Chẳng phải ngẫu nhiên mà những “ông lớn” như Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, Công ty CP Gemadept... phải sang tận Lào, Campuchia để thuê đất trồng cao su, mía. Nguyên nhân khiến doanh nghiệp phải “ra đi” do tìm mỏi mắt vẫn không kiếm được vài chục ngàn ha đất “sạch” ở trong nước.
Nhiều tiền cũng chịu
Vài năm gần đây, rất nhiều “đại gia” trong các lĩnh vực bất động sản, tài chính, ngân hàng… đã mở hướng đầu tư sang nông nghiệp như một hướng đi có tính bền vững lâu dài trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn.
Bà Thái Hương – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH chia sẻ: “Với tôi, đất đai là yếu tố cơ bản nhất khi làm NNCNC, bởi có tiền mà không có đất thì không thể làm được gì. Trong khi chính sách còn hạn chế tích tụ ruộng đất, nên việc tìm ra những khu đất lớn, hạ tầng thuận lợi vô cùng khó khăn, khiến DN dễ nản mà bỏ cuộc”.
Nổi tiếng “bạo vì tiền” như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, song DN này cũng quyết định mang cả tỷ đô la ra nước ngoài thuê đất đầu tư vào NNCNC, mà một trong những lý do là họ không thể tìm đâu ra khu đất rộng hàng nghìn ha ở Việt Nam. Theo ông Đoàn Nguyên Đức, trong 7 năm qua, DN đã đầu tư vào Lào khoảng 1,2 tỷ USD để trồng cao su, mía, cọ dầu và đến nay, tổng diện tích 3 loại cây này đạt trên 35.000ha, trong đó riêng vùng mía đạt 10.000ha.
Chỉ trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, mía đường đã mang về cho đơn vị gần 840 tỷ đồng doanh thu, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các lĩnh vực đầu tư của DN với hơn 30%. Ông Đức cũng cho biết, ngoài việc ứng dụng máy móc, công nghệ hiện đại vào trồng mía thì một yếu tố cực kỳ quan trọng trong thành công của công ty là có vùng nguyên liệu lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam rất khó tìm được ở đâu cánh đồng lớn, liền thửa có diện tích lên tới cả nghìn ha như vậy.
Bà Lê Thị Khánh Hòa- Giám đốc đối ngoại Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cũng cho biết, chính sách đất đai bất cập đã và đang gây cản trở các nhà đầu tư, trong đó có DN làm giống chất lượng cao. Cụ thể là 3 năm qua, Syngenta đầu tư một trung tâm sản xuất giống lúa lai khoảng 5ha tại Nam Định, nhưng phải liên kết với trên 100 nông dân mới có nổi diện tích đó. Do đất đai manh mún, cơ sở hạ tầng hạn chế nên sau 3 năm, chi phí đầu tư của DN đã “đội” lên hơn 200.000USD.
Còn nhiều đất “ngủ quên”
Trong khi DN thiếu đất sạch để sản xuất thì vẫn còn nhiều diện tích đất đang “ngủ quên”. Theo số liệu của Bộ TNMT, cả nước hiện có 319 công ty nông, lâm nghiệp đang quản lý, sử dụng tổng diện tích gần 2,8 triệu ha đất. Tuy nhiên, có tới 30-40% số diện tích này sử dụng kém hiệu quả (khoảng 835.000ha).
Còn nhớ, năm 2009, khi Tập đoàn TH bắt đầu triển khai dự án nuôi bò sữa ở Nghệ An, nhiều chuyên gia, nhà quản lý đã bày tỏ sự hoài nghi, cá nhân bà Thái Hương, cùng lãnh đạo Tập đoàn đã phải đi nhiều nơi để tìm thuê đất.
“Đất nông nghiệp nhàn rỗi thì nhiều, nhưng rất manh mún, nhỏ lẻ, phải thuê gom từ nhiều chủ nên rất mất thời gian, thủ tục rườm rà. Cuối cùng, tôi đã nhận ra tiềm năng đất đai vô cùng rộng lớn từ các nông – lâm trường quốc doanh, tổng đội thanh niên xung phong nên đã làm thủ tục thuê lại để làm NNCNC, cũng là tổ chức lại sản xuất cho họ” – bà Thái Hương cho biết.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn
Để khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, cần tập trung vào chính sách đất đai theo hướng thúc đẩy tích tụ ruộng đất thông qua giao đất dài hạn, phát huy cơ chế thị trường để quyền sử dụng đất trở thành hàng hóa, trở thành nguồn vốn cho sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt là tạo cơ chế để nông dân góp quyền sử dụng đất vào DN, như mua cổ phiếu”.
TS Đặng Kim Sơn – Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho biết: “Ở các tỉnh, vào các khu công nghiệp thì được trải thảm đỏ, nhưng muốn làm vùng nguyên liệu nông sản, trang trại chăn nuôi quy mô lớn thì không đơn giản vì rất khó kiếm được vài chục ha đất “sạch”. Để thu hút DN đầu tư NNCNC, Nhà nước phải thực sự có những đột phá trong chính sách đất đai, cơ sở hạ tầng”.
GS-TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng: “Đầu tư công nghệ cao vào nông nghiệp đồng nghĩa với việc tạo ra sự khác biệt, vì thế Nhà nước cần có chính sách ưu đãi hơn về hạn điền và thời gian thuê đất, tạo điều kiện để DN và nông dân liên kết lại, sản xuất trên cánh đồng mẫu lớn. Người nông dân có thể giao đất cho DN bằng nhiều hình thức, khả thi nhất là góp quyền sử dụng đất vào DN, như vậy bà con có thể yên tâm về quyền sử dụng đất và DN cũng yên tâm để đầu tư lâu dài”.
Riêng về việc xử lý diện tích đất của các nông lâm trường kém hiệu quả, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn cho biết, sắp tới những diện tích đất mà các nông, lâm trường quốc doanh sử dụng không hiệu quả, không quản lý được sẽ giao lại cho chính quyền địa phương xử lý, trong đó sẽ dành một phần diện tích cho DN tư nhân thuê để phát triển NNCNC.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.