam từ năm 1993. Loại cây này thích hợp và trồng nhiều tại các tỉnh phía Bắc, Tây Nguyên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem