“Cuộc chiến” giành nước vùng hạn

Mai Khuê Thứ năm, ngày 26/03/2015 09:08 AM (GMT+7)
Hai đêm một lần, nước từ hồ Cam Ranh Thượng lại được đưa về tưới lúa, rau màu của 3 xã Cam Nghĩa, Cam Thành Nam (TP. Cam Ranh) và Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa). Nước ít, lúa đang làm đòng, nhà máy đường đang trong mùa ép, cả tháng nay, hễ nước về là cuộc tranh giành nguồn nước lại xảy ra quyết liệt…
Bình luận 0

Thâu đêm giành nước

Nước về, nước về! - chỉ sau đôi tiếng thông báo truyền miệng như reo ấy, hàng trăm hộ dân 3 xã Cam Thành Bắc, Cam Thành Nam, Cam Nghĩa đang canh tác trên cánh đồng Cây Găng rộn ràng hẳn lên. Hàng trăm chiếc máy bơm lần lượt được dân xách ra đặt dọc bờ kênh chính đưa nước xuống vùng trồng lúa của cả khu vực rộng 300ha. Nhưng nước về không nhiều, chỉ sau vài phút hàng trăm máy bơm đua nhau hút, kênh đã bắt đầu cạn đáy.

img

Nông dân bơm vét nước cứu lúa trên cánh đồng cây Găng, xã Cam Thành Bắc, Cam Lâm. Ảnh: Mai Khuê
Vườn cây hoa màu, ăn trái của anh Phan Đình Khải may mắn ngay vị trí đầu tiên con kênh chính Nam chảy vào cánh đồng Cây Găng. Anh Khải vừa hối hả lắp đường ống và máy bơm đã kê cố định, vừa giục cha: “Nhanh nhanh tay lên cha ơi, không là chẳng kịp tưới khắp vườn đâu”. Cách đó không xa, nhiều người đang hì hụi dùng đá, bao bì, chặn bớt đầu kênh chia nước từ kênh chính Nam đưa nước về Nhà máy Đường Khánh Hòa... Tiếng cãi cọ vang lên khắp đồng, giữa những người nông dân đang cháy lòng vì lúa khát ở vùng đầu kênh, với những hộ có lúa cũng đang chết khát ở vùng cuối kênh… Tối đến, dọc bờ kênh chính, chạy dài theo cánh đồng lúa rộng lớn, từng nhóm người trải chiếu, giăng đèn leo lét, mang cơm ra tận ruộng, chờ bơm cho đủ nước cứu lúa thâu đêm. “Nhà tui ở đầu nguồn nên đỡ hơn, chứ dưới kia, đêm nào cùng như vậy hết, họ tranh bơm nước, cãi nhau, chửi nhau inh ỏi …” – anh Nguyễn Văn Ánh đang ngồi canh cho nước chảy vào ruộng, nói.

 

Cuộc chiến tranh giành nước ở khu vực này đã xảy ra gần một tháng nay, kể từ khi hạn hán kéo dài, nguồn nước hồ chứa nước Cam Ranh Thượng cạn kiệt, phải chia lịch cung cấp nước cứu lúa cho các khu vực. Đỉnh điểm là ngày 12.3, cán bộ và dân hai xã cuối nguồn nước, là Cam Nghĩa, Cam Thành Nam (Cam Ranh) kéo ra đồng rất đông, lớn tiếng ngăn cản việc chặn dòng của dân đầu nguồn Cam Thành Bắc (Cam Lâm) làm cho nước không chảy về vùng lúa của họ. Còn Nhà máy Đường Khánh Hòa thì phát văn bản báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh phản ảnh dân đã đuổi đánh cả cán bộ thủy lợi, rượt đuổi bảo vệ nhà máy...

Cầu trời cho mưa

“Hạn hán khốc liệt lắm, lúa của dân đang trổ đòng, gần đến ngày được ăn rồi mà không có nước tưới, cháy khô hết, hỏi có đau không? Nhà máy đường cần nước để sản xuất, dân cũng cần nước cứu lúa chứ. Chúng tôi không bội thu thì cũng thu được vài ba tạ để mà sống chứ” - ông Nguyễn Quang Hùng – Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc nói. Còn ông Trần A - Trưởng thôn Tân Sinh Đông thì bùi ngùi: “Dù lúa khô cháy nhưng chúng tôi cũng hiểu, giờ phải ưu tiên dành nước cho đời sống sinh hoạt, cho công nghiệp. Nông dân chúng tôi chỉ ăn theo thôi. Nhưng tới 9-10 hộ chia nhau một cái mương nước ít ỏi, lúa thì đang chết khát, làm sao tránh cảnh tranh giành”.

Trời đã trở chiều, trong khi chính quyền huyện Cam Lâm đang phải tổ chức cuộc họp với các bên để giải quyết tranh chấp, thì trên cánh đồng Cây Găng, hàng trăm hộ dân vẫn đang đánh vật với máy bơm, xoay xở vét cho được nước đưa về đồng. Đã cuối giờ chiều mà trời vẫn cao trong, xanh ngắt, nắng vẫn chưa chịu tắt trên cánh đồng khô cháy. Nông dân Phạm Văn Tươi vẫn đang loay hoay lấy vải cũ bịt đầu ống hút nước đang cắm xuống đáy mương đầy bùn đất đã kiệt nước. Chiếc máy bơm mà anh Tươi phải thuê 40.000 đồng/giờ đang chạy hết công suất, xả nước xuống kênh nội đồng chảy về ruộng nằm cách xa vị trí bơm đến hơn 1,5km. Chốc chốc, anh lại phải chạy dọc dòng kênh để canh chừng ai đó có thể tháo cống “trộm” nước. “Lúa gần chín rồi, chỉ cần tưới vài trà nước nữa là gặt. Tôi đã thuê máy, bám chỗ này hai ngày đêm rồi, nhưng lâu lâu phải nghỉ chờ nước nên vẫn chưa bơm đủ nước cứu lúa. Nếu trời vẫn không cho mưa thì năm nay chắc đói…” – anh Tươi than thở.

Cách đó không xa, mực nước trong hồ Cam Ranh Thượng đã xuống dưới mực nước chết mà vẫn cứ phải xả tưới cứu lúa. Ông Trần Bắc Hải – Trưởng đại diện phía Nam của Công ty Khai thác Công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa cho biết, nếu trời tiếp tục không cho mưa thì chỉ còn 10 ngày nữa, nước trong hồ Cam Ranh Thượng sẽ cạn đáy. Nhà máy sẽ buộc phải đóng van, ngừng cung cấp nước tưới cho toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp và cả nước cho nhà máy đường để dành nước cho sinh hoạt. Nhiều diện tích lúa sẽ chết khô.


Thủy nông Đồng Cam thiếu nguồn nước

Ngày 24.3, đại diện Công ty Thủy nông Đồng Cam (Phú Yên) cho biết, theo hợp đồng, vụ đông xuân này đơn vị cung cấp nước tưới cho hơn 17.700ha đất sản xuất; hiện lúa đang rất cần nước tưới cho kỳ làm đòng, trổ bông. Đơn vị đã làm việc với các thủy điện trên địa bàn để đảm bảo lượng nước về đập đầu mối Đồng Cam (trên sông Ba) luôn đạt lưu lượng ổn định 40m3/giây. Tuy nhiên, nước về hiện liên tục hụt tràn, không thể tự chảy. Công ty Thủy nông Đồng Cam đang phải bơm chống hạn cho khoảng 55ha lúa.                        

HÙNG PHIÊN

 Theo Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa, nước trong các hồ chứa đang ở mức nước chết, còn 30 - 40% dung tích, cả ngàn hecta lúa đang chết cháy. Vụ hè thu sẽ có 13.648ha không sản xuất được, các huyện Cam Lâm, Ninh Hòa, Khánh Sơn ngừng 100% diện tích lúa hè thu.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem