Nông dân sẽ sớm tiếp cận cây trồng biến đổi gene

Thanh Xuân - Ngọc Lê Thứ sáu, ngày 15/08/2014 07:41 AM (GMT+7)
Sau nhiều năm tranh cãi, ngày 11.8, Bộ trưởng Bộ NNPTNT đã chính thức ký các quyết định công nhận 4 sự kiện ngô biến đổi gene đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam. Điều này mở ra cơ hội cho người nông dân sớm tiếp cận với giống cây trồng này.
Bình luận 0

Không ảnh hưởng tới con người

Các sự kiện được phê duyệt lần này bao gồm sự kiện Bt 11 và MIR162 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam; MON 89034 và NK603 của Công ty TNHH Dekalb Việt Nam (Monsanto). Giấy xác nhận phê duyệt được ban hành sau khi quá trình xem xét kỹ lưỡng và được chấp thuận bởi Hội đồng An toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi biến đổi gene (BĐG) theo đúng trình tự đã được quy định.

Theo khẳng định của Bộ NNPTNT, đây là 4 sự kiện BĐG đầu tiên được công nhận đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm và thức ăn chăn nuôi và được chứng nhận không có bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đối với con người và vật nuôi.

Đánh giá về quyết định này, TS Phạm Văn Toản (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) cho biết, đây là bước đột phá của Việt Nam trong lĩnh vực ứng dụng cây trồng chuyển gene. Trong Nghị định 69 của Chính phủ về an toàn với sinh vật BĐG, mẫu vật di truyền và sản phẩm của sinh vật BĐG có quy định về việc cấp giấy xác nhận cho thực phẩm BĐG đủ điều kiện làm thực phẩm, thức ăn chăn nuôi (TACN).

“Việc Bộ NNPTNT bây giờ mới ra quyết định này cũng đã là muộn, đáng ra cần phải thực hiện từ lâu. Song do chúng ta không có đủ điều kiện như các nước tiên tiến nên sự thận trọng cũng là điều cần thiết. Việc 4 sự kiện BĐG được công nhận chắc chắn sẽ góp phần tạo ra bước tiến mới cho việc ứng dụng cây trồng chuyển gene ở nước ta” - TS Phạm Văn Toản đánh giá.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Đăng Vang, hiện nay nhiều nước trên thế giới không có quy định về thực vật BĐG đủ điều kiện làm TACN mà họ mặc nhiên công nhận và sử dụng thực phẩm chuyển gene làm TACN. Chính vì thế, việc Việt Nam có quyết định công nhận các sự kiện này sau khi đã trải qua nhiều trình tự, thủ tục chặt chẽ là điều không còn gì phải bàn cãi.

Sẽ sớm hiện thực hóa trên đồng ruộng

Trao đổi với NTNN, bà Nguyễn Thị Thanh Thủy- Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ NNPTNT), ủy viên Hội đồng An toàn thực phẩm và TACN biến đổi gene cho biết: “4 sự kiện mà Bộ công nhận lần này dựa trên hồ sơ của các công ty đã đăng ký và được thực hiện theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Việc đánh giá đã được tiến hành bởi Hội đồng An toàn thực phẩm và TACN, bao gồm các 11 chuyên gia đầu ngành đến từ các Bộ NNPTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương”.



Ông Trần Xuân Định - 
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT
 
 
Với quyết định công nhận 4 sự kiện chuyển gene đủ điều kiện làm thực phẩm, TACN sẽ tạo ra bước tiến mới để sớm đưa cây chuyển gene vào trồng ở nước ta, trước mắt là cây ngô”. 
 
Cũng theo bà Thủy, sau khi có quyết định này, Bộ NNPTNT sẽ ban hành danh mục chính thức các sản phẩm BĐG đủ điều kiện gửi cơ quan hải quan để phục vụ cho việc nhập khẩu, thông quan hàng hóa”. Riêng về việc công nhận giống cây trồng BĐG, bà Thủy cho biết, vấn đề này thuộc thẩm quyền của Bộ Tài nguyên -Môi trường, song Bộ NNPTNT cũng sẽ tiếp tục phối hợp để hoàn thiện đầy đủ các trình tự theo quy định.

 

Cũng theo Bộ NNPTNT, quyết định phê duyệt các sự kiện BĐG lần này là một bước tiến quan trọng của Việt Nam trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý, hướng tới hiện thực hóa tầm nhìn phát triển nông nghiệp bền vững đến năm 2020.

Đặc biệt trong bối cảnh tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững hiện nay, việc ứng dụng cây trồng BĐG là một giải pháp cần thiết giúp tăng năng suất và thu nhập cho nông dân, cải thiện chất lượng hạt thương phẩm, đồng thời giảm thiểu các tác hại từ canh tác nông nghiệp lên môi trường.

Ông Lê Bá Lịch – Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cho biết, hiện năng suất ngô ở Việt Nam còn quá thấp, trung bình chỉ đạt 4,2 - 4,5 tấn/ha, trong khi các nước như Argentina và Mỹ năng suất đạt tới 9 – 12 tấn/ha. Nguyên nhân chính là nhờ họ ứng dụng công nghệ chuyển gene, họ đã giảm được đáng kể sâu bệnh, giảm công chăm sóc nên năng suất sẽ tăng, từ đó giá thành cũng hạ xuống.

“Hiện chúng ta đang nhập nhiều ngô của Argentina, Hoa Kỳ, Brazil, Ấn Độ… và chủ yếu là ngô BĐG. Trong khi chúng ta chưa sản xuất được giống cây trồng này thì hoàn toàn có thể ứng dụng giống của các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, cần phải có biện pháp kiểm soát giá giống để tránh tình trạng các công ty này độc quyền, bán giống cho nông dân với giá cao” - ông Lịch nói.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem